Kỳ vọng từ giải Dế Mèn

Còn non trẻ, song vừa qua, Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn được ví như “cơn mưa rào” đúng thời điểm để góp phần tìm kiếm, vun đắp và tôn vinh những tác phẩm hay viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi. 

“Hiệp sĩ Dế Mèn Nguyễn Nhật Ánh” tặng chữ ký cho độc giả sau khi nhận giải.
“Hiệp sĩ Dế Mèn Nguyễn Nhật Ánh” tặng chữ ký cho độc giả sau khi nhận giải.

1. Phát động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, sau gần bốn tháng, giải Dế Mèn lần thứ nhất vừa được trao. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Giám khảo 2020 cho biết, trong thời gian ngắn đã có hơn 100 tác phẩm, chùm tác phẩm dự thi. Điểm thú vị của giải là không chỉ chờ đợi các tác giả gửi tác phẩm tham dự mà các vị thành viên còn tích cực tìm kiếm những tác phẩm đã được công bố từ ngày 1-1-2019 đến ngày 7-9-2020 để đưa lên xem xét… 

Trong năm đầu tiên, Ban tổ chức giải thưởng đã quyết định trao Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight) cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác giả của truyện dài “Làm bạn với bầu trời”. Ngoài ra, bốn giải Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire) được trao cho: Chùm tranh chủ đề phòng, chống Covid-19 của Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi); “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm” (bản thảo truyện dài) của Cao Khải An (12 tuổi); “Mộng giang hồ” (bản thảo tập truyện ngắn) của Nguyễn Chí Ngoan; Chùm ca khúc chủ đề thiếu nhi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Nhà thơ Trần Đăng Khoa thừa nhận, những tác phẩm được gọi tên đợt này “chưa phải là những đỉnh cao xuất chúng” nhưng được xem là “một vụ mùa bội thu những sáng tác, trình diễn nghệ thuật dành cho các em”. 

Quả vậy, việc trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có thể không gây bất ngờ, thậm chí là một giải pháp khá an toàn. Tuy nhiên, điều này cũng có thể hiểu được nếu nhìn trong bình diện những sáng tác cho thiếu nhi hiện nay khá ít ỏi. Lĩnh vực văn học còn lác đác những tác phẩm mới, còn điện ảnh, phim hoạt hình, kịch, sân khấu, âm nhạc… hướng tới thiếu nhi thì càng ít. Vì thế, khi những tác phẩm gửi tham gia chưa có những “cột cờ”, thì nếu không nới rộng tiêu chí để trao cho những tác giả tên tuổi có bề dày sáng tác cho thiếu nhi thì e danh hiệu Hiệp sĩ Dế Mèn sẽ phải bỏ trống! Trong khi đó, một trong những mục tiêu mà giải thưởng hướng đến là tạo “vùng khí quyển” trong lành, ấm áp để khuấy động các sáng tác cho thiếu nhi, vì thiếu nhi và của chính các em. 

2. Ngay trong mùa giải đầu tiên, với sự phát hiện và gọi tên được những tài năng mới ở các lĩnh vực văn học, hội họa, âm nhạc để trao bốn giải Khát vọng Dế Mèn cho thấy sức hút của giải thưởng. Ở lĩnh vực văn học, nhiều tác giả đã gửi những bản thảo tươi mới đến tham dự. Một trong số đó là tác giả Cao Khải An mới 12 tuổi, là con trai của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau. Vốn là cậu bé chỉ thích trồng cây, chơi piano, không thích đọc sách, nhưng đại dịch đã khiến Khải An phải ngồi nhà, khi đó em mới tìm trong tủ sách gia đình những cuốn sách phù hợp để đọc và sau đó nảy ra ý tưởng “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm”. Tương tự, tác giả Nguyễn Chí Ngoan ở Kiên Giang là thầy giáo tiểu học, trong thời gian giãn cách xã hội, đã hoàn thành tập truyện ngắn “Mộng giang hồ”. 

Trong khi đó, họa sĩ nhí Nguyễn Đới Chung Anh đã cho thấy sự chững chạc của em trong suy nghĩ cũng như cách thể hiện bộ tranh về Covid-19. Tuy mới 10 tuổi nhưng truyện tranh của Chung Anh có sự chững chạc và phức tạp về bố cục, tạo hình, cách lồng ghép câu chuyện và cả khả năng liên tưởng. “Con đã vẽ những điều tốt đẹp mà chúng ta thấy giữa đại dịch, mỗi một lòng tốt tỏa sáng như những chiếc bóng đèn. Và khi lòng tốt khớp vào với nhau, xã hội sẽ chuyển động tốt hơn, ánh sáng lòng tốt sẽ soi sáng những ngày tháng tăm tối của đại dịch. Con mong không chỉ trong chiến dịch, cũng không chỉ khi có dịch bệnh, mà ngay cả khi những ngày bình thường, lòng tốt sẽ còn mãi”, Chung Anh chia sẻ.

Còn Nguyễn Văn Chung là một nhạc sĩ trẻ, sinh năm 1983, nổi tiếng với hàng loạt ca khúc nhạc trẻ trữ tình, nhưng từ khoảng năm 2012, anh bất ngờ rẽ sang tập trung sáng tác cho thiếu nhi. Anh đã sáng tác 300 bài hát cho thiếu nhi thì có đến hơn 100 bài đã phát hành, hơn 10 bài được phổ biến rộng rãi và quen thuộc, được bật thường xuyên tại các trường tiểu học, mầm non, các khu vui chơi thiếu nhi, các trung tâm mua sắm và năm bài được đưa vào sách giáo khoa. Với chùm tác phẩm 11 bài hát sáng tác từ 2019 đến nay của Nguyễn Văn Chung, trong đó bảy bài đã thu âm, bốn bài cuối cùng có bản nhạc - “Chúng con cảm ơn cô”, “Bảng chữ cái”, “Cẩn thận khi qua đường”, “Ai cũng cần có một người thầy”, “Tiếng Việt thiêng liêng”, “Yêu sao hai tiếng thân thương gia đình”, “Không đâu bằng nhà mình”, “Rửa tay nào”, “Tự bảo vệ chính mình”, “Lời Bác mãi còn đây”, “Các loại xe” gợi nhiều kỳ vọng sẽ có nhiều sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi hơn nữa.