Không bất ngờ

Thông tin nhà bán lẻ Parkson Việt Nam xin phá sản thực tế chỉ mang tính “hoài niệm” hơn là bất ngờ, bởi ai cũng thấy được những thách thức mà đơn vị này đã đối mặt và không thể vượt qua trong những năm qua.
0:00 / 0:00
0:00

Năm 2005, Parkson xuất hiện tại Việt Nam và nhanh chóng chinh phục thị trường bằng những trung tâm thương mại (TTTM) được vận hành hiện đại, quy củ ở phân khúc trung và cận cao cấp tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng…

Thời “cực thịnh” của Parkson Việt Nam có lẽ nằm ở giai đoạn 2010, khi các TTTM triển khai nhiều chương trình giảm giá mạnh (sale off) tương tự như một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Thailand… với tỷ lệ giảm lên đến 50-70%... Có thể nói, Parkson là một trong những đơn vị tiên phong trong vận hành TTTM hiện đại, tuy nhiên sau khoảng 10 năm hoạt động, đơn vị này bắt đầu phải đối mặt với nhiều thách thức.

Đầu tiên là việc xuất hiện của những đối thủ nặng ký cả trong lẫn ngoài nước. Các đơn vị này đều vượt trội Parkson kể cả về danh tiếng, truyền thống, quy mô, vị thế. Chẳng hạn, với các tập đoàn đa ngành, sở hữu bất động sản, cao ốc ở vị trí đắc địa thì việc dấn thân thêm vào mảng bán lẻ là rất đơn giản và có nhiều lợi thế. Trong khi Pakrson chỉ đem mô hình vận hành của mình và đi thuê mặt bằng nên chắc chắn rơi vào thế bị động.

Điều này đã được thể hiện trong thông báo mới nhất của Parkson, khi đơn vị này gặp khó liên quan chi phí mặt bằng giai đoạn Covid-19 bùng phát. Mặt khác, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử cũng tác động đáng kể đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt là về mặt giá cả. Cùng một mặt hàng, nếu mua trên các sàn trực tuyến rẻ hơn thì khách hàng sẽ chỉ đến TTTM để… ngắm và về nhà mở điện thoại để… xuống tiền.

Dễ thấy là các TTTM hiện nay đều chỉ là một mảng, tức là công ty con, công ty thành viên của một tập đoàn lớn. Kết cấu này cho phép các tập đoàn mẹ có thể đổ tiền mạnh mẽ cho mảng bán lẻ, thậm chí giai đoạn đầu chưa cần quan tâm đến yếu tố lợi nhuận. Parkson không có lợi thế này nên việc đuối sức là điều dễ hiểu.

Một yếu tố nữa cũng cần nói đến chính là quy mô, tiện ích của TTTM sẽ phải ngày càng lớn và đa dạng. Cách đây 15 năm, Parkson thường đặt tại những tòa nhà có vị trí đắc địa, kèm theo đó là rạp chiếu phim, siêu thị nhỏ… và như vậy dường như là đủ. Theo thời gian, các TTTM trở nên quy mô hơn nhiều, siêu thị cũng phải cực lớn và hàng hóa của Parkson không còn đủ để đáp ứng thị hiếu người dùng.

Có thể nói, sự chia tay của Parkson với thị trường bán lẻ Việt Nam là điều tất yếu và cũng không mang tính cảnh báo gì, vì mô hình như vậy đã tỏ ra đuối sức. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy sự khốc liệt trên thị trường này, bởi lẽ các đơn vị sẽ luôn phải thích ứng theo chiều hướng ngày càng quy mô và mạnh hơn, đa dạng hơn, nắm bắt được thị hiếu của khách tốt hơn để tồn tại và phát triển.