Kể chuyện bia đá ven đường

“Làm sao em biết bia đá không đau”, câu ca ấy trong ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không chỉ quen thuộc với người yêu nhạc Trịnh mà nó như vận vào số phận những phiến đá ven đường ở vùng đất cố đô Huế. Mỗi phiến đá là một câu chuyện, giai thoại được người dân sống gần đó lưu truyền từ đời này đến đời khác.
0:00 / 0:00
0:00
Phiến đá “Thạch Cảm Đương” chứng kiến bao thăng trầm lịch sử đang được thờ cúng ở làng Nguyệt Biều.
Phiến đá “Thạch Cảm Đương” chứng kiến bao thăng trầm lịch sử đang được thờ cúng ở làng Nguyệt Biều.

Tục thờ thần đá

Về làng Nguyệt Biều, vùng đất nổi tiếng là xứ sở thanh trà của Huế, không ai không biết phiến đá cổ ở xóm Thượng. Lần theo chỉ dẫn của dân trong vùng, chúng tôi đi hết đường Nguyệt Biều để tìm phiến đá với những tích xưa được người dân lưu giữ. Một phiến đá nằm ngay con đập dưới tán cây vông đồng lộ ra, hình chữ nhật, được khắc sâu ba chữ Hán: “Thạch Cảm Đương”.

Theo các cụ cao niên trong làng, có nhiều chuyện kể về phiến đá “Thạch Cảm Đương”, nhưng có chuyện mà người ta vẫn nhớ và truyền lại cho đến ngày hôm nay đó là việc dựng bia đá này để trấn thú dữ. “Vùng này tiếp cả sông lẫn núi, thú dữ hay về đây phá hoại rau màu, đời sống nên thời xưa các cụ đã quyết định dựng bia ngay vị trí hiện tại để trấn giữ. Từ đó về sau, không còn con thú dữ nào xuất hiện, làng quê yên ổn”, một cụ kể lại.

Thời gian sau này, khi cuộc sống thay đổi, đô thị hóa về làng, nhưng một khi xây dựng, nâng cấp đường sá, thì phiến đá được người dân trong làng nâng theo. Thường ngày, người dân vẫn chăm sóc, thắp hương… Làng có lễ lạt lớn nhỏ gì, các cụ cũng đem lễ phẩm đến cúng.

Còn tại ngã tư Hùng Vương - Nguyễn Tri Phương (TP Huế), giới xe ôm, xe thồ và dân uống cà-phê thường ngày nơi góc phố này không khó nhận ra một phiến đá nằm dưới mép cây bồ đề. Trải bao cuộc nâng cấp, mở đường, phiến đá ấy vẫn được người dân bảo vệ, thờ phụng. Bên trên phiến đá được khắc bốn chữ: “Đệ Bát Địa Phận” (mốc giới phường Tám). Anh Nguyên, nhà cạnh nơi đặt phiến đá kể rằng: “Tôi chỉ nghe người lớn kể lại, phiến đá này được dựng lên như một cột mốc phân biệt địa giới các phường ngày xưa. Trải qua biến thiên thời gian, nhiều công trình xây dựng, mở rộng đường sá khi đi ngang qua đây đều tránh, vì thế nó vẫn giữ được nguyên vẹn. Có nhiều người từng tới xin đem phiến đá về nghiên cứu, nhưng người dân sống quanh đây không đồng ý”, anh Nguyên nói.

Gắn với thường nhật

Từ đầu thế kỷ 20 các học giả đã cất công tìm hiểu với nhiều ngạc nhiên. Linh mục - học giả Léopold Cadière (1869-1955), người chủ xướng công cuộc nghiên cứu Huế, đã tìm hiểu và phát hiện ra tục thờ đá này. Thời đó, ông cũng đã ghi lại rất nhiều câu chuyện liên quan.

Theo bản dịch của Đỗ Trinh Huệ, Léopold Cadière từng viết: “Một trong những việc thờ cúng phổ biến nhất hay ít nhất cũng ở một số vùng nào đó, đó là việc thờ đá, thờ cây. Người Việt thờ kính những tảng đá gây hiểm nguy cho việc đi lại trên sông nước, nghĩa là cầu xin các thần thù nghịch đang trú ẩn trong những tảng đá kia đừng làm hại họ nhưng phần nhiều là những viên đá thật bình thường”.

Nhà nghiên cứu Lê Thọ Quốc, Phân viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tại Huế cho rằng, tục thờ đá vốn có nguồn gốc từ xưa, gắn liền với đời sống thường nhật của người dân sinh tụ trên một mảnh đất nào đó với tâm thức “vạn vật hữu linh”. Và không chỉ là thờ đá mà người xưa còn thờ cây, hay thờ những gì liên quan, ảnh hưởng, chi phối đến đời sống tâm linh của họ.

Sự tiếp nối của tục thờ này còn tiếp diễn khi chúng ta vẫn tìm thấy được các trụ đá của tiền nhân dựng lên. Con cháu sau này muốn duy trì, không xâm phạm đã dựng nên các huyền tích, câu chuyện thiêng để gìn giữ. Khi việc phát triển của xã hội và sự nhận thức của họ được nâng lên, mọi người hiểu biết về tục thờ này nhiều hơn nhưng sự tín tâm vẫn luôn được đề cập bởi sự hữu hình và tính chất thiêng hóa vẫn còn.

Nhà nghiên cứu Lê Thọ Quốc nhận định: “Cho đến hôm nay, vai trò lẫn chức năng không còn nhưng đó là dấu mốc của một loại hình tín ngưỡng”. Cũng theo ông Quốc, cũng có thể không loại trừ việc tục thờ đá chuyển hóa trên nhiều dạng khác nhau, nhưng chung quy qua hiện tượng này phản ánh được mối tương liên giữa con người với vạn vật tự nhiên, khi gắn liền với đời sống tâm linh dưới nhiều chức năng khác nhau.

Nhiều phiến đá khác, có thể kể đến như: “Thái Sơn Thạch Cảm Đương” ở ngã ba xóm Thượng, làng Hải Cát (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà); “Thần Thạch Trấn Lộ” ở bên hông chùa Diệu Đế; “Thiền Tông Tự Địa Phận” bên đường Thiên Thai… Hay như những phiến đã dù không được khắc chữ nhưng vẫn được người dân thờ cúng từ xa xưa đến nay như Miếu Đá (nhìn ra bến nước ở giao nhau hai xóm 3-4 thôn Triều Thủy, xã Phú An, huyện Phú Vang); “Bà Thạch” ở thôn Mỹ An (xã Phú Dương, huyện Phú Vang)…