Gỡ vướng xử lý nước thải đô thị

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng mới sáu nhà máy và nâng công suất một nhà máy nhằm giải bài toán thu gom, xử lý nước thải đô thị thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà máy xử lý nước thải tại Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ xử lý được khoảng 200.000 m3/ngày, còn lại đổ thẳng ra sông, kênh, rạch.
Các nhà máy xử lý nước thải tại Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ xử lý được khoảng 200.000 m3/ngày, còn lại đổ thẳng ra sông, kênh, rạch.

Những nhà máy dang dở chuyển động

Theo quy hoạch đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải tại 12 lưu vực thoát nước với tổng công suất gần 3 triệu m3/ngày. Thế nhưng đến nay chỉ có ba nhà máy được xây xong và hoạt động chưa hết công suất, gồm: Bình Hưng (công suất 141.000 m3/ngày); Bình Hưng Hòa (30.000 m3/ngày); Tham Lương - Bến Cát (131.000 m3/ngày) nhưng mới đạt khoảng 10% công suất do thiếu cống thu gom. Với các nhà máy này, tổng lượng nước thải qua xử lý hiện nay chỉ chiếm 12,6%.

Đáng báo động là hiện nay, lượng nước thải đô thị phát sinh của Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1,54 triệu m3/ngày. Nguồn nước thải chưa được xử lý xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) Lương Minh Phúc cho hay, dự án mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2 (thuộc dự án cải thiện môi trường nước thành phố, giai đoạn 2) đã thi công hoàn thành 100% tháng 6 vừa qua, dự kiến sẽ khánh thành cuối năm nay. Khi đó, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng được nâng công suất từ 141.000 m3/ngày lên thành 469.000 m3/ngày. Nhà máy này giúp xử lý nước thải cho lưu vực rộng 2.530 ha trên địa bàn sáu quận, huyện, gồm: Quận 4, 5, 6, 8, 11 và huyện Bình Chánh.

Mới đây, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện, hoàn thành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè năm 2025. Dự án nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè có công suất 480.000 m3/ngày, thuộc dự án vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2), giúp xử lý nước thải của dân cư dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trải dài qua năm quận, gồm: 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có ba nhà máy và bốn trạm xử lý nước thải với tổng công suất thiết kế xử lý nước thải của thành phố là 644.200 m3/ngày, khả năng xử lý đạt gần 41% theo nhu cầu.

Đầu tư mới sáu nhà máy

Sở Xây dựng đang đề xuất UBND Thành phố Hồ Chí Minh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng mới sáu nhà máy và nâng công suất một nhà máy với tổng mức đầu tư hơn 31.600 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải khu vực Tây Sài Gòn có tổng mức đầu tư 10.360 tỷ đồng. Nhà máy dự kiến xây dựng trên khu đất 36 ha ở phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), công suất 680.000 m3/ngày sẽ thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của lưu vực Bình Tân, lưu vực Tây Sài Gòn, lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm.

Tiếp đó là dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát giai đoạn 2 (250.000 m3/ngày) tại phường An Phú Đông (Quận 12) với tổng vốn gần 8.200 tỷ đồng. Dự án này sẽ giải quyết nước thải sinh hoạt ba quận 12, Bình Thạnh và Gò Vấp.

Các dự án còn lại là Nam Sài Gòn (huyện Nhà Bè và Quận 7); Bắc Sài Gòn 1 và Bắc Sài Gòn 2 (Thành phố Thủ Đức); Cầu Dừa (huyện Hóc Môn) và Tây Bắc (huyện Củ Chi), sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới xử lý nước thải sinh hoạt cho cả Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Đặng Phú Thành cho hay, do vốn ngân sách hạn chế nên cần huy động các nguồn vốn cả trong và ngoài nước để xây dựng các nhà máy xử lý nước thải trên. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất trong việc thu hút đầu tư đối với việc kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải đô thị là chưa có đất xây dựng nhà máy. Hiện nay, ngoài nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bình Tân có mặt bằng để triển khai thực hiện, các nhà máy xử lý nước thải còn lại đều chưa có mặt bằng.

Về vốn, hiện Sở Xây dựng đã đề xuất UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho bảy nhà máy trên. Còn về mặt bằng, Sở Xây dựng kiến nghị UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành và sáu địa phương (Thành phố Thủ Đức, Quận 12, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Hóc Môn và Củ Chi) rà soát quỹ đất, cắm mốc ranh đất tại các vị trí xây dựng nhà máy xử lý nước thải; thực hiện dự án bồi thường, thu hồi đất để chuẩn bị sẵn quỹ đất thu hút đầu tư.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, mới đây, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đã có văn bản chỉ đạo và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND thành phố về nguồn vốn và phương thức đầu tư cho bảy nhà máy xử lý nước thải đô thị; bảo đảm phù hợp khả năng cân đối ngân sách và danh mục dự án kêu gọi đầu tư của thành phố trong thời gian tới. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện liên quan rà soát quỹ đất, tổ chức cắm mốc ranh đất và đề xuất việc triển khai công tác bồi thường, thu hồi đất tại các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị theo quy hoạch.

Góp ý trong việc sớm đưa các nhà máy xử lý nước thải vào hoạt động, GS, TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, với khoảng 1,5 triệu m3 nước thải đổ ra môi trường mỗi ngày, việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đồng bộ rất cấp bách. Thành phố cần huy động các nguồn lực từ xã hội, muốn vậy cần tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư về mặt cơ chế, thủ tục, mặt bằng…