Trong bản Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ hai nước, Việt Nam và Hoa Kỳ quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và khẳng định sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.
Với các khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá hai triệu USD từ Chính phủ Mỹ, cùng các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân, cơ hội để chúng ta thâm nhập ngành công nghiệp bán dẫn trị giá hàng trăm tỷ USD, tạo nên sức ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực trên thế giới đang ngày càng rõ nét. Dẫu vậy, cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn câu chuyện thực tế, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ đóng góp một phần rất nhỏ vào quá trình đặt nền móng mới ở những bước đầu.
Với ba khâu cơ bản (thiết kế, sản xuất và đóng gói), hầu hết quá trình từ thiết kế đến sản xuất đều do các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn như Samsung, Intel hay Foxconn chi phối. Điển hình như việc sản xuất chip Intel ở nước ta, các linh kiện và công đoạn chính làm tại nhà máy ở Singapore sau đó đưa về Việt Nam để đóng gói và gia công những khâu cuối cùng. Công đoạn này chỉ chiếm khoảng 6% giá trị trong khi khâu sản xuất và thiết kế chiếm lần lượt 24% và 53%. Với phần việc chủ yếu tập trung vào lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói, Việt Nam khó lòng điền tên mình lên bản đồ sản xuất chip thế giới.
Nỗ lực vượt qua những thách thức gặp phải, nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước đã bước đầu bắt tay vào sản xuất chip bán dẫn. Tại Hội nghị di động thế giới 2023, Viettel cùng với Qualcomm đã công bố nghiên cứu, sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open RAN. FPT khẳng định đã sản xuất được chip nguồn (Power IC) để giao đến những khách hàng đầu tiên.
“Sản xuất chip là lĩnh vực có tiềm năng, nhưng lại nhiều rào cản đối với người mới, như cần đầu tư hàng triệu USD vào các công cụ thiết kế, cần đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm... Thậm chí, Việt Nam cũng chưa có đơn vị đào tạo giảng dạy chuyên sâu về ngành này”, CEO FPT Semiconductor Nguyễn Vinh Quang nhận định.
Dù thành công trong thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, việc chưa thể chuyển hóa thành thế mạnh về phát triển công nghệ cao trong nước đã thôi thúc những công ty công nghệ lớn tìm kiếm nhiều hướng đi mới song song. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế số 28%, từ 18 tỷ USD (năm 2021) lên 23 tỷ USD (năm 2022). Đây là mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó có sự đóng góp vượt bậc của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm.
Năm 2022, doanh thu viễn thông từ thị trường nước ngoài của FPT đạt khoảng 800 triệu USD đến từ xuất khẩu phần mềm và 200 triệu USD nhờ cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho các đối tác nước ngoài. Trong năm nay, doanh thu từ xuất khẩu phần mềm dự kiến sẽ đạt hơn một tỷ USD và nếu duy trì tốc độ tăng trưởng 26%, ước tính thu nhập của FPT Software sẽ tăng gấp hai lần vào năm 2026 và đạt 8 tỷ USD vào năm 2032.
Hiện tại, khoảng 60% số doanh nghiệp trong nước đã chuyển dần trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm phần mềm mang lại giá trị cao. Dù có sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, nhưng so với tiềm năng thị trường thế giới, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đặt một bước chân nhỏ lên mảnh đất màu mỡ này.
Trong Báo cáo Chỉ số dịch vụ toàn cầu năm 2023, Hãng tư vấn Kearney xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 7 về sức hấp dẫn trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm, sau các điểm đến truyền thống Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Brazil, Anh và Indonesia. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đang được chú trọng đầu tư và phát triển vượt bậc nhằm giúp Việt Nam xuất hiện trên bản đồ công nghệ cao thế giới.
Mặt khác, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của dịch vụ xuất khẩu phần mềm Việt Nam chủ yếu nằm ở chi phí nhân công thấp, rẻ hơn đến 20-30% so các nước Ấn Độ, Đông Âu hay Mỹ latin. Cùng với đó, chúng ta cũng sở hữu những chính sách ưu đãi đặc biệt, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm đầu và giảm 50% trong chín năm tiếp theo với các doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm...
Tại Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2023, Trưởng ban Hợp tác và Quan hệ toàn cầu, khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Alexander Bohmer đánh giá cao khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam với những cú sốc từ bên ngoài. Với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 4,9% vào năm 2023 và sẽ tăng lên 5,9% vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam được dự đoán đã sẵn sàng cho đà hồi phục tích cực.
Dựa trên báo cáo về Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2022, Việt Nam xếp thứ 48 trong số 132 nền kinh tế và đứng thứ 2 sau Ấn Độ trong nhóm thu nhập trung bình thấp. Song, nhiều chỉ số đã có cải thiện đáng kể như Thể chế tăng 32 bậc, nhóm chỉ số Liên kết đổi mới sáng tạo tăng 10 bậc (sau khi tăng 17 bậc năm 2021)… Chính sự tiếp thu và không ngừng đổi mới các công nghệ hiện có đang mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam với khả năng thiết kế và sản xuất chip sẽ đóng góp vào tỷ lệ nội địa hóa các doanh nghiệp sản xuất trong nước, tạo ra nguồn lợi lớn không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn cho đất nước nói chung và người dân Việt Nam nói riêng. Cùng với những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, tất cả sẽ góp phần chắp cánh cho nền kinh tế nước ta bay cao trên “đôi cánh” công nghệ.
Theo báo cáo mới nhất của Bloomberg, Việt Nam lọt top 4 nước dẫn đầu châu Á xuất khẩu chip bán dẫn vào thị trường Mỹ. Doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip Việt Nam tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2/2022 lên 562,5 triệu USD tháng 2/2023, chiếm 11,6% thị phần.