- Có một câu nói được nhắc đến nhiều ở Bạc Liêu - “Việc gì khó dành cho chính quyền, việc gì dễ dành cho doanh nghiệp”. Xin đồng chí chia sẻ rõ hơn về chủ trương này?
Có thể nói, đây là quan điểm của lãnh đạo tỉnh mấy năm qua, nhất là kể từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đến nay. Bởi, chúng tôi luôn xác định: Muốn địa phương phát triển nhanh, vững mạnh trong thời kỳ mở cửa và hội nhập sâu rộng như hiện nay, thì ngoài đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, cần tạo mọi thuận lợi để các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn, huy động hiệu quả mọi nguồn vốn, trí tuệ, lao động…
Để đạt mục tiêu đó, mấy năm qua, chúng tôi đã và đang rất nỗ lực, với quyết tâm cao nhằm phát huy tối đa nội lực, với phương châm “đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, vùng biển của mình; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể”.
Đồng thời, Bạc Liêu đang rất nỗ lực phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, quyết tâm tạo đột phá mới. Cụ thể là, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bạc Liêu thời gian gần đây liên tục nằm trong tốp ba tỉnh, thành phố có tăng trưởng tốt nhất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào năm lĩnh vực trụ cột gồm: Phát triển nông nghiệp và trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; công nghiệp với trọng tâm là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí; du lịch; thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao và phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh…
- Xin đồng chí cho biết rõ hơn về những giải pháp nhằm kiên quyết khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức nhũng nhiễu và cố tình gây khó đối với doanh nghiệp?
Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm vấn đề này. Cụ thể như, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch 28 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Chương trình hành động số 02 về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhằm mang đến lợi ích tối đa cho nhà đầu tư.
Đơn cử như hiện nay, thời gian cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp rút ngắn xuống còn bốn giờ làm việc. Đối với hồ sơ thay đổi nội dung, khi hồ sơ doanh nghiệp đầy đủ và hợp lệ, chủ động xử lý để doanh nghiệp có thể nhận kết quả về ngay.
Mặt khác, để phòng tránh nạn nhũng nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp, thời gian qua, cá nhân đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã công khai đường dây nóng, trong đó giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn, bất cập đối với các doanh nghiệp, doanh nhân…
Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã và đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh với những việc làm rất cụ thể, rõ ràng, thiết thực.
Tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và nhất quán quan điểm ưu tiên cho những dự án sử dụng nhiều lao động địa phương gắn với tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu chủ động và tích cực hội nhập kinh tế toàn cầu, không ngừng nâng cao vị thế và xây dựng hình ảnh địa phương, con người Bạc Liêu đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng như trong và ngoài nước…
- Những nỗ lực của chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã tạo đột phá như thế nào trong thu hút đầu tư, thưa đồng chí?
Có thể nói, từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, (nhiệm kỳ 2020-2025) đến nay, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đặc biệt quan tâm công tác thu hút đầu tư. Cuối năm 2022, chúng tôi đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, với chủ đề: “Bạc Liêu - tiềm năng và khát vọng phát triển”.
Có thể nói, từ sau Hội nghị này đến nay, Bạc Liêu đã có nhiều chuyển biến đáng mừng về thu hút đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời kỳ phát triển mới.
Hiện nay, chủ trương của tỉnh là ưu tiên các nhà đầu tư, các dự án liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo, nâng cao chất lượng nông sản, với mục tiêu chung là phát triển nông nghiệp-nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu đã thu hút được một dự án điện khí LNG 3.200 MW, dự án này đang được nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm chính thức khởi công xây dựng.
Tỉnh hiện có tám dự án điện gió đã hoàn thành đi vào hoạt động, với công suất gần 470 MW, Bạc Liêu hiện đứng thứ ba cả nước về các dự án điện gió. Các dự án này đã và đang là động lực, là “đòn bẩy” quan trọng cho tăng trưởng GRDP của địa phương.
Bạc Liêu phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, với trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí…
Theo đó, đến nay tỉnh đã thu hút được 184 dự án, trong đó: 167 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 53 nghìn tỷ đồng; 17 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 4,5 tỷ USD và nhiều dự án động lực khác…
Có thể khẳng định, các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực vượt lên nhiều khó khăn, gian khổ, góp phần rất quan trọng tạo ra xung lực mới, động lực mới thúc đẩy Bạc Liêu phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, thời kỳ hội nhập và phát triển mới…
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!