Kỳ vọng từ Thành phố học tập toàn cầu UNESCO

Ngay sau khi nhận bằng công nhận là thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình hành động xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024-2030”.
0:00 / 0:00
0:00
Kỳ vọng từ Thành phố học tập toàn cầu UNESCO

Chương trình sẽ bám sát bộ tiêu chí do UNESCO đề ra cùng những yếu tố phù hợp điều kiện thực tế của thành phố. Theo đó, thành phố sẽ ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động thực hiện xây dựng thành phố học tập, học tập suốt đời. Trong đó tập trung huy động các nguồn lực thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho người dân. Tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng thành phố học tập và xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030 mọi công dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng cho ngành giáo dục đào tạo nhằm bảo đảm thực hiện tốt bộ tiêu chí của UNESCO. Theo đó, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập. Công tác xây dựng thành phố học tập phải được triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và người dân. Công tác triển khai thực hiện xây dựng thành phố học tập phải gắn với triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và Phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Thành phố cũng yêu cầu ngành giáo dục đào tạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai thực hiện xây dựng thành phố học tập. Tập trung xây dựng phần mềm quản lý và báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ số trong bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO.

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung nhiều nguồn lực cho lĩnh vực khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Đến nay, quy mô trường lớp được phủ khắp 21 quận, huyện và TP Thủ Đức với 5.726 cơ sở giáo dục và đào tạo từ mầm non đến đại học. Thành phố hiện là một trong hơn 60 thành phố thuộc Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Tổ chức này cho rằng, thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi để ứng dụng các phương thức đổi mới, đồng thời có nhiều tiềm lực về ý tưởng và sức sáng tạo. Một trong những sáng kiến gần đây của thành phố được đánh giá cao là xây dựng và phê chuẩn bộ tiêu chí về “Trường học hạnh phúc”.