Học hỏi từ giao lưu văn học Việt - Hàn

Tiến trình giao lưu văn chương Việt Nam - Hàn Quốc, ngoài những tác phẩm được hiện diện ngoài biên giới của mỗi nước, thì chính sách, chiến lược lan tỏa văn học, rộng hơn là văn hóa Hàn Quốc ra thế giới là thí dụ rất đặc sắc cho hội nghề nghiệp và ngành văn hóa ở Việt Nam tham khảo.
0:00 / 0:00
0:00
Việc hợp tác giữa các nhà văn hai nước được kỳ vọng sẽ có những thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Việc hợp tác giữa các nhà văn hai nước được kỳ vọng sẽ có những thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Tâm sức của nhiều thế hệ

Hội thảo văn học Việt - Hàn 2022 vừa diễn ra tại Hội Nhà văn Việt Nam do Hội và Câu lạc bộ Văn học Hòa Bình Việt - Hàn (thuộc mạng lưới Văn hóa châu Á) tổ chức, đã nhấn mạnh lại sự kết nối đặc biệt giữa các nhà văn hai nước. Từ đó tiếp tục đặt kỳ vọng về tương lai lan tỏa gấp nhiều lần nữa các tác phẩm văn học đặc sắc giữa hai bên.

Nhìn lại quá trình dài từ năm 1969 khi tiểu thuyết “Nửa chừng xuân” và sau đó là “Hồn bướm mơ tiên” của nhà văn Khái Hưng được xuất bản ở Hàn Quốc; sau đó là tác phẩm “Áo trắng Sài Gòn” của nhà văn Nguyễn Văn Bổng năm 1986 (sau tái bản với tên “Áo trắng”), thì trong những năm qua, độc giả Hàn Quốc đã lần lượt đón nhận những tác phẩm như tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Nếu anh còn sống” của Văn Lê, “Người đàn bà trên đảo” của Hồ Anh Thái, “Chúa đất” của Đỗ Bích Thúy, truyện vừa “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, tác phẩm văn học thiếu nhi “Tôi là Bê tô” của Nguyễn Nhật Ánh, tuyển tập truyện ngắn “Có thể có, có thể không” nhiều tác giả, thơ Mai Văn Phấn, Trần Quang Đạo và tuyển thơ “Sống là gì, lâu quá đã quên” nhiều tác giả. Và không thể không nhắc đến các tác phẩm lớn: “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương, “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Ở Việt Nam, bạn đọc đã biết đến tuyển thơ “5 nhà thơ hiện đại Hàn Quốc” do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dịch từ tiếng Anh, tập thơ đặc sắc “Vạn đời người” của nhà thơ Koun. Gần đây, ấn phẩm Viết&đọc của NXB Hội Nhà văn đã dành riêng một số chuyên đề về văn học Hàn Quốc và mới nhất, NXB vừa ấn hành tập thơ “Ba đến Năm giờ chiều” của nhà thơ Do Jong-hwan” do dịch giả Lê Đăng Hoan chuyển ngữ… Theo nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu, Ủy viên Hội đồng văn học dịch - Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều tác phẩm của bạn đã đến với Việt Nam như “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã”, “Yêu những điều không hoàn hảo” của Hae Min; “Hãy chăm sóc mẹ” của Shin Kyung-Sook; “Bố con cá gai” - Jo Chang-in; “Cô gà mái xổng chuồng” - Sun-mi Hwang; “Bản chất của người” và “Người ăn chay” của Han Kang; “Sinh năm 1982” của Kim Ji Young…

Được đánh giá là đóng góp ý nghĩa vào phát triển quan hệ hữu nghị ở tầm đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, những năm qua, các nhà văn, nhà thơ, dịch giả hai bên đã có nhiều cuộc giao lưu, tọa đàm, tham dự các sự kiện, liên hoan trong lĩnh vực văn học lần lượt ở hai nước. Như thông tin của nhà văn Bang Hyeun-seok, đồng Chủ tịch Câu lạc bộ Văn học Hòa bình Việt - Hàn, thì có những tác phẩm của các tác giả Hữu Thỉnh, Văn Lê, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều… được sinh viên, học sinh ở Hàn Quốc nghiên cứu, học tập.

Gợi ý hay từ nước bạn

Đã có nhiều nỗ lực xong tiềm năng dịch tác phẩm Việt Nam sang Hàn Quốc và ngược lại còn rất dồi dào. Nhiều tác phẩm hay, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng còn chưa được giới thiệu. Thí dụ như mảng thơ còn rất thiếu. Nhà văn, nhà báo Cho Yuong Ho của Hàn Quốc mong đợi, với tập thơ “Bài thơ mùa đông” của nhà thơ Hữu Thỉnh được giới thiệu ở Hàn Quốc gần đây, sẽ có thêm nhiều nữa các tập thơ, tuyển thơ Việt Nam đến với bạn đọc Hàn.

Từ thực tế giao lưu những năm qua, chiến lược quảng bá văn học của Hàn Quốc đã được nhiều tác giả Việt Nam biết đến và mơ ước. Nhiều ý kiến đã lấy Hàn Quốc ra làm thí dụ trong việc lan tỏa văn học ra thế giới, rộng hơn là thành công của văn hóa Hàn Quốc, song hành với những thành công về hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế. Được biết, Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của nước này, có quy mô ngân sách hỗ trợ của chính phủ là khoảng 16,5 tỷ won (khoảng 12,7 triệu USD) tính đến năm 2022. Theo GS, dịch giả Ahn Kyong-Hwan, Viện triển khai năm lĩnh vực kinh doanh gồm: Dự án hỗ trợ xuất bản dịch thuật; dự án giao lưu quốc tế; dự án quảng bá nước ngoài; dự án đào tạo nhân lực dịch thuật; tổ chức lễ hội tác giả quốc tế Seoul. Với nhiều các hoạt động tài trợ, hỗ trợ dịch thuật, trao thưởng cho các tác giả dịch văn học Hàn Quốc, mời các nhà văn trên thế giới quan tâm đến văn học Hàn Quốc tham dự lễ hội…, đến nay đã có tới 1.780 tác phẩm văn học Hàn Quốc được dịch và xuất bản bằng tiếng nước ngoài. Trong đó, 78 tác phẩm đã được xuất bản bằng tiếng Việt.

Những thành quả mà Viện dịch thuật cũng như nhiều tác giả đã làm được cho sự lan tỏa văn học Hàn Quốc, rộng hơn là hiệu quả từ chính sách đầu tư của nước này, là những gợi mở đáng lưu ý cho Việt Nam về chính sách, chiến lược của nhà nước, ngành văn hóa. Và cụ thể, đối với những mong ước, ý tưởng được manh nha từ phía ngành văn hóa, thể thao và du lịch mà Hội Nhà văn Việt Nam vẫn luôn chờ đợi.

Nhà văn Bang Hyeun-seok nhấn mạnh, hai năm trước, nhà văn Văn Lê của Việt Nam qua đời, ở Hàn Quốc nhiều người đã tưởng nhớ ông. Hội Nhà văn tiến bộ Hàn Quốc đã dành hai số tạp chí đăng các bài nghiên cứu về ông.