Hướng tới mục tiêu 240.000 doanh nghiệp

Nghị quyết 02 về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đề ra mục tiêu năm nay Việt Nam sẽ có khoảng 240.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, bao gồm cả thành lập mới và quay lại hoạt động. Con số này tăng khoảng 10% so với năm trước.
0:00 / 0:00
0:00
Cải cách hành chính là một trong những biện pháp giúp doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Ảnh: NGUYỆT ANH
Cải cách hành chính là một trong những biện pháp giúp doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Ảnh: NGUYỆT ANH

Khởi sự kinh doanh còn nhiều áp lực

Hoạt động trong lĩnh vực tài chính, FinHub được thành lập từ cuối năm 2021. Trong hai năm qua, doanh nghiệp mất tới hơn một năm để chuẩn bị và hoàn thiện giải pháp kinh doanh. Chị Nguyễn Nhàn, Giám đốc Điều hành FinHub cho biết, quản lý một doanh nghiệp mới thành lập không phải là điều dễ dàng. Những áp lực về tài chính đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng một kế hoạch kinh doanh cẩn thận để quản lý nguồn lực một cách hiệu quả và bảo đảm tính bền vững trong dài hạn. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh hiện nay rất cao đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo và duy trì sự linh hoạt trong mọi hoàn cảnh.

“Làm thế nào để trụ vững, xây dựng niềm tin trong một môi trường khốc liệt như hiện nay là câu hỏi không hề đơn giản đối với mỗi doanh nghiệp mới thành lập như chúng tôi. Trong khi đó, việc tiếp cận những nguồn lực để phát triển đội ngũ, thúc đẩy mô hình kinh doanh gần như là không thể”, chị Nhàn cho biết.

Còn theo đại diện của Kotora, một công ty công nghệ trẻ, khởi sự kinh doanh ở Việt Nam dù đã có nhiều tiến bộ trong những năm qua nhưng so với nhiều quốc gia trong khu vực thì vẫn còn chậm về mặt thủ tục. Trong lĩnh vực mới là trí tuệ nhân tạo mà doanh nghiệp đang theo đuổi rất khó để tìm kiếm được nguồn vốn hỗ trợ khi doanh nghiệp mới chỉ trong giai đoạn phát triển sản phẩm. Nếu như không vận dụng mọi mối quan hệ cá nhân để tìm kiếm khách hàng, huy động nguồn vốn, doanh nghiệp rất khó có được tăng trưởng đặc biệt trong những giai đoạn biến động như năm ngoái.

Số liệu cho thấy, trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp thành lập mới không ngừng tăng. Nếu như năm 2019, Việt Nam chỉ có 138,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thì năm 2023, con số này đạt 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022 và lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022.

Nhìn nhận về con số trên, nhiều chuyên gia cho rằng, điều này đã thể hiện niềm tin và tinh thần khởi sự kinh doanh tích cực của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Tuy nhiên, áp lực kinh doanh cũng là không nhỏ khi có tới 172.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022. Bên cạnh đó, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng tổng số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp, bổ sung vào nền kinh tế năm 2023 chỉ đạt khoảng 3,55 triệu tỷ đồng, giảm 25,3%, cho thấy người dân không còn mạnh dạn bỏ tiền đầu tư kinh doanh như trước.

Tăng số lượng và chất lượng

Đánh giá về mục tiêu 240.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường trong năm nay của Nghị quyết 02, ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, con số này tăng tới 10% so với năm ngoái, đã thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc tạo một môi trường kinh doanh và đầu tư hiệu quả, thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó việc đề ra rất nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là việc thực thi các gói giải pháp một cách kịp thời, hiệu quả.

Còn TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam lại có cái nhìn thận trọng hơn khi nhìn nhận về con số này. Ông cho rằng, Việt Nam từng đặt ra mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 nhưng đã không đạt được. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là tốc độ cũng như phạm vi cải cách ở Việt Nam hiện nay vẫn còn chậm, chưa thật sự tạo được môi trường để doanh nghiệp phát triển bền vững. Chính vì vậy, hằng năm bên cạnh số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng thì cũng có một số lượng không nhỏ dời bỏ thị trường, thậm chí còn lớn hơn số lượng doanh nghiệp thành lập mới.

“Điều này đặt ra những vấn đề về chất lượng và hiệu quả của doanh nghiệp. Bên cạnh việc chú trọng về số lượng thì việc tập trung vào những giải pháp để gỡ khó, trợ lực cho lực lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường cũng cần được quan tâm. Đặc biệt những doanh nghiệp mới thành lập, những doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn rất dễ tổn thương trước những biến động”, ông Bình chỉ rõ.

Cũng đề cập vấn đề cải cách, theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trước đây, dù nhiều lần Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo, song quá trình “cởi trói” cho doanh nghiệp, cụ thể là xóa bỏ các điều kiện kinh doanh, giấy phép con ở các bộ vẫn còn rất chậm. Đến nay khoảng cách về năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực vẫn chậm được rút ngắn. Chính vì vậy, việc ban hành một nghị quyết với các mục tiêu cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Hiếu, để tạo đà cho doanh nghiệp phát triển không gì hơn là phải đẩy mạnh cải cách. “Ở các nước trên thế giới thì có hai loại cải cách: một là từ dưới lên, tức là do nhu cầu thúc bách từ thực tiễn; hai là cải cách từ trên xuống, tức là tạo ra sức ép từ nội các, từ người đứng đầu. Ở Việt Nam, cần những sức ép mạnh mẽ hơn”.

PGS, TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp chính là trụ cột của tăng trưởng. Một nền kinh tế khỏe hay yếu phụ thuộc phần nhiều vào sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp. Mục tiêu 240.000 doanh nghiệp của năm nay đặt ra nhiều vấn đề, không chỉ nằm ở con số mà còn là câu hỏi về hiệu quả chính sách trong triển khai giải pháp phục hồi sức khỏe doanh nghiệp. Ông cho rằng, vượt ra khỏi sự sàng lọc của thị trường, sức khỏe của phần đông doanh nghiệp đang ở mức báo động. “Việc phân tích, đánh giá một cách thấu đáo thực trạng doanh nghiệp, từ đó phân loại và áp dụng các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp một cách phù hợp để doanh nghiệp đủ lực phục hồi và phát triển là rất quan trọng”.