Hãy tế nhị với việc riêng tư

Mạng xã hội phát triển rầm rộ, lan tỏa nhanh vô hình trung tạo điều kiện cho gần như bất cứ ai tham gia cũng có cơ hội thể hiện mình. Và những hình ảnh, lời nói, việc làm, quan điểm, phát ngôn… của rất nhiều người có các trang nhật ký cá nhân trên mạng được đăng tải rất rộng rãi.
0:00 / 0:00
0:00

Bên cạnh những nội dung có tính suy nghĩ, cảm nhận đời sống xã hội; giới thiệu nghề nghiệp, tìm cơ hội hợp tác; đăng tải hình ảnh, thể hiện tình cảm gia đình rồi những việc nào đi chơi, nào liên hoan, giỗ chạp, Tết nhất với mục đích chia sẻ cùng bạn bè, người thân…, thì ngày càng nhiều hơn những việc vốn rất riêng tư - mà như ông bà ta nói: “vợ chồng đóng cửa bảo nhau”, cũng được các bên đưa lên mạng.

Vậy là những chuyện tay đôi tay ba, những bất đồng giữa vợ chồng, những thông tin về quá trình giải quyết sự vụ gia đình vốn rất tế nhị, bỗng cứ được người trong cuộc đẩy ào lên trên mạng. Rồi có những trường hợp người liên quan thuộc hàng “sao”, “top”, là “người của công chúng”… nên dẫn đến sự tò mò xem, đọc của rất đông người. Từ đó kéo theo hàng loạt, ồ ạt những biểu thị cảm xúc, những bình luận, bàn tán, thậm chí cả nhiều tranh luận, rồi những bất đồng, những lời lẽ gay gắt, thậm chí xúc phạm, chửi mắng nhau nặng nề giữa những người theo dõi.

Việc đưa chuyện tế nhị trong nhà lên mạng công khai, rồi những hiếu kỳ dẫn đến hệ lụy như trên, đều liên quan đến văn hóa ứng xử, đến phép lịch sự tối thiểu của bản thân với người khác, ở nơi đông người, trước cộng đồng. Thử liên tưởng trong đời sống thường ngày, khi nhà ai đó có chuyện thì có khi người chung quanh ngó nghiêng, bàn tán, bình luận nhỏ to đủ kiểu, như thế vốn đã không đẹp rồi. Hoặc chuyện chồng xấu tính, vợ mất nết, cửa nhà lục đục…, đem kể vung lên khắp nơi, cũng vậy. Những nội dung kiểu đó được lan tỏa trên mạng thì cũng… vô duyên không kém, vừa làm căng thẳng thêm sự việc, vừa làm mất thời gian của cộng đồng mạng và làm “cháy” mạnh hơn “ngọn lửa tò mò, hiếu kỳ” vốn là một tính nết không mấy văn minh của nhiều người dân ta, vốn rất cần được điều chỉnh, sửa đổi. Thậm chí còn có hại hơn khi những nội dung đó được phát tán rộng rãi, kéo theo và gây nên nhiều phản ứng thiếu tích cực, suy giảm văn hóa ứng xử, giảm sự văn minh trong giao tiếp, tác động không tốt đến đời sống văn hóa trong không gian mạng, trong xã hội.

Nhiều người vin vào quyền tự do thể hiện quan điểm để trưng lên chuyện riêng, bàn tán trên trang cá nhân, mặc kệ cái không hay, không đẹp của mình hoặc người khác cùng những ồn ào, lộn xộn của số đông quanh câu chuyện một, hai gia đình. Những chuyện kém văn hóa diễn ra “vô tội vạ” trên mạng cần được các cá nhân điều chỉnh, ứng xử có văn hóa, trước hết là tôn trọng cộng đồng, xã hội và cũng là tôn trọng chính bản thân mình, tránh để những hành vi phản cảm ấy đi quá xa, trở thành những chuyện lố bịch, gây phẫn nộ trong xã hội.