Guồng quay mới đã bắt đầu

Những ngày nghỉ đã ở lại sau lưng. Ngay những ngày đầu năm Bính Thân, rất nhiều vận động viên (VĐV) trọng điểm của thể thao Việt Nam (TTVN) sẽ bước vào chiến dịch tranh vé tới Thế vận hội (Olympic) - mục tiêu trọng tâm trong năm 2016.

Đội tuyển điền kinh đã gấp rút bước vào tập luyện ngay trong những ngày đầu năm mới.
Đội tuyển điền kinh đã gấp rút bước vào tập luyện ngay trong những ngày đầu năm mới.

Tận hưởng ngày vui

Tết là dịp hầu hết các VĐV được trở về với gia đình, mỗi người đều có những cách đón Tết thật vui tươi, ý nghĩa cho riêng mình.

Nữ võ sĩ xinh đẹp Dương Thúy Vi (wushu) tranh thủ sang Nhật Bản thăm một vài người bạn và chỉ về nước trong ngày cuối cùng năm cũ để đón giao thừa cùng gia đình. “Cô gái vàng” của wushu Việt Nam vẫn luôn là người đảm nhiệm vai trò trang trí cành đào và quất cảnh trong nhà.

Trong khi đó, VĐV thể dục dụng cụ (TDDC) Phan Thị Hà Thanh chia sẻ, cô rất hạnh phúc khi được vào bếp phụ mẹ, chuẩn bị mâm cỗ cúng đêm giao thừa. Tương tự, “hiện tượng” Nguyễn Thị Huyền, nhà vô địch SEA Games 28 của đội tuyển điền kinh, về quê từ rất sớm để tự tay gói những chiếc bánh chưng cho gia đình.

Trong mục tiêu thành tích quan trọng nhất là giành vé và thi đấu Olympic 2016, một số môn chỉ cho phép HLV, VĐV nghỉ Tết ngắn ngày và thường xuyên tập duy trì nhằm tránh ảnh hưởng chuyên môn. Vì thế, chỉ vài ngày trước Tết, Ánh Viên và HLV Đặng Anh Tuấn đã phải trở lại Mỹ để tập luyện. Ánh Viên đã năm lần xa nhà dịp xuân về. Dù vậy, HLV Anh Tuấn đã “thưởng” cho cô học trò mỗi ngày được vào mạng internet 1-2 tiếng để theo dõi thông tin và cảm nhận không khí ở quê nhà.

Nhưng không quên nhiệm vụ

VĐV đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc đang có chuyến tập huấn cao điểm tại Quế Lâm (Trung Quốc) nhằm chuẩn bị cho vòng loại Olympic 2016. Đón Tết ở nơi xứ người, nhưng Thanh Phúc vẫn tự tay làm các món ăn Việt, đi chùa ngày mùng một Tết và thường xuyên “chat” với bố mẹ, bạn bè ở quê nhà.

Vào tháng 3 tới, Thanh Phúc sẽ tham dự giải vô địch đi bộ châu Á tại Nhật Bản, với hy vọng trở thành VĐV điền kinh Việt Nam đầu tiên giành suất tới Olympic 2016.

Tay vợt Lý Hoàng Nam cũng chỉ có vài ngày sum họp với gia đình tại Tây Ninh trước khi lên đường sang Trung Quốc dự các giải đấu đầu năm 2016 vào đúng ngày mùng hai Tết. Mục tiêu trong năm nay của Hoàng Nam là tiệm cận top 500 của ATP.

Đội TDDC nam với 5 tuyển thủ (trong đó có Phạm Phước Hưng, Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng, Đặng Nam…) và HLV Trương Tuấn Hiền cũng đón cái Tết năm mới ngay ở nơi tập huấn tại Nam Ninh (Trung Quốc). HLV Trương Tuấn Hiền cho biết: Dù ông có những ưu ái nhất định để các học trò nghỉ ngơi trong dịp đầu năm mới, nhưng tất cả vẫn phải hoàn thành kế hoạch tập luyện để bảo đảm việc duy trì thể lực cũng như cảm giác. Vào tháng 4 tới, đội tuyển TDDC nam sẽ bước vào giải đấu vòng loại cuối cùng của Olympic 2016, với niềm hy vọng lớn nhất là Phạm Phước Hưng.

Cũng ở đội tuyển TDDC, dù không phải đi tập huấn nhưng Phan Thị Hà Thanh vẫn thường xuyên dậy sớm mỗi ngày, tự tập duy trì thể lực. “Ngoài chuyện tự tập luyện mỗi ngày, tôi hạn chế tối đa ăn đồ chiên, xào, mỡ. Buổi chiều tôi cũng thường chạy vài km để đốt cháy năng lượng thừa”, Hà Thanh chia sẻ.

Ngày mồng một Tết, VĐV Quách Công Lịch (điền kinh) vẫn tập luyện bình thường. Anh chia sẻ: “Ngày Tết với tôi không tiệc tùng ăn uống, không đi chơi hay nghỉ tập, mà tập trung vào nhiệm vụ trước mắt. Hy vọng sẽ có gì đó đền đáp lại”. Cũng trong ngày mùng một, Ánh Viên xuống nước tập tới 10 tiếng đồng hồ theo đúng giáo án của các chuyên gia đưa ra - chuyện vô cùng “bình thường” với cô.

Giá của sự “thoải mái”

Hầu hết các VĐV từng nhiều năm “ăn cơm tuyển” đều tự ý thức được việc cần phải nghiêm khắc với chính bản thân mình như vậy. Đó thật sự là một điều đáng mừng, đặc biệt là khi thể thao Việt Nam đang chờ đợi những bước đột phá mới trong năm Bính Thân 2016 này. Nhưng, đáng tiếc, không phải VĐV Việt Nam nào cũng hiểu điều ấy.

Theo phân tích chuyên môn của Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) Dương Đức Thủy, việc nghỉ Tết dài ngày sẽ làm cho các VĐV mất đi khoảng 70% sức mạnh, 40% sức bền; 30-40% cường độ. “Sau kỳ nghỉ Tết âm lịch kéo dài tới chín ngày này, việc thực hiện trọn vẹn các giáo án để bù lại những ngày nghỉ không phải dễ dàng, vì các VĐV phải vượt qua được sức ì tâm lý”, ông Thủy nói. Được biết, đội tuyển điền kinh Việt Nam sẽ lên đường dự giải điền kinh Grand Prix châu Á vào ngày mùng 10 Tết, nên so với các đội tuyển khác, các VĐV điền kinh phải tập trung sớm để bước vào tập luyện lấy lại phong độ.

Với các HLV, kỳ nghỉ dài vừa qua là một nỗi lo lớn, thậm chí là ám ảnh. Theo HLV Huỳnh Hữu Chí (đội tuyển cử tạ), việc ăn uống vào những ngày Tết của VĐV dù được quán triệt, thậm chí là dọa kỷ luật, nhưng vẫn có VĐV không tuân thủ.

Điều đó, xét cho cùng, cũng là biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp, căn bệnh trầm kha ở tất cả các môn thể thao Việt Nam.