1/Hôm ấy, anh Theo trìu mến đợi chị Trúc Loan thay bộ đồ điều dưỡng viên để diện áo dài mầu xanh da trời thật đẹp rồi mới lên Brussels. Cách Brussels khoảng 70 km, chị Hoàng Dung cũng xếp chiếc khung tập đi của anh Phúc vào thùng sau xe, dìu em trai sau cơn bạo bệnh từng bước ra khỏi nhà, đợi em yên vị là chị thẳng hướng thủ đô để xem mặt anh họa sĩ từ Việt Nam sang. Họa sĩ ấy là Trần Đại Thắng, Giám đốc Công ty sách Đông A, mang bộ “Lịch sử Việt Nam bằng hình” sang giao lưu với độc giả tại Bỉ.
Phải khỏe mới đọc được sách Đông A. Tôi trêu anh Thắng thế cũng để ướm hỏi anh có vác được “Lịch sử Việt Nam bằng hình” đồ sộ như vậy sang cho độc giả ở Bỉ sờ tận tay hay không. Nhóm thực hiện cuộc giao lưu “Khách của tủ sách Việt tại Bỉ” gồm Kênh Việt Happiness Station, IVB-Trung tâm Liên văn hóa Việt Nam và Thái Bình Dương cùng nhà hàng Hà Nội Station.
Tối hôm trước sự kiện, Nguyễn Chung Thủy, Phó Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ khẳng định với tôi “Em sẽ lái xe lên, mang theo quà đặc biệt nữa”. Đi cạnh Thủy là chị Trần Hồng, chủ blog cá nhân “Chuyện ở Bỉ” cập nhật bao chuyện từ luật pháp đến an sinh xã hội ở Bỉ, thiết thực và dễ hiểu qua cách nhìn của một tiến sĩ ngành sinh học và tâm hồn của một người yêu văn chương. Mấy năm nay sức khỏe không tốt, có mấy khi chị Hồng ra khỏi nhà. Thế mà hôm nay chị đến với chúng tôi, lặng lẽ nhìn ra bao chuyện hay ho xúc động “Cầm cuốn sách hơn 3 ký, lật giở những trang giấy in thật đẹp thật chuyên nghiệp, đầy hình ảnh như bất kỳ cuốn sách chất lượng nào ở các hiệu sách, thư viện ở châu Âu; lật giở từng trang mà phấn chấn với khối lượng khổng lồ về thông tin lịch sử cô đọng dễ đọc... Thật sự trào dâng những cảm xúc khó tả. Âm ỉ một niềm tự hào: Sách Việt Nam nhà mình đấy nhé. Đẹp cả nội dung lẫn hình thức!
![]() |
Độc giả Việt ở Bỉ chụp ảnh kỷ niệm cùng họa sĩ Trần Đại Thắng. |
2/Chúng tôi tổ chức sự kiện về sách Việt trong tháng 4 này ở Brussels cùng lúc quê nhà đang chuẩn bị nhiều hoạt động quan trọng hướng tới kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Ngẫm ra lịch sử không xa xôi, lịch sử không trừu tượng. Lịch sử bước ra từ cả những đồ vật nhỏ bé, những hình ảnh mang tính hồi tưởng và từ gương mặt đồng hương thân thương đến dự cuộc này với chúng tôi. Những lưu giữ đầy chủ tâm và chăm chú ấy khiến cho một phần đời của bất cứ ai đã đi qua, hóa ra không mất đi mà có cơ hội được sống lại bằng nguồn năng lượng được đánh thức như vậy. Mấy tháng trước, vừa thấy tôi lên là Đào Hồng Hải, chủ nhà hàng Hà Nội Station (người cùng chúng tôi tổ chức và gây dựng Tủ sách Việt ở Bỉ) khoe ngay “Mọi người mang sách Việt đến cho nhiều lắm. Có một vị khách Bỉ lặng lẽ đến tặng cuốn này, mà em không kịp hỏi tên thì họ đi mất rồi”. Xen giữa những tuyển tập của nhóm Tự lực văn đoàn, Nguyễn Công Hoan, Hồ Biểu Chánh... được in ở cái thời sách còn có giá vài đồng, là cuốn “Le Vietnam d’Ho Chi Minh” của Roger Pic được nhà xuất bản Presses de la Cité in năm 1976. Rất nhiều ảnh tư liệu quý được Roger Pic, nhà báo, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim người Pháp ghi lại trong giai đoạn Việt Nam mới thống nhất đất nước. Roger Pic (1920-2001), nổi tiếng với những bức ảnh và phim tài liệu về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của các nước bị đô hộ.
Thật may mắn, Tủ sách Việt tại Bỉ mới thành lập được hơn một năm đã có được cuốn “Le Vietnam d’ Ho Chi Minh” nhờ tấm lòng của một người Bỉ yêu sách. Chiều 12/4, họa sĩ Trần Đại Thắng cũng đặc biệt quan tâm cuốn này. Tôi thấy anh giơ máy lên chụp lại như một gặp gỡ bất ngờ thú vị.
“Chị và Phúc rất thích đến các sự kiện nói về Việt Nam, về lịch sử Việt Nam. Hôm qua thật tuyệt vời. Chị chưa bao giờ gặp họa sĩ, em ấy nhìn thật phúc hậu, dễ thương. Khi nào có sự kiện gì liên quan sách lại a lô chị nhé.” Một ngày sau sự kiện nhận được tin nhắn của chị Hoàng Dung như thế. Chị Trúc Loan cũng kể “Hôm qua đông khách nên chị không dám cầm lật xem từng trang vì còn nhường cho người khác nữa. Với lại sách đẹp quá, thấy quý, sợ làm nhăn sách. Thôi để có dịp về quê chị sẽ sắm sách, để lại cho con cháu đọc. Đây cũng là cách tưởng nhớ ba của chị. Sách quý, có thể thay lời ba kể về lịch sử, về ngày xưa. Cảm ơn tác giả!”. Nghe mà thương, nghe mà lại muốn quẳng hết lo âu để bắt đầu kế hoạch mở chương tiếp theo của “Khách của tủ sách Việt tại Bỉ”.
Họa sĩ Trần Đại Thắng cũng bất ngờ trước sự nhiệt tình của độc giả tại Bỉ. Sang lại Pháp rồi anh vẫn nhắn “Mọi người rất quan tâm, yêu quý và trân trọng lịch sử, văn hóa Việt Nam. Nhớ mãi kỷ niệm đẹp này”.