Khát vọng chuyển đổi số cho nông nghiệp

Từng tốt nghiệp Trường Nghiệp vụ ngân hàng Bắc Ninh năm 1987 và làm trong ngành ngân hàng đến năm 1992, điều gì khiến doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực trở thành “thương lái”, như từ bà dùng để “nói cho sang”, chứ thực chất-cũng từ bà dùng, là “đi buôn”? Và những năm gần đây, lý do nào lại thôi thúc bà đắm đuối với giấc mơ chuyển đổi số cho nông nghiệp?
0:00 / 0:00
0:00
Khát vọng chuyển đổi số cho nông nghiệp

“Bỏ” ngân hàng đi… buôn

Chúng tôi bắt đầu với lời kể đi thẳng vào câu chuyện của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Bagico, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam. Thật tình và đơn giản, ấy là vì nghèo. Hồi đó làm ngân hàng nhưng không phải như bây giờ, lương thấp lắm.

Nặng gánh cơm áo gạo tiền nên đành dứt áo. “Con nhà nông nên thứ mà tôi hiểu rõ nhất là những kiến thức khá phong phú về các sản phẩm nông nghiệp. Và nhờ những kiến thức cơ bản về nền tảng kinh tế, ngân hàng, biết tính toán rủi ro, chi phí… nên tôi quyết lập nghiệp từ nghề buôn nông sản”, bà Thực bộc bạch.

Bà bắt đầu đi thu mua cam Trung Quốc về bán, bởi trong nước vốn có cam Bố Hạ (Bắc Giang), cam sành Hà Giang hay cam Vinh (Nghệ An) đã được biết đến, nhưng sản lượng thấp mà mẫu mã… xấu, khó bán. Sau này, bà chuyển sang bán nông sản Việt Nam ở trong nước khi đã có những ứng dụng khoa học công nghệ giúp nâng chất lượng sản phẩm, rồi tiến đến xuất khẩu.

Từng nổi tiếng khi dám lặn lội sang mua cả nông trường cam ở Trung Quốc, bán hàng trăm tấn cam mỗi ngày ở chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), bà Thực lại được biết đến là đầu mối xuất khẩu cả trăm tấn nông sản Việt Nam ra nước ngoài mỗi ngày.

Cơ duyên “bẻ lái” sang khởi nghiệp (startup) công nghệ chuyên ngành nông nghiệp đến vào năm 2015, bà có chuyến đi Israel hai tuần. Ông Trương Gia Bình (Chủ tịch tập đoàn FPT) khi ấy có hỏi thì bà nói: “Em đã làm ăn với các doanh nhân Trung Quốc-ông to nhất thế giới-20 năm rồi. Giờ em đi xem ông giỏi nhất thế giới-Israel-làm gì? Có gì đáng học?”.

Công nghệ tiên tiến nhưng phải phù hợp Việt Nam

Chuyến đi Israel giúp người phụ nữ thành đạt tưởng không còn gì lạ nữa, nhận ra tiếp những cái mới đặc biệt. “Cái lõi giúp họ thay đổi, là công nghệ, là tự động hóa. Trước đây tự động hóa chỉ đơn giản như không đi xe đạp thì đi xe máy, ô-tô, nhưng nay tự động hóa đã phát triển đến mức hoàn toàn, tức là cần trí tuệ nhân tạo, xe tự lái thay con người.

Để làm được như vậy thì phải có cơ sở dữ liệu”, bà Thực khẳng định chắc nịch: “Máy không tự làm thay con người được, mà ta phải dạy nó!”. Và nữ doanh nhân trăn trở: “Cái gì mới là lõi để thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam?”. Câu trả lời chính là: Công nghệ - nhưng phải là công nghệ và ứng dụng phù hợp.

Bà Thực thí dụ, trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, nông dân mình rất sáng tạo, học hỏi và áp dụng khoa khọc kỹ thuật rất nhanh. Nhìn vườn vải thiều của nông dân Lục Ngạn (Bắc Giang) nay đã khác rất xa những năm trước đây. Bà con có thể làm sao cho quả vải to nhất, chất lượng tốt nhất, ngon nhất và bán được giá cao nhất…

Thế nhưng, những thứ như cơ sở dữ liệu thông tin chính xác về từng loại nông sản, về thị trường, về đối thủ cạnh tranh… thì lại rất mù mờ. Và thế là rất nhiều năm, nhiều lần nông dân phải trải qua những thảm cảnh “được mùa mất giá”, chịu thiệt đơn thiệt kép.

Thực tế, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, thông tin dữ liệu không còn là tài sản riêng có của một vùng, một lĩnh vực, hay của một quốc gia nữa. Chỉ cần một cái click chuột là có thể có tất cả các thông tin về mùa vụ, cây giống, ngành hàng, nơi tiêu thụ…

Điều này hoàn toàn có thể có được nhờ chuyển đổi số. Ngay như ở Israel, bà Thực đã chứng kiến, phần lớn nông dân đều được hỗ trợ hiệu quả nhờ các app, các trang thông tin điện tử với kho dữ liệu số khổng lồ, chính xác, và luôn được cập nhật. Thậm chí, họ có đầy đủ dữ liệu về từng vùng, từng loại nông sản, về mùa vụ, thị trường hay giá trị xuất khẩu của từng loại nông sản của… Việt Nam.

Ước mơ “chuẩn hóa” nông nghiệp, nông dân

Đây chính là lý do mà nữ doanh nhân luôn đau đáu với câu chuyện chuyển đổi số ngành nông nghiệp ở Việt Nam. Bà cùng nhóm kỹ sư công nghệ của Trường đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng thành công phần mềm thuần Việt của riêng mình với tên gọi Auto Agri.

Phần mềm đáp ứng được những tiêu chí: đơn giản, dễ sử dụng, có tích hợp cả phần kết toán điện tử, nhật ký điện tử… nhưng lại dễ giám sát, kiểm soát việc thực hiện quy trình, vị trí địa lý, thông tin sản phẩm thông qua việc giám sát cập nhật thông tin của chính người sử dụng.

Bà Thành Thực nói vui mà rất thật: “Với ứng dụng này, người sử dụng không thể nói dối, làm gian khi cắt xén quy trình, bỏ qua công đoạn bởi các hành vi trên nhật ký điện tử dễ dàng xác thực được bất cứ lúc nào, ở đâu”. Và bà so sánh: “Việc này giống như việc bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử hay phần mềm quyết toán thuế điện tử.

Trong nông nghiệp, muốn có sản phẩm tốt, chất lượng cao, muốn thuận lợi trong tiêu thụ, muốn có giá trị cao trong chuỗi… cần có sự minh bạch. Việc số hóa, chuyển đổi số triệt để trong nông nghiệp hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu này”.

Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng thẳng thắn cho rằng, sau này nông dân phải được đào tạo về sản xuất nông sản, và phải có chứng nhận mới được phép sản xuất. Có những ý kiến phản đối mạnh mẽ.

Nhắc lại việc này, bà Thành Thực khẳng định, Bộ trưởng nói đúng! Bởi sản xuất nông nghiệp, thực phẩm là một ngành sản xuất có điều kiện. Làm ra những thứ phục vụ cho ăn uống thì phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đấy là có điều kiện. Và khi sử dụng các phương thức sản xuất có ảnh hưởng đến môi trường, có xả thải ra môi trường, thì người nông dân phải tuân thủ các quy định về môi trường.

Kinh doanh nông sản, thực phẩm cũng là ngành kinh doanh có điều kiện. Và như thế, thì phải có sự kiểm soát chặt chẽ dựa trên tiến bộ của công nghệ nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật, đáp ứng sản xuất và tiêu thụ bền vững.

“Mong muốn lớn nhất của tôi là xây dựng được thương hiệu cho nông sản Việt Nam ở trong nước, và quốc tế. Nhưng làm thế nào để lan tỏa thương hiệu đó nhanh nhất, hiệu quả nhất? Đương nhiên phải nhờ đến và cần đến việc chuyển đổi số nông nghiệp”, doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực đau đáu.

Phần mềm Auto Agri đã được triển khai trên 25 tỉnh, thành phố với hơn 30 nghìn tài khoản và hơn 80 nghìn nhật ký điện tử. Auto Agri đã hỗ trợ việc số hóa chuỗi giá trị bò H’Mông Việt Nam ở năm tỉnh miền núi phía bắc.

Năm 2021, giữa thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh tại Bắc Giang, thương lái Trung Quốc sang thu mua vải thiều chỉ có bốn người. Auto Agri đã đưa toàn bộ thông tin, dữ liệu về vải thiều Bắc Giang lên tất cả các chợ điện tử nông sản của Trung Quốc. Và Bắc Giang đã có một vụ vải thành công ngoài sự mong đợi.