“Làng bên sông” là câu chuyện về người lính lên đường chiến đấu và hy sinh khi tuổi đời mới 18, đôi mươi, thậm chí trong số họ còn chưa từng nếm trải mùi vị của tình yêu nam nữ. Với sáu khúc nhạc, phần nhạc nền được thực hiện theo phong cách phối khí của dàn nhạc giao hưởng, tổ khúc đã mô tả hành trình của người lính trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc gồm: “Khi rời làng đi chiến đấu”, “Vào rừng sâu”, “Chiến đấu cùng đồng đội”, “Hy sinh”, “Hồi tưởng” và “Kết”.
Khác với cách viết tưởng niệm người đã mất thường thấy, khi viết ca khúc này, nhạc sĩ Bá Hùng đã đặt vai người hát là người kể chuyện và họ sẽ vào vai ngôi thứ nhất là anh bộ đội hy sinh để kể câu chuyện đời mình với người còn sống.
Công chúng cần nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị để tôn vinh sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: ANH QUÂN |
Chia sẻ về ca khúc này, nhạc sĩ Bá Hùng cho biết, anh đã ròng rã viết trong vòng ba năm, từ 2020 đến 2023. Ban đầu anh chỉ định viết ca khúc về người lính nhưng rồi mạch cảm xúc mãnh liệt khiến anh không thể dừng lại mà viết thành nhiều đoạn. Trong ca khúc, anh đã miêu tả những đoạn chuyển pháo hào hùng thể hiện tinh thần chiến đấu, sức mạnh của người chiến sĩ trong cuộc tiến công giải phóng miền nam. Ca khúc cũng nhắc đến những bà mẹ Việt Nam anh hùng mỏi mòn chờ chồng, mong con đến khi “tóc thay màu, trắng mái đầu”. Kết bài, anh đã đưa người nghe về với ngôi làng nhỏ bên sông ở miền bắc là đại diện cho hàng nghìn ngôi làng ở Việt Nam đã nuôi dưỡng biết bao đoàn quân.
“Đây là bài hát dài với nhiều đoạn, người nghe phải mất hơn tám phút để có thể thưởng thức trọn vẹn nhưng tôi tin chắc rằng, họ sẽ không chán, không tắt đi giữa chừng. Bởi những cảm xúc lớp lớp chất chồng lên nhau sẽ đưa người nghe đến những cung bậc khác nhau, được sống với ký ức lịch sử của dân tộc, để suy ngẫm về trách nhiệm của mình trước Tổ quốc”, nhạc sĩ Bá Hùng nhấn mạnh.
Trung tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Tất Nghĩa, Phó Trưởng đoàn Ca-Múa-Nhạc, Nhà hát Công an nhân dân chia sẻ: “Lần đầu tiên khi nghe bài hát “Làng bên sông”, tôi đã sững sờ vì tại sao giữa đời sống hiện đại lại có một ca khúc viết về đề tài chiến tranh và người chiến sĩ cảm động đến vậy. Bài hát như một khúc trường ca nói lên sự khốc liệt của chiến tranh, sự hy sinh mất mát nhưng cũng rất đậm chất thơ, ở đó hiện lên tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, gia đình. “Ngày đi tuổi xanh đôi mươi, cứ nhớ hoài đôi mắt biết cười…” là một trong những câu hát rất đẹp về giai điệu, ca từ và ý tứ văn học”.
MV ca khúc “Làng bên sông” vừa được thể hiện qua giọng hát của ca sĩ Đào Mác, một nghệ sĩ opera sở hữu giọng nam trung Baritone dày, thâm trầm, đẹp và nội lực của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh đã mang đến cho khán giả sự bồi hồi, tiếc thương nhưng cũng rất đỗi tự hào.
Một đoạn ca từ của tác phẩm “Làng bên sông”: “Nơi rừng sâu núi non điệp trùng. Đồng đội ơi, ta nằm đây dưới bóng trời mây. Lá chen hoa, vờn quanh những đôi chim nhỏ, chim hòa bình. Có phải chim đến báo tin hòa bình. Đây mùa mưa rét căm căm trời. Đất mẹ ơi, con nằm đây dưới bóng cỏ cây. Đã bao năm, từ ngày đi vẫn chưa trở về. Đất mẹ hiền, từ bao năm đã ôm con vào lòng...”.