Năng lượng từ hình tượng Xuân Quỳnh
Vở nhạc kịch với mục tiêu “thuần Việt”, được ekip sáng tạo là người Việt thực hiện trên cốt truyện đậm chất Việt. Quy trình thực hiện tác phẩm được tổ chức chuyên nghiệp ngay từ khâu casting diễn viên, đào tạo thanh nhạc, vũ đạo, diễn xuất… Câu chuyện bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi Xuân Quỳnh đang công tác tại Đoàn văn công nhân dân Trung ương. Đây cũng là lúc cô yêu và kết hôn với nghệ sĩ violon Lưu Tuấn (vai Trọng Khoa trong vở). Diễn biến cao trào của tác phẩm là lúc hôn nhân đổ vỡ, nữ thi sĩ tìm được sự đồng điệu và tái hôn với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (vai Đăng Dương). Quãng thời gian sau nhiều sóng gió, Quỳnh bắt đầu tự vấn về cuộc đời, ước mơ và tình yêu đích thực...
Đáng chú ý, “Sóng” lấy cảm hứng từ vẻ đẹp trong thơ và cuộc đời thực của Xuân Quỳnh. 10 bài thơ của nữ thi sĩ được “âm nhạc hóa” như “Sóng”, “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa”, “Tự hát”, “Mắt của trời xanh”, “Nhà chật”... cùng ca khúc “Thuyền và biển” là chủ đề chính xuyên suốt vở nhạc kịch, để nói lên tiếng lòng của nhân vật, đồng thời tạo sự gần gũi với các tầng lớp yêu thơ của nữ thi sĩ tài hoa. Theo nhạc sĩ Minh Đạo, tác giả âm nhạc và chỉ huy dàn nhạc của tác phẩm, “Sóng” có hai phần nhạc khí và ca khúc. Với ca khúc thì lời là chất liệu văn học - những bài thơ Xuân Quỳnh, có sự thuận lợi nhất định khi viết nhạc. Có những bài được giữ nguyên bản gốc, nhưng có những bài phải chọn từ rất nhiều bài thơ, chắt lọc để ra được đoạn kết hợp với nhạc đem lại hiệu quả tốt nhất, nhưng không làm thay đổi thông điệp của bài thơ.
Diễn viên Thu Thảo (vai nữ chính Xuân Quỳnh) rất tự hào khi được đảm nhiệm vai diễn. Chị tâm sự, đây là thách thức lớn đối với tôi, bởi tuổi mới 20, nhưng tôi phải diễn xuất làm sao thể hiện được những băn khoăn, trăn trở, ước mơ về cuộc đời của nhân vật ở tuổi lớn hơn tôi khá nhiều. Nhưng những khó khăn đó đã chuyển hóa thành động lực và chính tôi đã học được sự hoạt bát, sôi nổi và tràn đầy năng lượng từ tính cách của cô Xuân Quỳnh. Với tôi “Sóng” đã truyền tải thông điệp: Ta đã làm gì để biến ước mơ của mình thành sự thật và tôi hy vọng “Sóng” sẽ chạm đến trái tim của khán giả.
Sau khi xem một số trích đoạn vở nhạc kịch, anh Lưu Anh Tuấn, con trai nhà thơ Xuân Quỳnh xúc động chia sẻ, tôi đón nhận vở nhạc kịch với tâm thế khá hoài nghi. Trước hết, vì chưa xem nhạc kịch Việt Nam bao giờ cả, nhưng tôi biết rằng đây là loại hình nghệ thuật rất khó làm. Thứ hai là trong thời điểm dịch bệnh tại Hà Nội rất căng thẳng, có rất nhiều thứ ngăn trở các hoạt động luyện tập, biểu diễn. Nhưng sau khi xem các bạn diễn thử tôi đã thật sự xúc động và khóc bởi nó tốt hơn tôi tưởng rất nhiều và cũng rất dễ xem.
Kỳ vọng cho công nghiệp văn hóa
Nhạc sĩ Nguyễn Triều Dương, đạo diễn nhạc kịch cho “Sóng” nhận định, nhạc kịch đang là làn sóng rất mới ở Việt Nam. Có nhiều nhóm tự phát, đang tự học và xây dựng. Chúng ta cùng đang tạo tiền đề, nền móng để nhạc kịch phát triển ở Việt Nam. Tôi kỳ vọng, “Sóng” thành công, là món ăn hoàn toàn mới, hấp dẫn khán giả.
Qua “Sóng”, Nhà hát Tuổi trẻ hy vọng sẽ đặt nền móng chuyên nghiệp hóa nhạc kịch nước nhà bằng việc hình thành quy trình, tiêu chuẩn và trực tiếp sản xuất và dàn dựng một chương trình nhạc kịch thuần Việt Nam. NSƯT Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn cho biết, khi đang công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, chị luôn suy nghĩ về việc có thể làm một cách thuần Việt không, hay làm lại mô hình của các tác phẩm lớn trên thế giới. Những tác phẩm đó đã qua trải nghiệm nhiều năm, là sự tổng hợp của các dàn nghệ sĩ tên tuổi được thể hiện qua nhiều hình thức. Rất khó để hội tụ được tất cả các câu chuyện, suy nghĩ, góc nhìn của đạo diễn, góc nhìn của kịch nghệ hay của thơ ca và tư tưởng của nhà thơ Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ đưa vào trong tác phẩm một cách “thuần Việt”. NSƯT Trần Ly Ly đánh giá: Có thể nói đây là một sự cố gắng lớn và là bước đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ đi vào mô hình nhạc kịch thuần Việt một cách bài bản. Công trình “Sóng” cũng giúp chúng ta có thể nghĩ đến việc phát triển công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới của Việt Nam mà sân khấu Broadway hay một số nước phát triển đã làm từ nhiều thập kỷ trước.
Nhạc kịch “Sóng” do NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ làm Tổng đạo diễn. Kịch bản Kim Thùy. Đạo diễn sân khấu: Đào Duy Anh. Chỉ huy dàn nhạc: nhạc sĩ Minh Đạo. “Sóng” dự kiến công diễn buổi đầu tiên ngày 18/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Anh Lưu Anh Tuấn: “Điều đáng quý, tôi thấy các bạn diễn viên cũng khóc, có nghĩa là các bạn phải bám rất sâu, đặt trái tim vào nhân vật thì mới có cảm xúc như vậy. Còn như tôi xem và rung động là chuyện rất bình thường, bởi đấy là chuyện về mẹ tôi, người mà tôi yêu quý nhất đời. Nhưng các bạn trẻ này lại đang kể một câu chuyện về thời mà các bạn chưa sinh ra. Toàn bộ vở nhạc kịch là câu chuyện có hậu, sâu sắc và tôi thấy thật sự rất ưng với phần âm nhạc”.