1. Văn Dương Thành học 12 năm ở Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam và 5 năm tu nghiệp. Suốt 17 năm học vẽ dài đằng đẵng đó, chị luôn nuôi khát vọng trở thành một họa sĩ tài năng để đền đáp công ơn cha mẹ. Tốt nghiệp loại xuất sắc Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, chị được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Năm 1981, chị về Viện Nghiên cứu văn hóa làm việc. Để làm tốt công việc của mình, Văn Dương Thành đã theo học tiếng Anh tại Đại học Sư phạm ngoại ngữ bốn năm. Quyết định này đã giúp chị rất nhiều trong bước đường sinh sống và làm việc những năm tháng về sau. Cần phải nói thêm rằng trong những năm học ở Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam chị gặp được những người thầy rất giỏi và tận tụy như họa sĩ Bùi Xuân Phái, người chị đã vẽ khoảng 100 bức tranh về thầy và ông cũng vẽ chị khoảng 300 bức. Hay như thầy - họa sĩ Trần Lưu Hậu mà những bài giảng của ông đã mở ra con đường thênh thang cho chị bước đi. Khi đứng trên bục giảng ở nước ngoài chị cũng truyền tải phong cách giảng dạy và những ý tưởng của họa sĩ Trần Lưu Hậu.
Văn Dương Thành định cư tại Thụy Điển năm 1988 nhưng năm nào chị cũng về Việt Nam dài ngày để mở triển lãm, sáng tác. Chị đã thành công từ rất sớm. Bức tranh sơn dầu “Hoa cúc trắng” chị vẽ năm 20 tuổi đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua.
Tranh của chị đã được Nhà nước Việt Nam dùng làm quà tặng Tổng thống Mỹ Barack Obama, Jimmy Carter, công chúa Thụy Điển. Trong hội nghị thượng đỉnh Summit of Peace 26, Văn Dương Thành cũng sáng tác tranh trên lụa dành tặng Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Vẽ tranh tặng Tổng thống Mỹ Obama chị đã thức trắng ba đêm. Bức tranh vẽ một con phố Hà Nội có nắng vàng rực rỡ ấm áp tỏa lên những ngọn cây xanh mướt. Tổng thống Obama đã viết thư cảm ơn chị.
Tranh của chị như nhà báo Anita của tờ Oland Bladet (Thụy Điển) nhận xét, thể hiện rất rõ kiến thức hàn lâm hội họa qua những năm dài ngồi ghế nhà trường và tu nghiệp ở châu Âu. Kỹ thuật phối mầu, dùng số lượng mầu rất ít, có khi chỉ ba mầu chủ đạo nhưng người xem cảm thấy rất giàu mầu do cách đặt độ nóng lạnh cạnh nhau rất tinh tế. Vệt bút lúc trát dày cộp, lúc mỏng thưa nhìn rõ cả nền vải vẽ, lúc bệt mảng rất lớn, khi nét bút mảnh sắc đến từng chi tiết nhỏ nhất.
2. Vẽ tranh và thành danh nhưng chị không ẩn mình trong tháp ngà, ước muốn mãnh liệt nhất của chị là muốn góp phần vun trồng những tài năng nghệ thuật. Xưởng vẽ “Bông sen trắng” C29 ngõ 210 Nghi Tàm (Hà Nội) là nơi nhiều năm nay chị mở lớp dạy vẽ cho các em có năng khiếu hội họa theo học. Ngoài ra, chị cùng những trường như Nguyễn Đình Chiểu, làng trẻ em SOS thực hiện nhiều chương trình dạy vẽ tại phòng vẽ, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tại phòng học của các trung tâm đào tạo cho các em tàn tật, khiếm thị, khiếm thính, ảnh hưởng chất độc da cam và tự kỷ…
Trong bài thơ “Người họa sĩ trở về” tôi viết tặng chị đã được báo Văn nghệ đăng số ngày 9-5-2015 có đoạn: “Ta đã lên rất cao rồi/Dù nghệ thuật là không có đỉnh/Mà hôm nay thèm gọi mẹ/Mẹ ơi!/…/Đây rồi người thầy giáo * của con/Hiện hình trong những bức tranh đẹp nhất/Lúc thầy ngước nhìn đôi mắt khoan dung thế/Thầy ơi/Nét vẽ của con thầy dạy/Mưa trong tranh con thấm ướt phố thầy/Hôm nay người con gái vẽ tranh trở về/Đất nước ôm chị vào lòng/Dòng sông quê bát ngát phù sa”.
(*) Họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Tháng 4-2020, trong đại dịch Covid-19, họa sĩ Văn Dương Thành đã gửi 3,5 tấn gạo giúp đồng bào Phú Yên, gửi 30 phần quà tổng trị giá 50 triệu đồng cho 30 học sinh nghèo vượt khó tại một ngôi trường ở quê chị. Cũng trong năm nay chị cùng các thành viên trong đại gia đình lập quỹ Van Goi (Văn Gói) giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.