Quy tụ gần 100 “người mẫu”, sàn diễn của Đêm hội mẫu “nhí” 2022 được thiết kế một chiếc đàn piano. 7 nhà thiết kế trẻ đã mang đến gần 150 thiết kế với mang giai điệu thời trang riêng, còn với các người mẫu nhỏ tuổi, đó là nơi để họ tỏa sáng cùng âm nhạc và các thiết kế đa phong cách. Tất cả tạo nên những giai điệu riêng trong một bản hòa âm chung của thời trang Việt trong ngày trở lại sau đại dịch.
Trương Hoàng Kỳ Anh là cái tên mở màn cho buổi trình diễn. Anh mang đến bộ sưu tập có tên “BéBé Ribbon” với hình ảnh những chiếc nơ. Toàn bộ các mẫu thiết kế với tông hồng neon được biến tấu đa dạng và ấn tượng. My Lê xuất thân là một người mẫu, nhưng từ khi tham gia giảng dạy cô dành nhiều tình yêu cho thời trang trẻ em và sớm tìm thấy thành công khi thành lập thương hiệu thời trang Zoey Boutique. My Lê cho biết, cô luôn yêu thích sự nhẹ nhàng, đơn giản và thanh lịch nên bộ sưu “Flamingo” với những bộ đầm công chúa điệu đà đã đem đến một màn trình diễn vô cùng đáng yêu cho những người biểu diễn.
Phong cách cá tính pha thêm chút nổi loạn, khác biệt là điều mà ba nhà thiết kế trẻ như Việt An, Hà Kiều Oanh, Thanh Hằng mang đến trong các bộ sưu tập. Đó là các thiết kế dạo phố, ứng dụng dành cho cả bé trai và gái với sắc mầu tươi sáng, nhiều họa tiết đính kết cũng như phong cách dựng phom dáng 3D sáng tạo đã làm nên vẻ tinh nghịch, trẻ trung cho những người mẫu nhỏ tuổi khi bước chân trên sàn catwalk.
Bộ sưu tập của Phan Quốc An và Pi Trần đã khép lại Đêm hội mẫu “nhí” năm nay. Phan Quốc An chia sẻ, anh muốn mang hình ảnh của những nàng thơ âm nhạc cổ điển vào trong các thiết kế, còn Pi Trần đem đến 30 mẫu đầm công chúa lộng lẫy nhiều mầu sắc trong bộ sưu tập “Sắc mầu của bé”. Nhà thiết kế chọn các mầu sắc cầu vồng để gửi gắm thông điệp trẻ em là để yêu thương, chăm sóc, bảo vệ và cần được sống hạnh phúc.
Bạn có biết?
- Với tỷ lệ trẻ dưới 15 tuổi chiếm gần 40% dân số và mức sống ngày càng tăng cao, thị trường quần áo trẻ em Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển. Mặc dù có rất nhiều hàng nhập ngoại, song quần áo trẻ em Việt Nam vẫn có chỗ đứng riêng. Cùng với chương trình “Người Việt dùng hàng Việt” vài năm trở lại đây người tiêu dùng đã ưu tiên dùng hàng Việt nhiều hơn. Điều này khiến các doanh nghiệp may mặc lớn của Việt Nam bắt đầu chú trọng vào phân khúc này, trong đó có thể kể đến các thương hiệu như Anh Thư, YF, Vietthy Kids, Anna Kids, Titione, Hoa Kim, Sun & Moon...
- Tuy nhiều tiềm năng nhưng thị trường thời trang trẻ em luôn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc về mức giá cũng như sự đa dạng sản phẩm. Vì vậy, để tạo dấu ấn riêng, các doanh nghiệp trong nước buộc phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện ngành dệt may đang kết hợp cùng với các doanh nghiệp kinh doanh đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất sản phẩm quần áo trẻ em như độ xơ, thành phần vải không có chất gây ung thư da, chú trọng hàm lượng chì trong vải. Những chỉ tiêu chất lượng cao nói trên sẽ là rào cản ngăn sản phẩm kém chất lượng tồn tại, góp phần đưa sản phẩm Việt đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.