Bước tiến mới
Sau hơn một năm chuẩn bị, sự kiện VinFast với mã cổ phiếu VFS rung chuông trên sàn Nasdaq trở thành sự kiện đặc biệt với giới tài chính trong nước và quốc tế. Không chỉ là cơ hội huy động vốn nước ngoài, việc niêm yết trên một trong những sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới góp phần đưa thương hiệu ô-tô Việt được biết đến rộng rãi, đặc biệt ở thị trường Mỹ.
Với hành trình hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ, chuyện doanh nghiệp Việt “vươn ra biển lớn”, tham gia cạnh tranh trực tiếp trên quy mô toàn cầu không quá mới. Tuy nhiên, việc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, thu hút các nhà đầu tư quốc tế sừng sỏ nhất vẫn còn rất mới mẻ với Việt Nam.
VinFast đang xây dựng nhà máy tại Bắc Carolina, tập trung vào sản xuất, bàn giao xe và đang mở rộng ra các thị trường khác, bao gồm Bắc Mỹ, Việt Nam, sắp tới là châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông. Bởi vậy có thể thấy, việc niêm yết trên Nasdaq là mũi tên hướng đến nhiều đích của công ty, trước mắt là thương hiệu được biết đến rộng rãi và sau đó là mục tiêu huy động vốn.
Trả lời truyền thông, CEO VinFast Lê Thu Thủy cho biết: “Chúng tôi luôn có rất nhiều kế hoạch lớn phía trước. Chúng tôi đã niêm yết thành công và tin rằng thị trường chung đang phục hồi và sẽ giúp ích cho VinFast trong việc gọi vốn trong tương lai”.
Việc VinFast chọn Mỹ chứ không phải các thị trường khác để niêm yết và đặt cứ điểm sản xuất lớn cũng được CEO Lê Thu Thủy giải thích ngắn gọn: “Mỹ là thị trường rất khó khăn và nhiều thách thức. Nếu chúng tôi thành công ở Mỹ, chúng tôi có thể xây dựng thương hiệu và thành công ở bất kỳ nơi đâu”.
Cũng có những doanh nghiệp đi trước ở thị trường Mỹ trong những ngành sản xuất khác từng chia sẻ triết lý kinh doanh như trên và đã thành công. Thương hiệu đá thạch anh nhân tạo Vicostone là một thí dụ. Từ doanh nghiệp bên bờ vực phá sản, doanh nghiệp đã xác định tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D), sản xuất hàng cao cấp, tấn công vào “cứ điểm” Mỹ, tuyển dụng người Mỹ bán hàng… Từ đó, Vicostone đã trở thành nhà sản xuất đá nhân tạo lớn thứ tư thế giới, đem lại lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Câu chuyện của những doanh nghiệp khai phá thị trường toàn cầu đã truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp Việt khác nỗ lực, tham gia thị trường lớn nhất thế giới.
Đòi hỏi bản lĩnh đi đường dài
Trước VinFast, đã có một doanh nghiệp Việt khác niêm yết trên sàn Nasdaq là Cavico vào năm 2006. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau đó, công ty này phải rời sàn do không thực hiện được các nghĩa vụ về công bố thông tin theo quy định. Dở dang giấc mơ Mỹ, thương hiệu Cavico sau đó cũng mờ nhạt ở thị trường trong nước. Câu chuyện của doanh nghiệp này là một bài học cho thấy, đưa được cổ phiếu lên sàn chỉ là bước khởi đầu, việc trụ hạng và tận dụng được những lợi ích của doanh nghiệp niêm yết để lớn lên mới là điều thách thức.
Trên thực tế, niêm yết quốc tế không phải hoàn toàn mầu hồng, bên cạnh những vinh quang sẽ là những nghi ngờ, theo dõi sát sao, những nhận xét kém thiện cảm,…Với một doanh nghiệp ở một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, những nhà phân tích trong nước dễ cảm thông, nhưng khi ra quốc tế, thì đó là sân chơi bình đẳng, người ta không vì mình đến từ nước đang phát triển mà ưu ái. Thêm nữa, không chỉ chịu sức ép về nghĩa vụ công bố thông tin, thì chính khâu quản trị, quan hệ nhà đầu tư cũng là những điểm yếu mà các doanh nghiệp Việt phải đối mặt.
Trước VinFast, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam như FPT, Vinamilk, Vietjet đã có ý định niêm yết trên sàn quốc tế, trong đó có các sàn khu vực như Singapore… Dù vậy, không có mấy doanh nghiệp dám bước qua “vùng cản” để ra biển lớn. Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT từng chia sẻ với các cổ đông: “Niêm yết ở Mỹ quá khó, chúng tôi không có ý định theo đuổi tiếp kế hoạch này”.
Trên thực tế, mảng kinh doanh ở nước ngoài của FPT hiện đã chiếm doanh thu và đem về lợi nhuận cao hơn nhiều so với thị trường trong nước, tập đoàn cũng mở chi nhánh ở một loạt quốc gia trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Singapore… tuyển dụng cả nghìn chuyên gia nước ngoài, nhưng niêm yết quốc tế dường như là bài toán “quá sức”.
Sau VinFast, VNG (mã VNZ) mới đây cũng tuyên bố triển khai kế hoạch lên sàn Nasdaq với nhiều mục tiêu tham vọng. Như vậy, có thể thấy, việc IPO thành công tại các nước phát triển, đặc biệt tại Mỹ là ước mơ của nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhằm mở mang thị trường và cạnh tranh quốc tế. Không đi sẽ không tới, những nỗ lực và bản lĩnh vươn ra biển lớn sẽ luôn là hành trình đầy cảm hứng để kỳ vọng rằng, đến một ngày Việt Nam sẽ có những thương hiệu nổi danh khắp hoàn cầu n
Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Trường đại học Bristol (Vương quốc Anh):
Doanh nghiệp Việt đã biết cách chơi cuộc chơi quốc tế
Đầu tiên cần khẳng định, việc một công ty Việt Nam thành công niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đã là một điều đáng mừng. Nó thể hiện, chúng ta đã có đủ năng lực làm việc với các tổ chức tư vấn niêm yết của nước ngoài để có được những trường hợp niêm yết thành công cũng như có thêm nhiều hơn những doanh nghiệp lên kế hoạch niêm yết trên sàn nước ngoài. Đây là bước trưởng thành của các doanh nghiệp và giới tài chính ở Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, với quy mô của các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, khi chúng ta tìm được một nhà tư vấn các chiến lược niêm yết đủ tốt, cộng với những hỗ trợ của các dịch vụ về kiểm toán và pháp lý, chúng ta sớm hay muộn sẽ hiện thực hóa được ước mơ đã từ nhiều năm qua. Với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh và đủ nguồn lực để chi trả cho những dịch vụ tư vấn này, cũng như chiến lược làm đẹp hình ảnh doanh nghiệp để vượt qua khung cửa niêm yết. Điều đáng mừng ấy không phải tự nhiên đến mà đó là một kế hoạch ấp ủ của nhiều thế hệ và được ủng hộ bởi nguồn lực từ sự phát triển kinh tế suốt hơn một thập niên qua tạo ra.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thức rõ, niêm yết trên sàn nước ngoài chỉ là một trong những công cụ để huy động vốn và phần nào đó là quảng bá hình ảnh. Đó không phải là mục đích tối thượng của doanh nghiệp.
Sau khi niêm yết thì sẽ ra sao? Có huy động được vốn không? Hay sau vài năm lại bị hủy niêm yết hoặc buộc phải chuyển sang một sàn thấp hơn là chuyện bình thường ở nước ngoài, nhất là những thị trường như Mỹ. Những điều này đã và đang xảy ra đối với các công ty của Trung Quốc và châu Âu thì rất có thể xảy ra đối với các công ty của Việt Nam.