Giảm stress với con quay Fidget Spinner

Ra đời với mục đích giúp hạn chế những thói quen xấu như cắn móng tay, rung đùi, làm giảm căng thẳng, cân bằng cảm xúc..., con quay Fidget Spinner là món đồ chơi đang “càn quét” giới trẻ trên thế giới và nhanh chóng được giới trẻ Việt Nam săn đón. Nếu Pokemon Go là cái tên khuấy đảo mùa hè năm ngoái, thì năm nay cả thế giới lại xoay theo vòng của con quay Fidget Spinner.

Giảm stress với con quay Fidget Spinner

Dù mới du nhập vào Việt Nam từ đầu năm 2017 nhưng đã có hàng loạt “fanpage” về Spinner được lập nên với mục đích giao lưu và kinh doanh. Đông đảo nhất là Spinner Việt Nam với 30.000 thành viên. Đây là nơi để nhiều bạn trẻ chia sẻ hình ảnh, video trải nghiệm đồ chơi mới, đồng thời chỉ cho nhau kinh nghiệm làm sao để Spinner xoay lâu nhất hay là các hoạt động mua, bán, trao đổi con quay, cách thức đặt hàng ở nước ngoài hoặc đơn giản là “bóc mẽ” những nơi bán Spinner kém chất lượng.

Về cơ bản, một con quay Fidget Spinner gồm có ba bộ phận gồm cánh (wings), vòng bi (bearing) và nút. Cánh là bộ phận bao quanh, nhận lực từ ngón tay để quay, là bộ phận cần được thiết kế và chế tác phức tạp nhất. Tùy từng loại Spinner mà số cánh có thể thay đổi từ hai đến ba cánh. Vòng bi là bộ phận liên kết giữa nút và cánh, giúp cánh quay quanh nút. Cách chơi con quay Spinner rất đơn giản, người chơi chỉ cần cầm nút con quay, sau đó quay cánh quạt, làm sao giữ cho cánh quạt trên đầu ngón tay lâu nhất có thể. Ngoài ra, người chơi cũng thường tăng độ khó bằng cách ghép cùng lúc nhiều Spinner cùng loại với nhau để chơi hoặc sáng tạo những động tác khó, như chuyền con quay liên tục từ tay này sang tay khác, tung hứng Spinner hay xoay trên một đầu ngón tay.

Giá bán một con quay phụ thuộc vào chất liệu. Spinner bằng nhựa dẻo, silicon nhiều mầu có giá rẻ nhất, tầm khoảng 80.000 - 120.000 đồng/cái. Spinner có chất liệu cứng cáp, ánh kim, hình dáng bắt mắt có giá lên đến vài triệu đồng. Nguyễn Nam Hải, phòng Marketing Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Chubb Việt Nam, thành viên của Spinner Việt Nam, cho biết: “Công việc khiến mình hay bị căng thẳng, mỗi khi căng thẳng, mình có thói quen cắn móng tay. Việc dùng ngón tay điều khiển và tạo ra nhiều hiệu ứng thú vị với Spinner là cách khiến mình giải tỏa “stress” và hạn chế những thói quen xấu”.

Hiện tại, nguồn mua Spinner trên thị trường chia thành rất nhiều hướng. Một số bạn trẻ tiên phong trào lưu hoặc tiến đến chơi chuyên nghiệp thường đặt mua Spinner trên những trang trực tuyến quốc tế như Ebay, Amazon, Baidu… vì mẫu mã đa dạng, độc đáo. Một số khác thì nhờ người quen ở nước ngoài gửi về hoặc làm dịch vụ đặt mua. Mạnh Dũng, một thành viên của Hội Spinner Hà Nội cho biết: “Mình vốn đam mê với những trò chơi mới lạ. Trước đây, mình từng chơi Pokemon Go, mới đây là Spinner, nhưng không ngờ trào lưu này nhanh chóng lan rộng như vậy. Hiện ngoài việc giao lưu cùng các thành viên của hội thì mình còn kinh doanh, bán con quay trên trang mạng cá nhân”. Dũng cho biết hiện nhiều người chơi cũng bắt đầu chuyển sang xu hướng kinh doanh nên việc cạnh tranh nhau về mẫu mã, giá cả là điều khó tránh. “Muốn thu hút người mua, chỉ chụp ảnh Spinner là không đủ. Mình thường xuyên quay các “clip” sử dụng con quay mới để khoe mẫu. Ngoài ra, những ghi chú về công dụng khi chơi, cách bảo quản vòng bi, hay những mẹo để mua được Spinner chuẩn là cách thu hút nhiều người quan tâm hơn về trào lưu này cũng như bán được hàng”.