Khi đồng đội trở thành đối thủ

Trong nhiều năm trở lại đây, phần lớn các cầu thủ đẳng cấp của bóng đá thế giới đều được đào tạo và thi đấu tại các giải đấu hàng đầu châu Âu. Đây vừa là lý do quan trọng dẫn đến việc bốn nhà vô địch World Cup gần nhất đều đến từ cựu lục địa, và cũng là tiền đề để hy vọng vào sự trỗi dậy của phần còn lại.
0:00 / 0:00
0:00
Morocco lần đầu lọt vào vòng tứ kết World Cup.
Morocco lần đầu lọt vào vòng tứ kết World Cup.

Ước tính, khoảng 75% trong số hơn 800 cầu thủ tham dự vòng chung kết World Cup 2022 đến từ các câu lạc bộ châu Âu. Trong số đó, vô số cầu thủ dù đến từ Nam Mỹ, châu Phi hay châu Á vẫn có sự nghiệp thi đấu gắn bó trọn vẹn tại Lục địa Già.

Điển hình như Morocco, đại diện duy nhất của châu Phi lọt vào tới vòng tứ kết World Cup 2022. Họ chỉ có sáu thành viên không chơi bóng tại châu Âu. 20 người còn lại đều đang thi đấu cho những câu lạc bộ hàng đầu thế giới: nhà vô địch nước Đức Bayern Munchen (Noussair Mazraoui), đội chủ sân Công viên của các hoàng tử Paris Saint-Germain (Achraf Hakimi) hay đại diện đến từ Thủ đô London, Anh, Câu lạc bộ Chelsea (Hakim Ziyech)...

Ngay từ vòng bảng, sự chắc chắn của Romain Saiss, khả năng lên công về thủ không biết mệt mỏi của Achraf Hakimi và đôi chân ma thuật của Hakim Ziyech từng khiến các đối thủ châu Âu phải căng mình chống đỡ. Họ cầm hòa đương kim á quân Croatia rồi vượt qua đội tuyển Bỉ với tỷ số 2-0. Tính đến trước cuộc đọ sức với Bồ Đào Nha ở tứ kết, tập thể này mới chỉ để thủng lưới duy nhất một bàn mà đó cũng chỉ là pha đá phản lưới nhà thiếu may mắn của Nayef Aguerd.

Trước Tây Ban Nha, thủ thành Bono (Yassine Bounou) là người hùng cản phá thành công hai cú sút của Carlos Soler và Sergio Busquets tại loạt đá luân lưu cân não. Anh cũng là "đôi găng vàng" xuất sắc của câu lạc bộ Sevilla (Tây Ban Nha) trong ba năm trở lại đây. Morocco đã áp dụng lối chơi gây áp lực tầm trung: kèm người và vây bắt liên tục, dựa trên sức mạnh của đội hình chính thức vốn là những cầu thủ thi đấu tại châu Âu. Trước Morocco, từng có ba đại diện châu Phi lọt vào tới vòng tứ kết là Cameroon (năm 1990), Senegal (năm 2002) và Ghana (năm 2010).

Nếu nhìn qua lực lượng của các đại diện đến từ Nam Mỹ, Argentina còn sở hữu tới 23 trên tổng số 26 cầu thủ đang chơi bóng tại Lục địa Già. Trong đó, Messi đã sang Barcelona (Tây Ban Nha) từ khi còn rất nhỏ, để rồi gắn bó phần lớn thời gian thi đấu tại đây trước khi đầu quân cho Paris Saint-Germain.

Chính anh cũng xác nhận: World Cup 2022 sẽ là lần cuối cùng, anh tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới. Messi đã góp mặt trong bốn kỳ trước đó (năm 2006, 2010, 2014 và 2018) với thành tích tốt nhất là vị trí á quân cách đây tám năm. Trong trận đấu chuyên nghiệp thứ 1.000 của mình, chàng trai đến từ Rosario đã có được bàn thắng đầu tiên trong một trận đấu loại trực tiếp tại World Cup. Với pha lập công vào lưới Australia, Messi đã ghi tổng cộng chín bàn thắng cho Argentina, chính thức vượt qua huyền thoại Diego Maradona và tiệm cận người đứng đầu danh sách là Gabriel Batistuta (10 bàn). Bây giờ, hơn bất cứ lúc nào, người hâm mộ lại sục sôi kỳ vọng rằng anh sẽ đưa Argentina lên ngôi vô địch thế giới.

Tương tự Argentina, đội hình Brazil cũng có tới 22 trên tổng số 26 người đang thi đấu tại châu Âu. Những vũ công Samba từ lâu vốn là hiện thân của vẻ đẹp hoa mỹ, là chất ngẫu hứng vốn không dựa trên bất kỳ lý thuyết cứng nhắc nào. Dẫu vậy, trong xu thế toàn cầu hóa, khi đến với những giải đấu tại Lục địa Già, các cầu thủ Brazil đã chấp nhận thay đổi, thay vì cố chấp để "trung thành" với chất nghệ sĩ mê hoặc như trước.

Truyền thông Brazil từng lo lắng rất nhiều cho đội bóng con cưng của họ, rằng lối chơi chặt chẽ trong suốt thời gian dài tại châu Âu sẽ phần nào bóp nghẹt không gian sáng tạo của "Vũ đoàn Samba". Thế nhưng, nhìn cách bộ đôi trung vệ Thiago Silva và Marquinhos ban bật khéo léo trong vòng cấm đối phương trước khi kiến tạo cho Richarlison ghi bàn, hay chứng kiến Casemiro "tả xung hữu đột" trước những đối thủ đã quá quen mặt, người hâm mộ Brazil có cơ sở để hy vọng: kinh nghiệm chinh chiến dạn dày sẽ trở thành "vũ khí" quan trọng, giúp thầy trò Tite đánh bại những "người đồng đội" châu Âu.

Trong số tám đội bóng lọt vào tứ kết, có tới năm đại diện đến từ châu Âu (Croatia, Hà Lan, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha), hai đội bóng Nam Mỹ (Brazil, Argentina) và "chú ngựa ô" châu Phi-Morocco.

Cách đây 20 năm, Brazil đã lên ngôi vô địch thế giới tại giải đấu được tổ chức ở châu Á (Hàn Quốc và Nhật Bản). Và biết đâu, lần này, với lực lượng vốn hiểu tường tận phong cách thi đấu của các đối thủ cựu lục địa, chiếc cúp vàng sẽ trở lại Nam Mỹ sau thời gian dài. Những người bạn thân thiết nhất, nếu trở thành đối thủ, sẽ luôn là những đối thủ đáng sợ nhất…