KHƠI DẬY SỨC MẠNH VĂN HÓA

Kích thích văn hóa đọc bằng các cuộc thi

Chung tay phát triển văn hóa đọc, có rất nhiều cách làm hay. Trong đó, nhiều đơn vị, cơ quan, nhà trường đã tổ chức các cuộc thi viết, nhằm khơi dậy lòng ham thích đọc sách từ lứa tuổi học sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Có thêm các hoạt động hay sẽ giúp học sinh đọc sách nhiều hơn. Ảnh: QUANG HƯNG
Có thêm các hoạt động hay sẽ giúp học sinh đọc sách nhiều hơn. Ảnh: QUANG HƯNG

Bền bỉ tạo sân chơi

Báo Phụ nữ Thủ đô là cơ quan đã tổ chức bền bỉ cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” suốt 10 năm (năm 2011-2021) dành riêng cho học sinh phổ thông. Tiếp nối thành công đó, năm 2022, đơn vị tiếp tục phát động cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của bạn”, mở rộng đối tượng tham gia tới mọi độc giả ở các lứa tuổi trong và ngoài nước; cán bộ, hội viên phụ nữ.

Tại Hà Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức thành công cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” và Liên hoan Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách. Đây là những hoạt động nhằm cụ thể hóa Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Ông Đinh Trung Hiếu, Giám đốc Thư viện tỉnh Hà Nam đánh giá: Qua các cuộc thi, các em học sinh đã thể hiện niềm đam mê thật sự đối với sách, nhất là những em học tốt môn văn. Các em đạt giải của tỉnh đều chọn những cuốn sách hay, có sự sáng tạo trong lối viết, xuất sắc trong ý tưởng.

Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” được Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức đến lần thứ 5, trên quy mô toàn quốc. Ở nhiều tỉnh, thành phố, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” cũng được tổ chức riêng cho mỗi địa phương, thu hút nhiều học sinh tham gia, phụ huynh học sinh và các thầy, cô giáo hưởng ứng, như tại Hà Nam, An Giang, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Thủ đô Hà Nội, Nam Định…

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” có quy mô lớn, ngày càng được nâng cao chất lượng, thu hút nhiều người tham gia. Rất nhiều học sinh đã trình bày bài đẹp, chuẩn bị những clip công phu, có tác dụng giáo dục lớn. Rất nhiều câu chuyện đẹp, những cuốn sách hay đã được giới thiệu đến đông đảo bạn đọc. Đặc biệt, với số lượng bài tham gia lớn, cho thấy cuộc thi đã thật sự trở thành sân chơi, diễn đàn để các em học sinh, sinh viên chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách hiệu quả.

Ở nhiều địa phương, ngay cấp huyện, cấp trường cũng đã có những cuộc thi nhằm khuyến khích sự đọc. Như Trường tiểu học Trần Nhân Tông, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định đã nhiều lần tổ chức cuộc thi “Mở sách - mở thế giới”; UBND thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bốn lần tổ chức cuộc thi “Viết cảm xúc về sách thư viện”; Thư viện tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thi “Thanh niên với văn hóa đọc”... Nhiều cuộc thi đã gặt hái được thành công nhất định, khuyến khích ngày càng nhiều người, học sinh đọc sách.

“Sau cuộc thi, có bạn đạt giải, có bạn không nhưng giá trị lan tỏa từ đó không hề nhỏ. Mỗi bạn dù tham gia nhiều hay ít đều thấy gần gũi hơn với sách, đều nhận được năng lượng tích cực để chuyển mình trong không khí văn hóa đọc. Và quan trọng, tôi nghĩ, qua các cuộc thi sẽ kích thích các em có thói quen đọc lâu dài. Tôi mong sẽ có nhiều cuộc thi khuyến đọc bổ ích như thế được tổ chức”, cô giáo Đương nhấn mạnh.

Tạo thói quen đọc sách lâu dài

Điều đáng mừng, trong thời gian qua, các em học sinh không chỉ dừng ở cuộc thi, mà sau đó, các em đã xây dựng được biện pháp khuyến đọc hiệu quả, có ý nghĩa. Tại nhiều nhà trường, các thầy, cô giáo đã có sự hướng dẫn để các em học sinh, sinh viên cùng góp sách dựng thư viện, có kế hoạch và biện pháp phát triển văn hóa đọc cụ thể.

Cô giáo, tác giả Nguyễn Thị Đương, giáo viên Trường THCS Yên Phụ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: Khi biết thông tin về cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em”, sau đó “Viết về cuốn sách yêu thích của bạn” do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức, vốn là người ham đọc, tôi rất hào hứng. Hơn thế nữa, tôi còn giới thiệu, động viên học sinh các lớp tham gia. Ban đầu các em có chút bỡ ngỡ nhưng dần dần rất háo hức, tích cực. Được sự chia sẻ, hướng dẫn của cô, nhiều bạn đã lật tìm lại những cuốn sách mình từng đọc, một số tham khảo danh sách sách hay để chọn và lên kế hoạch viết bài tham dự.

Ở nhiều trường học, các thầy cô giáo cũng có những sáng kiến nhằm khuyến khích học sinh đọc sách, nhất là có giải pháp “mềm hóa”, kích thích sự tự nguyện của các em thông qua những giờ ngoại khóa bổ ích. Cô giáo Trần Thị Ánh Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Trường Toản ở Quận 10 (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Trong mỗi nhà trường, việc tạo không gian cho học sinh đọc sách sẽ là rất tốt, thêm nữa, việc quy định thời gian cụ thể để học sinh được đọc sách cũng sẽ giúp các em phát triển thói quen và niềm yêu thích đọc”. Về vấn đề này, nhà báo Trương Anh Ngọc từng kiến nghị, hiện nay có nhiều công cụ đọc sách khác nhau, nên nội dung sách có thể đưa lên các nền tảng công nghệ. Các đơn vị làm sách cần nỗ lực xuất bản các cuốn sách chất lượng tốt, các trường học, gia đình cần xây dựng được hệ thống tủ sách, thư viện để gây dựng thói quen đọc sách cho mỗi người, từ đó lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng.