1/Bà Đặng Thị Kim Nhung, sinh năm 1962, quê ở Hưng Yên (hiện đang ở Long Biên, Hà Nội), là người con trong gia đình có truyền thống yêu nước. Tâm sự với chúng tôi, bà kể rằng, năm 1969, khi 7 tuổi, là một trong những học sinh được chứng kiến lễ truy điệu Bác Hồ, bà cảm nhận được sự mất mát, đau thương vô cùng to lớn. Từ đó đến nay, bà luôn ý thức lời dạy của Người trong mỗi việc làm của mình suốt mấy chục năm qua. Nguyên là chiến sĩ quân y, là học viên Trường Quân y I - Cục Quân y - Bộ Quốc phòng, chiến sĩ Trung đoàn Không quân 931 thuộc Đoàn Không quân Thăng Long anh hùng, bà còn có thời gian là nhân viên sân bay quốc tế Nội Bài. Ở môi trường công tác nào, bà cũng hoàn thành tốt công việc được giao và đạt rất nhiều giấy khen, bằng khen, đặc biệt là trong các công việc, công tác xã hội, văn hóa văn nghệ và thể dục thể thao.
2/Trong cuộc thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Công đoàn ngành Giao thông vận tải Việt Nam tổ chức năm 2008, với phần thi ấn tượng và sâu sắc, bà Kim Nhung, khi đó là nhân viên Tổng công ty Cảng Hàng không miền Bắc, Cục Hàng không Việt Nam đã xuất sắc đoạt giải nhất và tiếp đó là giành giải khuyến khích tại Hội thi do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Bà tâm niệm, được tham dự cuộc thi vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên trong việc tuyên truyền và làm theo lời Bác. Với chất giọng truyền cảm, chân thực xuất phát từ chính tấm lòng, cùng với ý thức tìm tòi, bà đã ngày đêm bổ sung tư liệu để bài dự thi thành công, gây xúc động cho nhiều người theo dõi. Đó thật sự không chỉ là kể một chuyện về Bác mà còn chan chứa tình cảm, yêu thương thiêng liêng dâng lên Bác, qua đó tuyên truyền, khích lệ mọi người học tập và làm theo Bác.
Sau khi nghỉ hưu, bà Nhung tích cực tham gia các hoạt động của địa phương nơi cư trú là phường Bồ Đề, quận Long Biên. Có dịp, bà lại đi kể chuyện cho mọi người nghe về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bà tâm niệm rằng, để học tập phong cách “nêu gương” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản thân mình phải tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện để luôn là một công dân tốt. Bà cũng tích cực tuyên truyền về những giá trị cao đẹp của tư tưởng, tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh và được đánh giá như một tấm gương điển hình về học tập và làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, gần gũi với mọi người.
Đối với bà Nhung, làm theo tấm gương Bác Hồ phải bằng những việc làm cụ thể. Câu chuyện về “Đôi dép Bác Hồ” mà bà thường kể, chia sẻ với mọi người là sự tích hợp các mẩu chuyện về tinh thần, trách nhiệm, tác phong đối với công việc của Bác. Chính từ đó, bà Nhung rút ra bài học cho mình: Phải sống giản dị, tiết kiệm. Dù là ở vị trí nào, Bác vẫn luôn sống giản dị, thanh cao, không xa xỉ, hoang phí. Bởi theo Người: “Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng”. Bà Nhung tâm sự, những thành tích mà bà đạt được không chỉ là thành tích cá nhân mà còn là của tập thể. Đồng thời, bà cũng luôn có ý thức dung hòa giữa công việc và gia đình, dành thời gian để chăm sóc gia đình nhỏ một cách chu đáo và để chồng yên tâm công tác. Hiện hai con của ông bà đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Năm nào gia đình cũng đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”.
Là người phụ nữ ôn hòa trong gia đình, cần kiệm trong cuộc sống, giản dị trong ăn mặc, chuẩn mực, lễ phép trong nói năng, cư xử với mọi người chung quanh, bà Nhung được nhiều người quý trọng, được gia đình tạo điều kiện để phấn đấu, thực hiện nhiệm vụ lan tỏa các phẩm chất, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh cho mọi người noi theo.