Kỳ công phục dựng
Sắc phong là văn bản truyền mệnh lệnh của vua phong chức tước cho quý tộc, quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình, đền trong tín ngưỡng làng xã. Thuộc thế hệ 9x, anh Nguyễn Văn Bắc với nghệ danh Nam Chi là một trong những họa sĩ trẻ đã có kinh nghiệm hơn 5 năm đeo đuổi niềm đam mê này.
Sinh ra ở tỉnh Hải Dương, chính từ đây, niềm đam mê sắc phong đã tìm đến với Nam Chi. “Lúc mà tôi biết đến sắc phong cũng chính là khi đình làng quê tôi phải làm lại sắc phong vì bị hư hại. Lần đầu tiên được nhìn tận mắt một đạo sắc phong, tôi bị hút vào những đường nét hoa văn, những hình ảnh tinh tế trên đó. Tìm hiểu sâu hơn về sắc phong, cũng là lúc tôi nhận ra một vấn đề bất cập là khi phục chế sắc phong, có những chỗ người ta đã làm không đúng hoa văn, hoặc kiểu chữ ở thời điểm lịch sử đó”.
Để phục dựng được những bản sắc phong đầu tiên, thời gian nghiên cứu phải đến hơn một năm trời, Nam Chi phải tìm tư liệu trong sách vở, các công trình nghiên cứu và điền dã tìm hiểu kinh nghiệm của những người đi trước. “Phải được nhìn tận mắt, sờ tận tay các đạo sắc phong, tôi mới cảm nhận được tinh thần của sắc phong”, Nam Chi nhấn mạnh.
Họa sĩ Nam Chi đã tìm đến các đình làng vẫn còn lưu giữ các đạo sắc phong, từ thời Lê, Nguyễn. Có nơi thì vui vẻ cho xem, nhưng cũng có chỗ kiên quyết không đồng ý. Cũng dễ hiểu bởi sắc phong chính là tâm cốt của làng, để thuyết phục người làng cho xem cũng phải rất khéo léo, chân thành. Riêng làng Nghè (còn gọi là làng Trung Nha, thuộc phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi có dòng họ Lại chuyên làm giấy sắc. Tuy nhiên, người cuối cùng nắm được bí quyết làm giấy sắc là cụ Lại Phú Bàn đã qua đời từ năm 2005, các kỹ thuật hiện nay đều do con cháu cố gắng mô phỏng theo. Nam Chi cũng phải “mon men” làm quen, với những nhà sưu tầm để họ cho xem những tờ sắc phong quý hiếm trong bộ sưu tập. “Đến giờ, khi người ta đã biết mình phục dựng sắc phong một cách nghiêm túc, tử tế, thì người ta mới mời đến đình, đền, nhà thờ họ để phục hồi, làm lại sắc, thì từ đó mình mới chủ động hơn trong việc tiếp cận những tri thức về sắc phong”, Nam Chi tâm sự.
Sắc phong do họa sĩ, nghệ nhân Nam Chi phục dựng. |
Tiếp cận sắc phong đã khó, bắt tay vào phục dựng càng khó hơn rất nhiều. Từ những kiến thức thu lượm được, Nam Chi bắt đầu từ công việc lựa chọn giấy. “Đầu tiên, tôi phải đi tìm nguồn giấy dó chất lượng nhất. Sắc phong phải làm bằng loại giấy dó nguyên chất, như thế sau khi nhuộm mới bền, đẹp và giữ mầu. Tôi phải sang Bắc Ninh tìm nguồn và nhờ đặt riêng”, Nam Chi nhớ lại.
Khi đã chọn được nguồn giấy chất lượng, người nghệ nhân phải xử lý giấy. Nghệ nhân phải nghè giấy để cho giấy đanh và mỏng lại, có độ dai. Sau đó phải nhuộm giấy với kỹ thuật rất khó. Giấy phải được treo trên hai chiếc dây thật mỏng, thường là dây cước và phải đảo giấy liên tục cho đều mầu. Sắc phong được nhuộm bằng mầu nghệ pha loãng. Nghệ được giã và lọc qua từ 10-15 lần lớp vải xô mới có thể ra được chất liệu mầu mịn để nhuộm giấy. Khi có một tờ giấy hoàn chỉnh, nghệ nhân lại phải nghè lại hai mặt giấy một lần nữa, sau đó mới phủ một lớp keo lên để bảo vệ.
Sau khi hoàn thiện một tờ giấy, nghệ nhân mới vẽ hoa văn. Người nghệ nhân giỏi phải “bắt nét” được dáng rồng, sau đó mới đến những mảng mầu lớn như đám mây, các họa tiết như vẩy rồng, viền sắc phong… Chất liệu để “đi nét”, “đi mảng” cho sắc phong thường là nhũ vàng và nhũ bạc, số ít các tờ sắc phong được vẽ bằng vàng, bạc thật. Công đoạn cuối cùng là viết chữ và đóng dấu, hoàn thành xong một tờ sắc phong.
“Theo tôi, khó nhất khi vẽ là phải bắt được dáng rồng và đặc điểm rồng của từng thời kỳ trong lịch sử. Tờ sắc phong nào cũng sẽ có hình ảnh rồng, thể hiện uy quyền của nhà vua, nhưng mỗi tờ sắc phong lại có sự khác biệt. Sắc phong thời Lê, phải phác họa được đúng hình tượng con rồng thời Lê. Sắc phong thời Tây Sơn, thời Nguyễn cũng vậy. Viết chữ cũng vậy, ở mỗi thời kỳ, đều sẽ có phong cách viết chữ riêng, vì vậy phải nắm bắt được đặc điểm của chữ qua từng thời kỳ để đưa vào sắc phong”, họa sĩ Nam Chi chia sẻ.
Kỳ công là như thế, nhưng Nam Chi vẫn cảm thấy tiếc vì mặc dù đã cố gắng đi tìm các chất giấy tốt nhất nhưng do kỹ thuật làm giấy hiện nay không thể bằng với ngày xưa, nên cũng chỉ được tương đối, khoảng 80%. Cũng như khổ giấy hiện nay không có được kích thước lớn như trước.
Làm sao để sắc phong bước vào hiện đại
Sau một quá trình dài thử nghiệm và phục dựng sắc phong, hiện nay họa sĩ Nam Chi được cộng đồng biết đến như một nghệ nhân trẻ làm sắc phong chuyên nghiệp. Nhiều người tìm đến Nam Chi để đặt làm sắc phong, thường là từ những đình, đền, những gia đình, dòng họ bị mất sắc phong, hoặc sắc phong đã bị hư hại. Cũng có một số khách hàng đặt sắc phong để phục vụ cho thực hành tín ngưỡng.
Nam Chi nhận định, sắc phong hiện nay không còn được sử dụng rộng rãi nữa, nên họa sĩ trẻ rất trăn trở trong việc tìm hướng đi mới cho sắc phong, nhưng vẫn phải giữ nguyên được giá trị của nó. Để phát triển nghệ thuật làm sắc phong, không chỉ đơn giản là bảo tồn mà còn phải tìm kiếm những hướng đi mới, đưa sắc phong vào đời sống hiện đại.
Theo đó, sắc phong là những đồ án hoa văn tinh xảo, thể hiện những ước vọng, khát khao của con người. Thí dụ như hình tượng rồng cuốn thủy thể hiện tinh thần của cư dân vùng lúa nước, mong ước mùa màng bội thu, sung túc, hay hình ảnh cá chép hóa rồng thể hiện cho ước mong đổi mới, phát triển mạnh mẽ, thăng tiến công danh và tài lộc…
“Có thể thấy, sắc phong thời Lê thể hiện những đồ án hoa văn đồ sộ nhất và đặc trưng nhất của Việt Nam. Mỗi tờ sắc thời Lê đều có những mô-típ hoa văn khác nhau, do nghệ nhân sáng tạo ra. Các hình ảnh đó sẽ mang những ý nghĩa khác nhau. Thí dụ như, tờ sắc phong thể hiện mặt trời, mặt trăng và bát quái thay vì hình tượng chữ Thọ thường thấy, thể hiện cho sự xoay vần của vũ trụ; hoặc có tờ sắc phong lại có hình hai con rồng chầu vào mặt bát quái, phản ánh bối cảnh lịch sử thời đó là thời vua Lê, chúa Trịnh… Đồ án hoa văn sắc phong thời Lê không chỉ là những hoa văn, mà thậm chí có thể được coi như những tác phẩm nghệ thuật”, Nam Chi nhận định.
Chính vì vậy, anh rất mong đưa những giá trị mỹ thuật và văn hóa này lên các sản phẩm hiện đại. “Chúng ta có thể ứng dụng hoa văn sắc phong lên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ như trên quạt, bìa sách, bookmark, ấm chén, áo thun… để làm quà lưu niệm. Chúng tôi cũng đã tìm tòi và đang thử nghiệm ứng dụng đồ án hoa văn sắc phong trên quạt nan. Sản phẩm này được kết hợp nhiều yếu tố, vẫn từ chất liệu giấy dó nhuộm vàng, kết hợp với nan quạt bằng tre, mặc dù là truyền thống, nhưng vẫn mang được hơi hướng hiện đại. Về nội dung, chúng tôi không chỉ sử dụng hoa văn sắc phong, mà còn kết hợp những yếu tố điêu khắc, nghệ thuật của đình làng như hình tượng rồng kết hợp với hình tượng tiên mang ý nghĩa con rồng cháu tiên…”, họa sĩ chia sẻ.
Trong tương lai, từ chất liệu hoa văn sắc phong, Nam Chi dự kiến sẽ đưa lên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ những hình ảnh đa dạng, phong phú hơn như hình ảnh rồng già dạy con, rồng cuốn thủy, mả táng hàm rồng…
Bằng cách phục dựng sắc phong với áp dụng vào thiết kế, họa sĩ Nam Chi hy vọng thu hút được sự quan tâm và thúc đẩy sự phát triển của sắc phong trong thời đại mới. Ngoài ra, anh cũng mong muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ yêu sắc phong, giúp những giá trị văn hóa của di sản Việt Nam được phát triển và lan tỏa rộng rãi hơn.