Gặp tuyết tháng 4 trên đỉnh Ky Quan San

Sở hữu độ cao 3.046m, đỉnh Ky Quan San (Bát Xát, Lào Cai) là một trong tứ đại hùng sơn của trời Nam nếu xét về chiều cao tự nhiên thuần túy, chỉ đứng sau ba đỉnh là Phan Si Păng, Pu Ta Leng và Pu Si Lung.
0:00 / 0:00
0:00
Hai chóp đuy-ra ghi đỉnh Bạch Mộc Lương Tử và Ky Quan San trong một khuôn hình.
Hai chóp đuy-ra ghi đỉnh Bạch Mộc Lương Tử và Ky Quan San trong một khuôn hình.

1/ Chuyến đi này chúng tôi có năm thành viên gồm những người có cùng đam mê chinh phục những đỉnh cao. Đồng hành cùng chúng tôi trong chuyến khám phá là A Tề, một người H’Mông sinh ra và lớn lên ngay dưới chân núi Ky Quan San. A Tề kể rằng, những con “dốc tức” đã khiến nhiều du khách bỏ cuộc, nhất là với những ai tìm đến Ky Quan San không phải bởi sự say mê và tình yêu dành cho ngọn núi.

Đường tới Ky Quan San đẹp đến ngỡ ngàng ngay từ nơi xuất phát. Nhưng đó là vẻ đẹp kiêu kỳ, gai góc, bởi ngọn núi cũng thử thách sức lực và quyết tâm của kẻ chinh phục ngay từ những mét đầu tiên của cuộc hành trình. Đó chính là những con dốc ngược mà dân leo núi vẫn gọi là “dốc tức” cứ nối tiếp nhau. Điểm nghỉ chân lý tưởng đầu tiên trong cuộc hành trình nằm ở độ cao khoảng 1.100m. Đó là nơi có một khóm dân cư, với chỉ vài chục nóc nhà của người H’Mông trắng trong đó có A Tề. Chọn nơi sinh sống vô cùng khắc nghiệt, nhưng những cư dân nơi bản nhỏ này có thể tự hào, bởi họ là chủ nhân đích thực của ngọn hùng sơn.

Tiếp tục hành trình ngược núi, lên đến độ cao khoảng 1.300m, thời tiết đột ngột thay đổi. Đang là giữa trưa nhưng mây mù kéo về dày đặc, bầu trời âm u, gió rít liên hồi. Vài nhóm người H’Mông đang vội vã xuống núi, họ biết mưa dông sắp sửa ập về. A Tề cũng hối thúc chúng tôi nhanh chóng di chuyển đến khu rừng trúc. Theo kinh nghiệm thì đó là nơi an toàn nhất để trú ẩn trong những trận mưa rừng.

Cả đoàn chọn giữa tháng 4 - thời điểm đẹp nhất trong năm để khám phá Ky Quan San. Vậy nhưng sau trận mưa rừng, thời tiết biến đổi đến kinh ngạc. Không còn tiết trời nắng ấm, qua khu rừng trúc là cả cánh rừng nguyên sinh âm u, đặc quánh hơi lạnh. Những giọt mưa đọng trên hoa cỏ cũng như ngưng lại, sắp sửa đóng băng.

Ở độ cao từ 1.600m trở lên, Ky Quan San đưa ta lạc vào thế giới bonsai cổ kính tự nhiên. Mỗi thân đại thụ đều giống như một tác phẩm nghệ thuật, mà thời gian kiến tạo nên chúng có lẽ phải mất vài thế kỷ. Giữa núi rừng u tịch, ta chợt nhận ra nghệ thuật bonsai của con người, dù công phu và cầu kỳ đến mấy cũng chẳng thể so sánh với bàn tay tạo hóa, mộc mạc mà tinh tế, cổ kính mà tươi rói vô ngần.

Trời chuyển tối rất nhanh, chúng tôi tiếc nuối bỏ lại phía sau những bí ẩn chưa kịp khám phá nơi khu rừng cổ tích, bỏ lại cả Đê Sang Nhùa - dòng suối đẻ con theo ngôn ngữ của người H’Mông, để kịp về căn lán trại sẽ nghỉ lại qua đêm ở độ cao 2.100m.

Gọi là Đê Sang Nhùa, vì dòng suối này gom nước từ trên cao tít thành dòng suối lớn, rồi lại chia ra thành nhiều nhánh nhỏ, như là đẻ con khi về mỗi bản. Đó là cách lý giải của người H’Mông về tên dòng suối thật mộc mạc mà lại rất ân tình. Khi mặt trời khuất sau những vách núi. Chúng tôi cũng đặt chân đến khu lán nghỉ qua đêm. Lúc này giữa núi rừng u tịch chỉ còn lại tiếng mưa xối xả trút xuống cành cây ngọn cỏ như muốn tiếp thêm nguồn nước để Đê Sang Nhùa mang về tưới tắm cho những vùng ruộng bậc thang đang chờ đổ nước.

2/ Ngày thứ hai của cuộc hành trình, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là núi muối, chỉ cách khu lán nghỉ vài trăm mét nơi mà các phượt thủ vẫn gọi đây là “vọng cảnh đài” để đón bình minh.

Trận mưa rừng đêm hôm trước dường như khiến cho mặt trời ngập ngừng mãi chưa ló rạng. Từng phút trôi qua trong mong mỏi.

Những ngọn núi rồi cũng chuyển dần sang mầu hồng rực, vầng thái dương bắt đầu hiện ra sau lớp mây mờ. Vạn vật cứ sáng dần, sáng dần, cả một vùng núi rừng đang u tịch bỗng trở nên lấp lánh, bình yên và vô cùng lãng mạn. Cỏ cây xô nhau hướng về phía mặt trời, như vội vã hứng lấy chút nắng mai để tắm gột lại mình.

Núi muối bây giờ mang vẻ đẹp thảo nguyên. Từng đàn dê nhởn nhơ gặm cỏ, an yên như chẳng hề quan tâm tới sự xuất hiện của những vị khách hiếu kỳ. Ngay dưới chân là cả một biển mây bồng bềnh hư ảo. Những cây đỗ quyên lùn đang vào độ mãn khai. Loài hoa này có được sự thích nghi diệu kỳ với núi. Nhưng nếu như ở những cánh rừng dưới thấp, đỗ quyên mang thân đại thụ, thì từ độ cao 2.000m trở lên chỉ còn những cây đỗ quyên lùn bám trụ. Sự thích nghi, sinh tồn của tự nhiên càng thú vị hơn trong câu chuyện kể của người H’Mông về núi muối.

Xưa kia ngọn núi này là lãnh địa của cây zùa dế, loài cây bây giờ đã gần như tuyệt diệt. Lá cây phía trên xanh mướt, nhưng phía dưới lại trắng như tuyết phủ. Thời Pháp thuộc, đồng bào vùng cao không có muối ăn, lá cây zùa dế có vị mặn nên người H’Mông thường lấy về để dùng thay muối. Tên gọi núi muối bắt nguồn từ đó.

Hành trình khám phá Ky Quan San càng lúc càng hiểm trở, trời vừa hửng nắng đã lại xám xịt, giá rét bao phủ núi rừng. Đến độ cao 2.600m thì cây cỏ bắt đầu được phủ một lớp băng mỏng.

Những dông núi bắt đầu xuất hiện. Dông núi, hay còn gọi là sống lưng khủng long luôn là con đường ngắn nhất, nhưng cũng nguy hiểm nhất trong những hành trình chinh phục núi. Dông núi dài nhất của Ky Quan San nằm ở độ cao khoảng 2.650m, nó rộng chừng vài mét, hai bên là vách sâu thăm thẳm. Các thành viên của đoàn đều là những người có kinh nghiệm leo núi, bước chân đã in dấu nơi hầu hết các đỉnh cao Tây Bắc, vậy nhưng chặng đường tới Ky Quan San vẫn vượt xa những hình dung, ước đoán ban đầu.

Ky Quan San đã ở rất gần nhưng không dễ gì chạm tới. Chúng tôi đều nhích từng bước khó khăn, trong tư thế “ngũ thể nhập địa” - một tư thế không thể thiếu với dân leo núi. Ai đó nói đùa, đó là cách để thể hiện sự trân trọng, tôn kính của con người trước những đỉnh thiêng, trước mẹ thiên nhiên vĩ đại. Bởi mẹ thiên nhiên luôn nhân từ, rộng lượng. Ở cả những nơi khắc nghiệt nhất vẫn cho con người nguồn lợi để mưu sinh. Chính trên dông núi này chúng tôi bắt gặp được những người Mông rắn rỏi, nhọc nhằn mà phiêu lãng.

Một anh bạn người H’Mông đi ngược lại phía chúng tôi, trên tay cầm xâu cá suối và chiếc lồng chim, dáng điệu thong dong. Tôi hỏi: “Đi đâu mà đi một mình thế”. “Một mình đâu, ta có bạn mà”, anh chàng hất hàm chỉ vào lồng chim trên tay, ý là chú chim là bạn đồng hành. À, ra là giữa đất trời giao hòa, con người làm sao cô đơn cho được!

Vượt qua đoạn dông khắc nghiệt nhất, Ky Quan San đãi chúng tôi bằng bữa tiệc hoàng hôn độc đáo, hoàng hôn không có ánh mặt trời. Mây, núi và ánh sáng cuối ngày vần vũ, tạo nên một khung cảnh vô cùng kỳ vĩ và tráng lệ. Hành trình lên tới đỉnh núi vẫn còn hơn 200m độ cao, tương đương với khoảng 5km dọc ngang sườn núi. Chúng tôi quyết định nghỉ lại ở một căn lán nhỏ của người chăn dê ở độ cao 2.800m. Mệt, đói và lạnh cóng đã khiến cho một căn lán nhỏ, với bếp lửa ấm, những quả ớt rừng cay nồng, vài miếng thịt dê được lấy ra từ vại muối và bát cơm chan nước sôi hòa muối cũng thành niềm mơ ước. Và điều đó đã thành hiện thực khi những người chăn dê trên núi đã “chiêu đãi” chúng tôi bữa cơm hơn tất cả những sơn hào hải vị đã từng được nêm nếm.

Thêm một đêm giá rét trôi qua, chúng tôi bước sang ngày thứ ba của cuộc hành trình trong ngỡ ngàng, phấn khích. Nhìn lên tuyến đỉnh, chỉ thấy một mầu trắng muốt tuyết băng. Rừng Ky Quan San như từ hồng hoang nguyên thủy, như trong những câu chuyện cổ tích với mầu trắng của tuyết băng hiện về, thế giới cỏ cây chưa bao giờ huyền diệu thế. Tuyết tháng 4, cái ánh tuyết mà hẳn ít ai nhắc đến đang hiện ra trước mặt. Ky Quan San từng được gắn với nhiều tên gọi, là núi mẹ, núi Mào Gà, Lạc Sơn, hay gần nhất là Bạch Mộc Lương Tử - một cái tên được nhiều người biết tới. Có thể vì cái mầu trắng tuyết đặc trưng trên thân cây nên người ta gọi là Bạch Mộc chăng? Nhưng tôi nghĩ, bởi dãy núi nằm giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc, nên nhiều người đã nhầm lẫn với một ngọn núi khác phía nước bạn có tên Bạch Mộc Lương. Tên gọi chính xác của đỉnh núi này, như người địa phương khẳng định, là Ky Quan San.

Giây phút chạm tới đỉnh kỳ quan của chúng tôi diễn ra trong niềm xúc động, bởi ngọn núi vừa được chính quyền địa phương trả lại đúng với tên gọi của mình. Lần leo núi đó, chúng tôi chứng kiến thời khắc đặc biệt, khi hai chóp đuy-ra đỉnh Bạch Mộc Lương Tử và Ky Quan San đã cùng được ghi lại trong một khuôn hình.

Đỉnh Ky Quan San khá rộng, tầng đá gốc được giấu kín dưới lớp mùn thời gian tơi xốp, cho những cây đỗ quyên và giống trúc lùn phát triển, sinh sôi. Chúng tôi lặng lẽ chụp một tấm hình và hẹn ngày trở lại, để được lắng lọc tâm hồn giữa chốn thần tiên.

Ở nơi dòng nước sông Hồng bắt đầu chảy vào cương thổ Việt Nam, có một vùng đất thanh bình, tươi đẹp, ngàn năm qua trấn giữ một bên bờ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc. Đó chính là Bát Xát, vùng đất nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Lào Cai. Đại ngàn Bát Xát hào sảng đón chờ con người bằng bữa tiệc sơn hào tích lũy nghìn năm. Và trong những sơn hào đó có những đỉnh cao đã được ghi danh - Ky Quan San.