Đòn bẩy nâng tầm nông sản Việt

Chính những mô hình nông nghiệp công nghệ cao do các doanh nghiệp trong và ngoài ngành tham gia đầu tư đang góp phần quan trọng để đưa thương hiệu nông sản Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, sẽ có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam gia tăng khả năng chi phối thị trường thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống cho ăn tự động trong nuôi thủy sản của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam. (Ảnh Minh Anh)
Hệ thống cho ăn tự động trong nuôi thủy sản của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam. (Ảnh Minh Anh)

Tính đến hết năm 2022, cả nước có 14.995 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng hơn 9,8% so năm 2021. Bên cạnh sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tạo ra những giá trị mới cho hầu hết các ngành hàng nông, lâm, thủy sản.

Giá trị gia tăng cao nhờ công nghệ

Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) là một trong những công ty xuất khẩu cà-phê hàng đầu Việt Nam. Simexco DakLak đã xây dựng được mạng lưới thu mua trực tiếp từ các nông trại; kiểm soát chất lượng tại những vùng trồng cà-phê trọng điểm; đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà-phê hiện đại và đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao. Hiện sản lượng thu mua và xuất khẩu của Công ty đạt hơn 100.000 tấn cà-phê mỗi năm, xuất khẩu đến 125 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ông Nguyễn Tiến Dũng- Giám đốc phát triển nông nghiệp bền vững Simexco DakLak cho biết: “Từ nhiều năm nay, Công ty đã hợp tác với các hợp tác xã, nông dân trồng cà-phê tại Đắk Lắk và Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH), Ngân hàng Thế giới (WB)... hướng dẫn, đào tạo nông dân tiếp cận hướng canh tác cà-phê chất lượng cao. Mới đây, Công ty đã tổ chức tập huấn cho hơn 4.600 nông dân các kiến thức, kỹ thuật về sản xuất bền vững, sản xuất có trách nhiệm thông qua việc quản lý dinh dưỡng đất; quản lý cỏ dại; tưới nước tiết kiệm; kỹ thuật ủ phân hữu cơ; kỹ thuật tái canh và trồng xen canh; thu hoạch chế biến cà-phê chất lượng cao; sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính”.

Cùng với việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, các sản phẩm xuất khẩu của Công ty còn được chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu lựa chọn cà-phê đến đóng gói, in bao bì... để phục vụ đa dạng thị hiếu khách hàng. Nhờ đó, công ty không chỉ xuất khẩu cà-phê mà còn bảo hộ thương hiệu Simexco tại thị trường Mỹ thông qua Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO).

Đòn bẩy nâng tầm nông sản Việt ảnh 1

Thu hoạch cà-phê ở xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh Hà Anh)

Gần đây nhất, vào đầu tháng 7/2023, nguyên container cà-phê đặc sản cũng của doanh nghiệp này đã chính thức xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản. Với trọng lượng khoảng gần 20 tấn và giá trị lên tới hơn 120.000 USD, lô hàng cà-phê đạt mức giá trị cao cả về chất lượng và lợi nhuận. Đây được coi là thành tựu vượt trội và đột phá mới của Simexco DakLak trong việc kiên trì thực hiện mục tiêu cải thiện chất lượng cà-phê cũng như lan tỏa giá trị văn hóa cà-phê Việt Nam đến với bạn bè, đối tác trên thế giới.

Trong lĩnh vực thủy sản, đầu tư công nghệ cao chính là hướng đi tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn Trương Thị Lệ Khanh cho biết: Thời gian qua, Công ty không ngừng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào phát triển sản phẩm.

Hiện, Công ty đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến surimi từ thịt vụn cá tra và xây dựng phân xưởng sản xuất hàng ăn liền thanh cua từ surimi cá tra. Công ty cũng đã đầu tư xây dựng Trung tâm giống thủy sản. Đây không chỉ là trung tâm giống đơn thuần mà còn là nơi nghiên cứu nhiều mô hình thực nghiệm từ giống đến cá thịt, nhằm đưa ra thị trường sản phẩm cá tra chất lượng cao, giá thành hợp lý.

“Xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm 2022 cán mốc kỷ lục 2,44 tỷ USD, tăng 51% so năm 2021. Trong đó, Vĩnh Hoàn khẳng định vị trí dẫn đầu với tổng doanh thu xuất khẩu đạt 364,7 triệu USD, chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam. Riêng mảng chế biến sâu collagen và gelatin, năm 2022, Công ty đạt doanh thu collagen tăng 19% và gelatin tăng 37% so năm 2021. Collagen xuất khẩu vào 20 thị trường trong năm 2022, đạt doanh số 9,1 triệu USD”- bà Trương Thị Lệ Khanh cho biết thêm.

Nhà cung ứng chiến lược cho thị trường quốc tế

Bàn về mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 55 tỷ USD trong năm 2023, nhiều chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp tin tưởng vào độ khả thi cao dù thị trường thế giới đang nhiều biến động. Nhìn rộng ra, mục tiêu của nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu còn lớn hơn thế!

“Làn sóng” xuất khẩu gạo và “sức nóng” giá gạo xuất khẩu của Việt Nam những tháng qua là một minh chứng cho khả năng chi phối thị trường thế giới của ngành hàng này. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nhiều gạo nhất thế giới; giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đạt mức cao nhất thế giới, có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn. Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 4 tỷ USD.

Ngay trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu, một số quốc gia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, Việt Nam vẫn nổi lên là một nhà cung cấp ổn định với nguồn cung dồi dào và chất lượng gạo không ngừng được nâng cao. Nguyên nhân phần lớn nhờ vào những ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất, chất lượng, thích ứng biến đổi khí hậu, kể cả hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như El Nino.

Ông Nguyễn Văn Hiếu-Trưởng phòng Xuất khẩu Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết: Nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, Công ty đã triển khai mô hình lúa mùa nổi trên vùng chuyên canh ở ba tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Long An với quy mô 250 ha vào mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 12 hằng năm. Sản phẩm lúa mùa nổi được Tập đoàn Lộc Trời kinh doanh với thương hiệu “Sức sống Mekong”.

Diện tích lúa nổi có thể coi là hồ chứa nước tự nhiên, giải quyết phần nào tình trạng khô hạn của vùng hạ du khi chuyển từ mùa mưa sang mùa khô ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiện Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp đã và đang từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước với thương hiệu gạo “Hạt Ngọc Trời”. Từ tháng 9/2022, sản phẩm gạo “Cơm ViệtNam Rice” đã chính thức được giới thiệu đến người tiêu dùng quốc tế thông qua hai hệ thống đại siêu thị Carrefour và Leclerc ở Pháp. Đây là những bước tiến dài của Công ty nói riêng và của ngành hàng lúa gạo Việt Nam nói chung.

Đòn bẩy nâng tầm nông sản Việt ảnh 2
Gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” được xuất khẩu vào thị trường châu Âu. (Ảnh Minh Hà)

Không chỉ lúa gạo, ngành thủy sản cũng đang có nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu với vị thế của một quốc gia sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt kỷ lục 11 tỷ USD, tăng 23,8% so cùng kỳ năm 2021. Song điều kiện để đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa vẫn còn rất khả thi nếu Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng.

Ông Josh Goldman-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam nhận định: “Phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản tập trung vào công nghệ là một mục tiêu thông minh cho Việt Nam. Ở đây có nhiều tài nguyên độc đáo có thể được tận dụng để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển một ngành công nghiệp biển bền vững hướng tới xuất khẩu. Vấn đề lớn đối với thế giới hiện nay là biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến việc khai thác cá tự nhiên cũng như ảnh hưởng đến nhiều loại hình nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển các giải pháp thông minh về khí hậu”.

Hiện nay, tại Việt Nam, Australis là công ty đầu tiên áp dụng các công nghệ nuôi trồng thủy sản hiện đại như hồ tròn lớn bằng nhựa, hệ thống neo, camera dưới nước từ xa, thiết bị thu hoạch và chế biến hiện đại để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường chất lượng cao trên thế giới. Công ty bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Khu kinh tế Vân Phong từ năm 2008 và đã đầu tư khoảng 200 triệu USD để phát triển công nghệ, mở cửa thị trường và xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất. Đồng thời, tiến hành những nghiên cứu lớn để ổn định, cải thiện kết quả sản xuất và đạt được sản lượng gần 10.000 tấn cá mỗi năm”.

Như vậy, có thể thấy tiềm năng nuôi biển của Việt Nam là rất lớn. Khi mô hình cùng những công nghệ của Australis có thể được nhân rộng và tạo động lực thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản biển Việt Nam, chắc rằng, trong tương lai không xa, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành “cường quốc nuôi biển số một Đông Nam Á”.

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 55 tỷ USD. Với dư địa xuất khẩu của nông sản còn rất lớn, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa giấc mơ trở thành nhà cung ứng chiến lược về nông sản cho thị trường quốc tế.