Kỷ niệm với bậc đàn anh Thép Mới

Nhà báo Thép Mới hoạt động nhiều ở chiến trường miền nam những năm kháng chiến chống Mỹ. Năm 1964, ông là đặc phái viên của Báo Nhân Dân ở chiến trường miền nam. Từ 1968 đến 1971, ông được cử là Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, kiêm Tổng Biên tập báo Giải phóng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà báo Thép Mới (ngoài cùng bên phải) và các nhà văn đến hiện trường sau khi Bệnh viện Bạch Mai bị ném bom B52 tháng 12/1972. Ảnh tư liệu
Nhà báo Thép Mới (ngoài cùng bên phải) và các nhà văn đến hiện trường sau khi Bệnh viện Bạch Mai bị ném bom B52 tháng 12/1972. Ảnh tư liệu

Ông ra Hà Nội quãng 1970-1971, nên tôi mới có dịp gặp ông. Ấn tượng đầu tiên của tôi là ông to béo, bụng hơi phệ, lưng còng, dáng đi chậm chạp nặng nề vì bị thoái hóa những đốt sống thắt lưng. Năm 1972, ông là Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân.

Tôi được làm việc trực tiếp dưới sự chỉ đạo của ông khi ông bắt tay thể nghiệm kết cấu một tờ tuần báo. Ông kể rằng, ông lên gặp “Ông Tố Lành” - đó là cách gọi đồng chí Tố Hữu, lúc ấy là Bí thư Trung ương Đảng (Lành là bí danh). Ông Tố Hữu hỏi: Tại sao các cậu không nghĩ tới việc ra tờ tuần báo chuyên về văn chương-nghệ thuật của Báo Nhân Dân? Ông Thép Mới gọi tôi phụ giúp, tham khảo tờ Tuần báo Chủ nhật (L’humanité dimanche) của Đảng Cộng sản Pháp.

Sau một thời gian xây dựng thì tờ tuần báo ra đời, sau là Nhân Dân cuối tuần.

Thép Mới là một trong những tên tuổi lớn có cống hiến lớn đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Gia tài báo chí của ông quả là đồ sộ. Tác phẩm “Cây tre Việt Nam” lấy tên tùy bút nổi tiếng của ông, từ sớm đã được đưa vào sách giáo khoa PTTH. Cho đến bây giờ, tuổi cao rồi mà tôi vẫn thuộc lòng câu “thơ văn xuôi” trong tùy bút ấy mà hồi học lớp 7 đã thuộc lòng: “Cối xay tre, nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc” với nhạc điệu 3/3/4/3. Đoạn “thơ văn xuôi” quả thật thần tình. Bên cạnh tập “Cây tre Việt Nam” gồm 517 bài báo của Thép Mới, thì tập sách mang tên: “Sáng đỉnh Trường Sơn” (do NXB Chính trị quốc gia phối hợp Báo Nhân Dân xuất bản) sưu tập ngót 700 bài báo của ông. Không chỉ viết văn, viết báo, mà trong nói năng, Thép Mới đều có thói quen dùng ngôn ngữ hình tượng và có nhạc điệu. Ông đặt tên bài viết hay cuốn sách: “Hiên ngang Cu ba”, “Nguyễn Thái Bình - Nổi dậy của trái tim anh”. Ông viết bài ngôn luận chính trị vào một dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2 mà dùng tiêu đề (titre) giàu hình tượng và nhạc điệu: “Mùa thu ơi mùa xuân gọi, chiến hào chan chứa tình yêu!”.

Cá nhân tôi có những kỷ niệm không thể nào quên với đàn anh Thép Mới. Tôi còn nhớ khi đi Mèo Vạc, Hà Giang viết tùy bút, được đăng với đầu đề “Sớm xuân nay thêm một tuổi chiến hào” (năm 1984), gặp đàn anh Thép Mới ở sân cơ quan, anh bắt tay cười vui, ngón trỏ chỉ chỉ vào tôi, khen: “Tuổi chiến hào, giỏi! Giỏi!”.

Về sau, rất quan tâm đến sự phấn đấu của tôi, ông mấy lần vận động tôi vào Đảng, với tấm lòng chân thành… Và chính ông tự tay viết biên bản họp chi bộ. Ông viết (và tôi đến bây giờ vẫn nhớ vì ông đọc cho nghe trước khi gửi lên Đảng ủy):

Kính gửi Đảng ủy Báo Nhân Dân.

Với nhận thức rằng Đảng ta từ nay chỉ kết nạp những người làm được chứ không kết nạp những kẻ bảo được, Chi bộ Ban Văn hóa - văn nghệ đã họp, nhất trí với 100/100 số phiếu, trân trọng đề nghị Đảng ủy Báo Nhân Dân xem xét quyết định kết nạp đối tượng Nguyễn Thế Long vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đó là một nét nhân văn khiến người ta xúc động, kính nể, trân quý một nhân cách lớn bên cạnh tài năng lỗi lạc của ông - Thép Mới.

Tôi đã rơi nước mắt khi được biết: cuối đời, trong căn biệt thự phố Tú Xương, TP Hồ Chí Minh mà chính quyền TP cấp cho ông, ông đã qua đời lặng lẽ một mình. Người vợ ở lầu dưới, sáng muộn hôm sau thấy ông không xuống như mọi hôm mới lên thăm ông ở tầng lầu trên, thì ông đã ra đi…