Tìm hướng mở cho R&D

Các hoạt động nghiên cứu và phát triển (Research and Developmen-R&D) được xem là không thể thiếu trong tiến trình phát triển của mỗi doanh nghiệp thời công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, với số đông doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, cánh cửa mở ra cơ hội phát triển R&D vẫn còn khá hẹp.
0:00 / 0:00
0:00
Đối tác Nhật Bản quan tâm và đề cao chất lượng phòng nghiên cứu của Intech Group. Ảnh: INTECH GROUP
Đối tác Nhật Bản quan tâm và đề cao chất lượng phòng nghiên cứu của Intech Group. Ảnh: INTECH GROUP

Áp dụng R&D ở doanh nghiệp nên theo mô hình nào? Câu trả lời khá phong phú, tùy quy mô và tầm mức, doanh nghiệp có thể linh hoạt trong lựa chọn mô hình như xây dựng các phòng, ban chuyên trách hay cũng có thể triển khai dưới dạng các dự án, chương trình nghiên cứu phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học... Dù tồn tại dưới hình thái nào, R&D cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng...

Khẳng định tầm nhìn của doanh nghiệp

Ở nước ta hiện nay có không ít doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho R&D, đây là những tín hiệu tích cực cho thấy tầm nhìn và chiến lược phát triển của doanh nghiệp đã bền vững hơn.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) từ nhiều năm nay đã quan tâm triển khai R&D. Sản phẩm chính của Vinaseed là giống cây trồng, nông sản, vật tư và dịch vụ nông nghiệp. Năm 2018, Công ty tái cấu trúc theo mô hình Tập đoàn, đổi tên thành Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam. Sang năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn cũng được chính thức khánh thành và đi vào hoạt động.

Với chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”, Vinaseed đã tập trung khai thác nguồn lực xã hội, mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu công lập, hợp tác quốc tế trong chuyển giao tiến bộ khoa học-công nghệ. Điểm đặc biệt tạo nên thành công của Vinaseed chính là việc mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu nông nghiệp để thu hút những nhà tạo giống hàng đầu tham gia nghiên cứu giống.

Không chỉ trông đợi vào các nguồn lực bên ngoài, Vinaseed cũng chủ động đầu tư, xây dựng ba trung tâm nghiên cứu và hai phòng công nghệ sinh học trực thuộc Tập đoàn. Những nỗ lực này cũng là sự khẳng định cho cam kết “lấy khoa học-công nghệ làm nền tảng và động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp” mà bà Trần Kim Liên-Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaseed từng công bố.

Một doanh nghiệp khác cũng cho thấy tầm nhìn trong đầu tư R&D chính là Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghệ (Intech Group), hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác, tự động hóa và công nghệ. Với việc khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trong năm 2020, Intech Group đặt mục tiêu “làm chủ công nghệ mới”. Hướng đi này được không ít người cho là đầu tư mạo hiểm.

Song ông Hoàng Hữu Yên-Phó Tổng Giám đốc Intech Group, chia sẻ lý do khá thuyết phục: “Nếu không mạnh dạn đầu tư cho R&D thì khó có thể làm chủ công nghệ, khó có thể khẳng định được vị thế doanh nghiệp trên thương trường, càng không thể mơ đến kinh doanh bền vững”. Sau một thời gian hoạt động, Trung tâm R&D đã mang đến cho Intech Group một số kết quả nổi bật như: làm chủ được công nghệ mới, công nghệ khó; sản phẩm đến tay khách hàng hoạt động ổn định và hạn chế rủi ro; chất lượng sản phẩm được bảo đảm ở mức độ cao nhất.

Có hai vấn đề mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi đầu tư cho R&D, đó là khó khăn về tài chính (vốn đầu tư) và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy vậy, Intech Group vẫn dành rất nhiều nguồn lực cho R&D, với quyết tâm hiện thực hóa khát vọng như vị Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn chia sẻ: “Chúng tôi theo đuổi mục tiêu khẳng định trí tuệ và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, con người Việt Nam thông qua những sản phẩm chứa hàm lượng chất xám cao”.

Cơ chế cho sản phẩm “Make by Vietnam”

Theo số liệu thống kê do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cung cấp, số lượng các doanh nghiệp ở Việt Nam hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học-công nghệ năm 2020 đạt khoảng 3.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2022, trên cả nước mới chỉ có 712 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học-công nghệ. Và trong số doanh nghiệp này, có 14 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận và 18 doanh nghiệp ngừng sản xuất.

Vì sao lại có thực tế này? Đó là bởi sự trùng lặp chính sách ưu đãi giữa các ngành nghề và lĩnh vực và thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hay thủ tục giao quyền các kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước còn phức tạp,... làm khó doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nhân Dân về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thời gian tới, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho rằng: Thời gian qua, ngoài các chính sách hỗ trợ chung của Nhà nước, các tỉnh, thành phố cũng đã tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiềm năng thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học-công nghệ sử dụng vốn nhà nước. Một số tỉnh, thành phố chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thông qua việc “đặt hàng” nhằm tạo ra các sản phẩm phù hợp với đặc thù, điều kiện tự nhiên của địa phương.

Tuy nhiên, một số chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước còn chưa tác động được tới doanh nghiệp như: chính sách ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ trong phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; hưởng ưu đãi về giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế,... Do còn thiếu các văn bản, quy định hướng dẫn chi tiết, liên ngành nên việc đưa các chính sách ưu đãi này vào thực tiễn còn gặp khó khăn.

“Thời gian tới, cần tập trung cơ cấu lại các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học-công nghệ của tỉnh, thành phố theo hướng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, nâng cao tiềm lực về khoa học công nghệ của địa phương; hỗ trợ việc tiếp nhận các kết quả khoa học-công nghệ và quyền sử dụng tài sản trí tuệ để hình thành doanh nghiệp khoa học-công nghệ”, vị Cục trưởng này cũng nhấn mạnh: “Xét tổng thể, ở vai trò quản lý nhà nước, cần sớm xem xét xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm “make by Vietnam” nói chung và sản phẩm của doanh nghiệp khoa học-công nghệ nói riêng”