Lấy tên theo nhà thực vật học Nhật Bản Akira Miyawaki và được phát triển ở Nhật Bản vào những năm 1970, phương pháp trồng rừng Miyawaki trồng các loài bản địa gần nhau để chúng có thể phát triển nhanh hơn trong môi trường thuận lợi. Đây được xem là biện pháp lặp lại cách thức hoạt động của thiên nhiên, cho phép trồng một khu rừng tương đương 100 tuổi chỉ trong khoảng thời gian một thập niên. Phương pháp Miyawaki đã được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, nhưng nó vẫn chưa được thử nghiệm ở Trung Đông, nơi phần lớn diện tích là sa mạc.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), rừng ở Jordan bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng nhân tạo, với một diện tích nhỏ rừng chắn gió và vành đai trú ẩn, chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích. Quốc gia Trung Đông này cũng đang trải qua tình trạng thiếu nước do lượng mưa giảm và sa mạc hóa, trực tiếp ảnh hưởng các hệ sinh thái. Do đó, giới chức nước này đã khuyến khích sự tham gia của giới trẻ nhằm cải tạo hệ sinh thái, xây dựng “tương lai xanh” với mục tiêu hạn chế tác động đô thị hóa, phủ xanh diện tích sa mạc. Euronews cho biết, Deema Assaf là một nữ kiến trúc sư trẻ, người triển khai trồng rừng theo phương pháp Miyawaki đầu tiên ở Jordan. Năm 2017, cô đã hợp tác với nhà bảo vệ môi trường Nhật Bản Nochi Motoharu bắt tay vào dự án với hy vọng mang lại mầu xanh cho thành phố sa mạc Amman.
“Chúng tôi đã kêu gọi nhiều nhà thực vật học và sinh thái học, nhưng nhiều người trong số họ tỏ ra nghi ngờ về phương pháp này và cho rằng không hiệu quả khi áp dụng ở Jordan. Tuy nhiên, trong quá khứ, đất nước tôi đã từng có những khu rừng rậm rạp với đa dạng sinh học đáng kinh ngạc. Đó là động lực thôi thúc tôi thực hiện dự án này”, Deema chia sẻ. Vào tháng 11/2018, một gia đình ở vùng ngoại ô Thủ đô Amman đã trao toàn bộ diện tích khu trang trại của họ làm địa điểm thử nghiệm. Trong 10 ngày, Deema và Motoharu đã đào hố, trộn đất để tạo kết cấu đất tối ưu và trồng 380 cây non thuộc 23 loài bản địa như cây sồi Aleppo, sồi núi, si và hạt dẻ…
Dự án đã thành công bước đầu khi chỉ trong vòng hai năm, những cây này đã phát triển thành “khu rừng mini” rậm rạp với những cây cao 3 - 4 m, hình thành các tầng, tán khác nhau, cây cao tạo bóng râm cho cây thấp phát triển và biến địa điểm này trở thành rừng Miyawaki đầu tiên ở thế giới Arab. Hai người cùng các tình nguyện viên đã tiếp tục trồng hai khu rừng Miyawaki khác ở Amman.
Deema cho biết: “Thật đáng kinh ngạc khi chứng kiến sự thành công của phương pháp này và những lợi ích của rừng có thể mang lại cho địa phương. Đó là quyết tâm chống lại quá trình đô thị hóa bằng cách trồng rừng và mở ra hy vọng cứu các loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng”. Trọng tâm của dự án hiện nay là nhằm cứu các loài cây bản địa của Jordan. Nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó một số giống cây được trồng lại khi chỉ còn khoảng 30 cây trên cả nước.
Nhà bảo vệ môi trường Motoharu, cộng sự của Deema cho biết: “Nếu một trong những loài cây đó biến mất, toàn bộ hệ sinh thái sẽ sụp đổ, vì vậy để có thể vực dậy và duy trì đa dạng sinh học ở Jordan, chúng tôi cần cứu những loài bản địa này”.
Đến nay, họ cũng đã bắt đầu thu hoạch hạt giống và gây hàng nghìn cây non trong các vườn ươm. Nhằm kêu gọi sự chung tay rộng rãi hơn, dự án cũng tổ chức các buổi hội thảo và mời tình nguyện viên tham gia quá trình xử lý hạt giống, qua đó giúp người dân quan tâm tìm hiểu về các loài bản địa và nhận thức rõ hơn về nguy cơ tuyệt chủng các loài thực vật này.
Dù hành trình với sứ mệnh khôi phục đa dạng sinh học ở Jordan còn một chặng đường dài, song những thành công mà Deema cùng các cộng sự đạt được đã dần truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ ở Jordan tìm kiếm và thử nghiệm các mô hình mới, thậm chí táo bạo hơn nhằm “phủ xanh” sa mạc.