Khủng hoảng niềm tin

Bất ổn vẫn đang “rình rập” các ngân hàng của Mỹ sau quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), khiến giới chuyên gia lo ngại sẽ xảy ra một đợt rút tiền ồ ạt của người gửi và gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính khốc liệt.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: ARCADIO ESQUIVEL
Biếm họa: ARCADIO ESQUIVEL

Ngày 4/5, theo Bloomberg, các ngân hàng khu vực của Mỹ trải qua thêm một ngày giao dịch đầy sóng gió, sau khi các mã cổ phiếu của châu Âu lao dốc trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về quyết định tiếp tục nâng lãi suất cơ bản của ECB thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 3,25%, đồng thời phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo. Trước đó, ngày 3/5, FED đã tăng lãi suất cho vay qua đêm thêm 0,25 điểm phần trăm, lên khoảng 5,00-5,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của FED kể từ tháng 3/2022.

Cuối phiên giao dịch ngày 4/5, cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ chìm trong sắc đỏ, trong khi chứng khoán các ngân hàng khu vực tại nước này “rơi tự do” trong bối cảnh xuất hiện thêm nhiều lo ngại về “sức khỏe” tài chính của các ngân hàng này. Các cổ phiếu ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm PacWest Bancorp (giảm 50,6%), First Horizon (giảm 33,6%) và Western Alliance Bancorporation (giảm 38,5%).

Quá trình khủng hoảng của ngành ngân hàng tại Mỹ bắt đầu diễn ra cách đây hai tháng, với sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Ngân hàng Signature (Signature Bank), sau đó là việc Chính phủ Mỹ tiếp quản và bán Ngân hàng First Republic (FRB) vào ngày 1/5. Trong những vụ phá sản trước đây, các ngân hàng phải đối mặt tình trạng khách hàng đổ xô đi rút tiền gửi. Ngân hàng PacWest được cho là gây lo lắng đặc biệt cho các nhà đầu tư.

Giống Sillicon Valley Bank (SVB), PacWest có một số lượng lớn người gửi tiền không có bảo đảm và thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ. Tình trạng bán tháo cổ phiếu của PacWest càng trở nên trầm trọng hơn, sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin rằng, ngân hàng này đang xem xét khả năng bán hoặc triển khai các biện pháp huy động vốn khác, sau sự sụp đổ gần đây của một số ngân hàng quy mô trung bình khác. Trước tình trạng này, Ngân hàng PacWest đã tìm cách trấn an các nhà đầu tư, theo đó khẳng định không có bất thường với dòng tiền gửi kể từ khi những lo ngại đầu tiên xuất hiện, đồng thời nhấn mạnh nguồn tiền mặt và thanh khoản khả dụng của ngân hàng vẫn tốt. Dù vậy, giá cổ phiếu của ngân hàng vẫn giảm mạnh.

Ngoài ra, “vận đen” cũng đeo đuổi các ngân hàng khu vực khác như First Horizon, Western Alliance, KeyCorp, Comerica và Zions Bancorporation trong ngày giao dịch 4/5 do ảnh hưởng của những thông tin bất lợi về hoạt động của các ngân hàng này. Theo AP, cổ phiếu của Western Alliance giảm khoảng 31%, của Zions Bancorp giảm khoảng 11% trong khi Fifth Third Bancorp giảm khoảng 5%.

Một số ý kiến đánh giá sự sụt giảm giá trị cổ phiếu của các ngân hàng là diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng niềm tin của người dùng và nhà đầu tư đối với các tổ chức tài chính cho vay cỡ nhỏ, sau vụ việc ba ngân hàng SVB, Signature Bank và First Republic Bank (FRG) phá sản. Chuyên gia phân tích Alexander Yokum tại Công ty nghiên cứu CRFA nhận định, tình trạng này giống như “vòng luẩn quẩn” khi tâm lý lo ngại bủa vây, cùng với đó là việc một số nhà đầu tư “lướt” đặt cược vào xu hướng giá cổ phiếu giảm.

Các nhà phân tích cho biết, mối đe dọa trực tiếp nhất mà các ngân hàng nhỏ phải đối mặt là khủng hoảng niềm tin của dân chúng. Việc xuất hiện hàng loạt thông tin về giá cổ phiếu ngân hàng giảm khiến người gửi tiền hoảng sợ và làm đảo lộn năng lực hoạt động bình thường của các ngân hàng này. Sau khi SVB sụp đổ, người gửi tiền tại Mỹ đã bắt đầu thể hiện tâm lý lo lắng đối với các khoản tiền gửi. Theo kết quả thăm dò của hãng Gallup thực hiện vào cuối tháng 4, có đến 48% người trưởng thành ở Mỹ thể hiện lo lắng đối với khoản tiền họ gửi tại các tổ chức tài chính.

Mặt khác, tình trạng hỗn loạn của giá cổ phiếu ngân hàng cũng làm dấy hoài nghi về sự can thiệp của những người bán khống gây ra biến động thị trường. Theo ước tính của tổ chức phân tích số liệu S3 Partners, những người bán khống đã kiếm được gần bảy tỷ USD trong năm nay khi đặt cược vào cổ phiếu các ngân hàng nhỏ và có thể sử dụng khoản lợi nhuận này quay vòng đầu tư.