Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Khơi dậy nguồn vốn quý nhân tài

Ngày 9/5/2024, Đảng ta ban hành Quy định 144-QĐ/TW Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Trong đó Điều 2 xác định quy chuẩn “Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập” định hướng cho cán bộ, đảng viên rèn luyện, phấn đấu, phát huy tài năng để cống hiến. Nhìn từ quá khứ đến tương lai, tuyển chọn và trọng dụng nhân tài luôn là vấn đề được quan tâm đặc biệt.
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc thi Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã phát huy nhiều nhân tố tích cực trong xã hội. Ảnh: ANH QUÂN
Cuộc thi Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã phát huy nhiều nhân tố tích cực trong xã hội. Ảnh: ANH QUÂN

Thời xưa tuyển chọn và trọng dụng người tài

“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

…Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau

Song hào kiệt thời nào cũng có” (Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi).

Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung đã khẳng định trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và đi lên, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí”.

Hệ thống khoa cử đảm nhiệm việc tuyển chọn nhân tài trong thời phong kiến. Những “ông nghè” đỗ kỳ thi Đình được vua ban sắc phong, mũ, áo, được ban yến và nhiều quyền lợi khác, được “vinh quy bái tổ” trước khi bổ nhiệm những chức quan. Nhiều tiến sĩ đã trở thành những nhà chính trị, ngoại giao, giáo dục, văn hóa nổi tiếng, có nhiều cống hiến. Những người đỗ đạt được quê hương, dòng họ tôn vinh, nể trọng, được khắc tên trên bia đá ở văn miếu (cấp quốc gia), ở văn chỉ, văn từ (cấp thấp hơn).

Không ít người tài được trọng dụng không căn cứ vào tuổi tác hoặc hoàn cảnh xuất thân, địa vị xã hội của họ. Sử ghi Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên năm 1247, khi mới 13 tuổi. Nhưng từ lúc còn ở quê theo lệnh vua “chờ lớn” mới “bổ nhiệm” đã khiến sứ Nguyên khâm phục vì giải được câu đố xâu chỉ qua con ốc xoắn và câu đố chiết tự chữ “Điền”. Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi mặc dù dáng vẻ xấu xí nhưng ví mình như “bông sen trong giếng ngọc” để vua nhìn thấy tài năng. Ông được trọng dụng, làm vẻ vang đất nước khi đi sứ, được phong là “Lưỡng quốc trạng nguyên”…

“Tìm người tài đức” trong thời đại Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng “Tìm người tài đức” để huy động mọi nguồn lực trí tuệ cho kháng chiến và kiến quốc. Đứng trước nhiều thử thách gian nan khi Chính quyền nhân dân mới thành lập, Người nêu chủ trương “Tập trung nhân tài bất phân đảng phái” để kêu gọi, tập hợp đội ngũ trí thức. Người viết bài “Nhân tài và kiến quốc” nhấn mạnh: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”[1].

Chính phủ lâm thời sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có nhiều nhân sĩ, trí thức không phải là đảng viên cộng sản như Dương Đức Hiền, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Tố, Vũ Trọng Khánh, Vũ Đình Hòe, Đào Trọng Kim... Nhiều vị đã từng giữ những chức vụ cao trong chính quyền cũ như Khâm sai Phan Kế Toại, Thượng thư Bộ hình Bùi Bằng Đoàn được bầu và tham gia Quốc hội. Nhà trí thức nổi danh Nguyễn Văn Tố được Quốc hội bầu giữ cương vị Trưởng ban thường trực. Nhiều trí thức nổi tiếng đã gạt đi cuộc sống gia đình đầy đủ mà đồng hành với cuộc đấu tranh khó khăn của dân tộc. Họ “đi theo Cụ Hồ” vì sự thôi thúc của tinh thần yêu nước và còn vì “Điều mấu chốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng chính sách tín nhiệm đối với trí thức” - như luật sư Phan Anh sau này trả lời phỏng vấn của nhà sử học Na Uy S. Tonnesson về thời kỳ 1945 - 1946.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Người đã nêu những quan điểm cơ bản khi sử dụng người tài: Phải khéo và linh hoạt, bố trí đúng người, đúng việc, đúng lúc mới phát huy tác dụng; sử dụng trí thức, dùng nhân tài phải như “dụng mộc”, phải tránh tình trạng không biết “tùy tài mà dùng người”; phải tránh tầm nhìn hạn hẹp “không thấy khắp” có thể làm “những bậc tài đức không thể xuất thân”... Đào tạo huấn luyện cán bộ luôn đi đôi với việc sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ. Muốn vậy “phải biết rõ cán bộ”, “phải biết cất nhắc cán bộ cho đúng”, “phải khéo dùng cán bộ”, “phải phân phát cán bộ cho đúng”, “phải giúp cán bộ cho đúng”, “phải giữ gìn cán bộ”[2]. Công việc lựa chọn và sử dụng cán bộ của chúng ta cho đến nay vẫn theo những điều căn dặn đó của Người.

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, ở tầm vĩ mô đã có những cá nhân xuất sắc có những tác động làm xoay chuyển tình hình. Từ năm 1968, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc đã cải tiến quản lý hợp tác xã bằng phương thức sản xuất mới là “khoán hộ”. Từ cơ sở này, năm 1988, Phó Thủ tướng Võ Chí Công đề xuất Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện “khoán 10”. Kết quả là ngay năm sau, Việt Nam không những “đủ ăn” mà còn lần đầu tiên xuất khẩu gạo.

Khuyến khích và trọng dụng tài năng trong bối cảnh mới

Trong tài năng cá nhân xuất chúng có yếu tố thiên bẩm. Nhưng những yếu tố đó phải được nuôi dưỡng bằng cả quá trình rèn luyện lâu dài và gian khổ. Tài năng cá nhân muốn hiển lộ và có thể sử dụng, phát huy, giúp ích cho đời lại cần có sự trọng dụng của người lãnh đạo và một tinh thần khuyến khích của cả xã hội, một môi trường kết nối, giao lưu rộng rãi. Sự rèn luyện, tu dưỡng tài năng mang ý nghĩa của một triết lý sống giữa nhân gian. Việc trọng dụng tài năng thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội. Đó chính là những đường nét văn hóa làm nên “sức mạnh mềm” quốc gia mà chúng ta đang phấn đấu xây dựng. Với mỗi cá nhân, yêu cầu về tinh thông nghiệp vụ được đặt song song với những yêu cầu về phẩm chất đạo đức, tư cách. Bên cạnh những tố chất bẩm sinh, quá trình khổ luyện hoàn thiện cả năng lực và phẩm chất để trở thành người xuất sắc, trở thành nhân tài có tính văn hóa nhân văn sâu sắc.

Bên cạnh những yếu tố phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng tự thân của mỗi cá nhân, chúng ta đã có “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ngày 31/7/2023, của Chính phủ, khuyến khích tìm kiếm nhân tài, phát hiện người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, đồng thời đề cao trách nhiệm của người giới thiệu, tiến cử nhân tài; bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong giới thiệu, tiến cử, công nhận nhân tài. Chúng ta quyết tâm thực hiện Chiến lược đó để khơi dậy và phát huy nguồn vốn quý nhân tài. Cùng với việc thực hiện những chủ trương đó là áp dụng các cơ chế, tiêu chí sàng lọc để không “bỏ sót” những người thật sự có đức, có tài nhưng đồng thời không để “lọt” những người không đủ phẩm chất.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr 114.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập - Sđd, t. 5, tr. 314.