Sự thành công của chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, kiến tạo thương hiệu và quyền lực mềm quốc gia của Hàn Quốc được xem là hình mẫu cho nhiều quốc gia, từ nhiều năm nay. Việt Nam có thể tham khảo được gì từ cách làm của quốc gia này? Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân, Giám đốc Đối ngoại Naver Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học Hàn Quốc (KRAV) quanh chủ đề này.

Phóng viên: Rất nhiều quốc gia, trong đó có cả cường quốc về văn hóa truyền thống, đã coi chiến lược quảng bá hình ảnh đất nước của Hàn Quốc là con đường mẫu mực. Từ những nghiên cứu và kinh nghiệm của mình, bà có thể cho biết, những yếu tố mấu chốt phác họa nên con đường đó, của Hàn Quốc?

Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân: Có một vế câu rất phù hợp với câu hỏi này, xuất hiện trên The New York Times vào tháng 11/2021 nói rằng, “thành công không xuất hiện sau một đêm”. Con đường xuất khẩu văn hóa hay có thể gọi bằng một cụm từ ngắn gọn hơn-Quyền lực mềm của Hàn Quốc được xác định là một con đường dài ngay từ thời điểm đầu, khi đất nước Hàn Quốc đã trải qua suy thoái kinh tế và mong muốn gây dựng một đất nước hùng mạnh, phát triển.

Thực tế là Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập rất nhiều chính sách văn hoá khác nhau, đa dạng không kém các chính sách phát triển kinh tế. Một câu chuyện nổi tiếng “được lưu truyền”, khi Ban tư vấn chuyên môn về Khoa học và Công nghệ được trình bày cho Tổng thống Hàn Quốc thập kỷ 90 của thế kỷ trước, họ đã chỉ ra doanh thu của phim Hollywood “Công viên kỷ Jura” lớn ngang ngửa việc Hàn Quốc xuất khẩu hơn 1,5 triệu chiếc xe hơi Hyundai ra thế giới. Từ thí dụ sinh động này, chính phủ Hàn Quốc đã nghiên cứu và đưa ra các chính sách để thúc đẩy nền công nghiệp văn hoá, chủ yếu tập trung vào hoạt động xuất khẩu.

Làn sóng văn hóa Hallyu. Ảnh: habkorea.net

Làn sóng văn hóa Hallyu. Ảnh: habkorea.net

Từ năm 1998, Hàn Quốc công bố kế hoạch phát triển Hallyu nhằm nâng cao giá trị của ngành văn hoá Hàn Quốc, mở rộng ngân sách từ 14 triệu USD năm 1988 lên 84 triệu USD năm 2001. Chính phủ cũng trợ cấp cho các công ty khởi nghiệp về văn hoá, đầu tư vào những sáng kiến phát triển ngành, ban hành luật để bảo vệ thị trường văn hoá trong nước của họ (Luật Cơ bản về Công nghiệp văn hoá, Đạo luật phát triển công nghiệp nội dung số trực tuyến, Luật Quảng bá điện ảnh...).

Có thể nói, Chính phủ Hàn Quốc nhìn nhận Hallyu như một nguồn doanh thu thông qua tăng cường xuất khẩu và du lịch, khi bên cạnh văn hoá, họ có thể mở rộng sang các mặt hàng xuất khẩu khác như trò chơi trực tuyến, sản phẩm làm đẹp, thời trang.

Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân. Ảnh: Báo Nhân Dân

Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân. Ảnh: Báo Nhân Dân

Phóng viên: Quảng bá hình ảnh đất nước bằng văn hóa đã được Việt Nam chú trọng từ nhiều chục năm qua, song, những kết quả thu được có phần khiêm tốn. Quan điểm của bà về vấn đề này?

Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân: Tôi cho rằng, mỗi quốc gia, mỗi xã hội sẽ có những tệp khán giả khác nhau, với thị hiếu khác nhau. Ở Việt Nam, như chúng ta có thể nhìn rõ, các sản phẩm mang tính giải trí đem lại tiếng cười có xu hướng thu hút khán giả hơn các tác phẩm mang triết lý, nhân sinh quan sâu sắc, do tệp khán giả của những dòng sản phẩm này lớn hơn.

Tôi thấy đáng tiếc là chúng ta chưa có đủ tiềm lực kinh tế để hỗ trợ cho những nhà sáng tạo văn hóa nguyên bản của Việt Nam được thỏa sức đem tư tưởng, văn hoá của con người Việt Nam vào các tác phẩm, thay vì bắt họ phải chạy theo số đông để bảo đảm bài toán doanh thu.

Một chương trình “Giao lưu văn hóa Việt-Hàn”.  Ảnh: Khánh Linh

Một chương trình “Giao lưu văn hóa Việt-Hàn”.  Ảnh: Khánh Linh

Yếu tố thứ hai là yếu tố về con người. Hằng năm chúng ta đào tạo những nhà sáng tạo, người làm trong lĩnh vực văn hoá nhưng đầu ra cho họ khá eo hẹp, không bảo đảm thu nhập cuộc sống. Những người được đào tạo cũng chưa được trải nghiệm một môi trường thật sự lý tưởng và có những người truyền lửa hết mình để họ đạt đến trình độ “tinh hoa”.

Một yếu tố khác, tôi mong rằng chúng ta sẽ có nhiều hơn những chính sách hỗ trợ văn hoá, song hành với định hướng văn hóa, luật quản lý để các tác phẩm được làm ra đúng trọng tâm-hiểu thị hiếu-mang giá trị nguyên bản của Việt Nam.

Tôi mong rằng chúng ta sẽ có nhiều hơn những chính sách hỗ trợ văn hoá, song hành với định hướng văn hóa, luật quản lý để các tác phẩm được làm ra đúng trọng tâm-hiểu thị hiếu-mang giá trị nguyên bản của Việt Nam.

Tiến sĩ ĐẶNG THIẾU NGÂN

Phóng viên: Từ những kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc, đặt vào điều kiện của Việt Nam hiện nay, theo bà, chúng ta có thể học được gì?

Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân: Như tôi đã nói ở trên, nếu thật sự coi quảng bá văn hoá là một chiến lược trong phát triển đất nước, học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc, Chính phủ sẽ có những hỗ trợ về ngân sách mạnh mẽ để đầu tư nội dung, con người với tầm nhìn dài hạn, có tham khảo các hình thức sản phẩm của thế giới nhưng cũng có phát triển giá trị nguyên bản của Việt Nam, có luật chi tiết, rõ ràng ngay từ đầu để các nhà sáng tạo yên tâm thoả sức mình.

Một điều cuối cùng, tôi mong khán giả Việt có thể mở lòng đón nhận những tác phẩm xuất sắc, những tác phẩm tử tế của văn hóa Việt Nam và cùng trở thành những sứ giả quảng bá văn hoá Việt Nam đến với thế giới.

Đoàn diễu hành áo dài của Thành đoàn Hà Nội. Ảnh: Báo Nhân Dân

Đoàn diễu hành áo dài của Thành đoàn Hà Nội. Ảnh: Báo Nhân Dân

Phóng viên: Hướng về mục tiêu xuất khẩu văn hóa, Việt Nam nên có lựa chọn như thế nào, theo bà?

Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân: Trong chiến lược xuất khẩu văn hoá, Hàn Quốc đã lựa chọn và chia những ngành mũi nhọn để phát triển theo các giai đoạn khác nhau. Ở thời kỳ đầu, Hallyu 1.0, Hàn Quốc tập trung phát triển phim (điện ảnh, truyền hình), tấn công vào khu vực châu Á-là khu vực địa lý của họ theo quan niệm “nhất cự ly, nhì tốc độ”.

Ở thời kỳ Hallyu 2.0, họ tổng lực đầu tư cho K-Pop với phạm vi phát triển tại châu Á, lan tỏa sang các châu khác như châu Âu, châu Mỹ (Nam Mỹ và Mỹ) với các kênh bổ sung từ internet như YouTube, SNS (Twitter, Facebook, Instagram..).

Triển lãm với chủ đề Hallyu - Làn sóng văn hóa Hàn Quốc tại Bảo tàng Victoria và Albert, London, Anh, tháng 9/2022. Nguồn: Bảo tàng Victoria và Albert

Triển lãm với chủ đề Hallyu - Làn sóng văn hóa Hàn Quốc tại Bảo tàng Victoria và Albert, London, Anh, tháng 9/2022. Nguồn: Bảo tàng Victoria và Albert

Với giai đoạn Hallyu 3.0 (từ năm 2010 cho đến hiện tại), Hàn Quốc xác định “Văn hoá Hàn” (K-Culture) là một cụm để họ mang đi “đánh chiếm” các nước trên toàn thế giới, tổng lực xuất hiện trên các hệ thống truyền hình địa phương, trên internet và bao gồm cả các nền tảng nội dung OTT như Netflix, Disney+…

Để biết lựa chọn các giai đoạn phát triển và sản phẩm mục tiêu của giai đoạn đó, phải dựa vào rất nhiều các bản nghiên cứu thị trường, dự báo xu hướng cũng như tiềm lực của đất nước. Nếu như chúng ta có những hành động thật bài bản theo hướng như vậy, tôi tin các lựa chọn đưa ra sẽ là chính xác.

Để biết lựa chọn các giai đoạn phát triển và sản phẩm mục tiêu của giai đoạn đó, phải dựa vào rất nhiều các bản nghiên cứu thị trường, dự báo xu hướng cũng như tiềm lực của đất nước. Nếu như chúng ta có những hành động thật bài bản theo hướng như vậy, tôi tin các lựa chọn đưa ra sẽ là chính xác.
Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân

Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của bà.

Ngày xuất bản: 12/10/2023
Thực hiện: Luân Vũ
Trình bày: Trung Hưng
Ảnh: Báo Nhân Dân

E-MAGAZINE
nhandan.vn