Những giải pháp tu bổ chùa Cầu trước đây
Chùa Cầu đã trải qua ít nhất bảy lần tu bổ lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996. Trong lần tu bổ năm 1986 hay 1996, phần lòng cầu đã nâng cao lên gần bằng cốt của lối dành cho người ngồi nghỉ ở hai bên.
Nếu quan sát các kiểu cầu có mái với kiểu “Thượng gia hạ kiều - Trên nhà dưới cầu” thì ở Việt Nam hiện tồn có cầu ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên Huế), cầu ngói chợ Lương, chợ Thường (Nam Định) và cầu có mái lợp lá Cổ Lễ (Nam Định)... Chi tiết giống nhau cho các cây cầu này là lối đi (cho người đi bộ và xe cộ) và chỗ cho người đứng, ngồi… hai bên thành cầu đều chênh cốt với độ cao từ 40-60 cm. Bờ này bằng gỗ và đá có thêm vật liệu mới xi-măng.
Năm 1972, khi vào thăm người cha làm việc ở Hội An (Quảng Nam), lúc bấy giờ tôi học lớp đệ Tứ (lớp 9 bây giờ) khi đến thăm chùa Cầu cũng đã gặp hình ảnh người địa phương nghỉ ngơi trên thành cầu có nền cao hơn nền lối đi cho người, xe. Các song gỗ chống đỡ sàn được đặt thưa, tạo thông gió cho không khí mát từ dòng nước bên dưới, kỹ thuật này có thể cũng góp thêm cho việc không làm cản trở dòng nước lũ lụt hàng năm dâng lên. Ván lót sàn cũng chồng mí, không lót phẳng sẽ tạo thêm sự chịu lực. Thiết kế hai bên cầu cao lên, tạo cho người ngày ấy thư giãn, an toàn nhìn ngắm dòng nước hay nghỉ ngơi… Đồng thời tạo sự “duyên dáng” bên trong lòng cầu.
Năm 1996, để chống xuống cấp cho chùa Cầu, chính quyền địa phương đã ngăn không cho xe máy, xe cơ giới, chỉ dành cho người đi bộ qua lại. Gần đây nhất, khoảng 2007, do mống cầu xuống cấp nên đã thay thế một số dầm đỡ bằng gỗ, gia cường thêm sắt ở phần hạ bộ; thay mới toàn bộ ván lót sàn cầu. Tuy nhiên giữa hai lần tu bổ, đã mất đi cái không gian thư giãn, nghỉ ngơi thú vị cho khách tham quan. Với bản vẽ hiện trạng hôm nay, mặt cắt ngang từ phần chùa đến phần cầu cho ta số đo là cốt trong lòng cầu với bờ hai bên chỉ chênh nhau 10 cm.
Nhưng tôi chắc chắn rằng các vì/vài đỡ mái cả cầu và chùa có nguồn gốc của người phương xa mang đến. Lấy trung tâm gian giữa của chùa Cầu có phía đông ba bộ vì/vài và phía tây ba bộ vì có kiểu thức chồng giường con đội/chồng rường (chồng hai lần), gọi theo tiếng địa phương là chồng trính con đội. Phần cấu kiện đỡ nóc (ví trí đòn đông) có đấu/đế thót đáy và các cánh tay vươn ra đỡ mái theo kiểu thức đấu củng. Hai vì đỡ mái cuối hai đầu cầu đông và tây (tạo mái riêng) lại theo kiểu thức cong gọi là vì vỏ cua.
Như vậy các kiểu thức đỡ mái này không gọi là vì (vài) kèo mà chúng ta có thể nhìn thấy những kết cấu này trong những ngôi nhà cổ đang tồn tại ở trong phố cổ có nguồn gốc từ Nam Trung Hoa. Những kiểu thức này lại không xuất hiện ở những ngôi nhà dân gian ở miền trung. Về sự xuất hiện hình thức đỡ phần con đội theo kết cấu đấu củng ở nóc của các vì chính đến mái vỏ cua thì trong kiến trúc cổ cả người Hoa và người Nhật đều thường sử dụng.
Về kết cấu vì chính trong chùa cũng theo kiểu thức chồng trính con đội và các vì nách đỡ chái là nhại lại theo kiểu 1/2 của vì chính. Kiểu thức vì đỡ mái này xuất hiện ở một số đình, nhà thờ tộc ở thành phố Đà Nẵng như Quá Giáng, Túy Loan… Kiểu thức này có trang trí những tai bông trên thân con đội ăn mộng trên lưng trính (thường chồng ba) được người người địa phương và nhà nghiên cứu Việt Nam gọi là trính Nhật Bản. Toàn bộ kết cấu gỗ đều hình thức thanh trính (ngang) nằm dưới thanh xuyên (dọc) trong lòng xuyên (xuyên và xà đầu cột), không có ô hộc trang trí mà là những diềm theo kiểu lá đề biến thể. Các đòn tay và xà có hình tròn và các thanh rui có bản dày và lớn gần 200 mm.
Một điều đặc biệt, nếu quan sát kỹ, ta có thể phát hiện được cách liên kết các thanh trính và xuyên với cột không sử dụng kiểu chốt nêm (khóa các đầu xuyên và trính khi ăn qua cột) theo cách của người thợ mộc Việt miền trung hay làm. Ở đây người thợ mộc xưa khóa lại bằng chốt nhỏ xuyên ngang qua phần đầu dư của trính hay xuyên…
Chùa Cầu là một trong những điểm tham quan ưa thích của du khách mỗi khi đến Hội An. Ảnh: KHIẾU MINH |
Tu bổ chùa Cầu
Việc tu bổ kiến trúc cụ thể như chùa Cầu không nhất thiết phải chọn niên đại nào hết, nhưng với chùa Cầu thì phải chọn các giá trị nói lên được linh hồn, là không gian sinh hoạt cộng đồng của loại hình cầu lợp mái. Hôm nay, trong công tác “đại phẫu” chùa Cầu, thì việc phục dựng lại không gian xưa trên chùa Cầu là cơ hội thuận lợi nhất không dễ gì có được. Tôi cho rằng, công tác tu bổ chùa Cầu, phần khung gỗ đỡ mái ngái, lòng cầu, cần lưu ý về chi tiết phần tu bổ lòng cầu và phần bờ cầu hai bên. Cần bảo tồn các cấu kiện gỗ có hình thức, kiểu kết cấu với kỹ thuật như chốt nêm (kín) thanh trính… như ngày trước.
Quan trọng nhất là để bảo đảm tính chân xác, vì vậy cần quyết định là chúng ta sẽ chọn thời điểm tu bổ như giai đoạn lòng cầu là thấp hơn dành cho người đi lại chứ không phải vòm cong cao gần bằng cốt hai bên như hôm nay. Trở lại hình ảnh trước năm 80 của thế kỷ XX về trước nữa, là giữ lại yếu tố gốc với ý nghĩa cầu có mái che như chùa Cầu Hội An: đi lại; thực hành tín ngưỡng; không gian sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, việc thiết kế lối đi thấp, bờ hai bên cao sẽ tạo thêm sự duyên dáng cả thoáng mát trong kiến trúc với các song gỗ thưa chống đỡ ở bên dưới ngầm.
Phần đế xây đá làm trụ cầu và chùa cần cố gắng giữ nguyên dáng bao bên ngoài (sau khi gia cố với vật liệu mới bên trong) nghĩa là cần phục dựng làm phần bao che như ngày trước. Các vật liệu mới như bê-tông, sắt thép gia cường cần giấu vào bên trong hoặc sơn mầu giả gỗ. Do cầu có độ dốc nên phần mái lợp bên trên lâu dài sẽ bị lực kéo về phía hai đầu nên cần phải gia cường phần chân đế/mố cầu ở hai đầu và áp dụng phương pháp cổ truyền “thượng thu hạ thách” ở phần cột có mái đỗ. Riêng phần sơn phủ, tô mầu, cần tìm hiểu mầu sơn, nguyên liệu sơn để phục chế, cần chống ẩm và sử dụng các loại gỗ tốt chống được nước.
Cuối cùng là tạo cho thị giác người khách đến thăm tính nguyên gốc mà chùa Cầu vốn có, đừng quá mới, tránh nhân tạo.
Được xây từ đầu thế kỷ 17 với kiến trúc độc đáo, chùa Cầu được coi là biểu tượng, là linh hồn di sản của đô thị cổ Hội An. Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Năm 1999, Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, và chùa Cầu là di tích lõi của di sản này. Dự án tu bổ di tích chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng, nguồn kinh phí từ 50% ngân sách tỉnh và 50% ngân sách TP Hội An. Dự án tu bổ di tích chùa Cầu khởi công từ ngày 28/12/2022, tiến độ thực hiện dự kiến 360 ngày, dự án dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2023. Đến tháng 10/2023, dự án đã làm xong một số phần việc chính như số hóa 3D không gian di tích, xây dựng nhà che bao quanh, hạ giải xong hệ mái ngói âm dương và hệ khung gỗ, gia cố trụ móng…