Làng Hoài Thị (xã Liên Bão, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) quê hương “chị Hai Lành” có tục kết chạ với làng Viêm Xá (còn gọi là làng Diềm) ở TP Bắc Ninh. Bà còn nhớ, hồi nhỏ, không chỉ học hát mà còn được học cách đi đứng, nói năng, cách têm trầu cánh phượng, cách cầm nón quai thao. Càng về sau, bà càng nhận ra, quan họ không chỉ đưa người ta đến với nghệ thuật truyền thống mà còn thúc đẩy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc, thể hiện giá trị của cá nhân, của cộng đồng vùng Kinh Bắc. Bởi thế, năm xưa, cả khi lấy chồng, bà vẫn tiếp tục sinh hoạt quan họ dù cuộc sống có phải mưu sinh vất vả. Cùng chồng nuôi dạy năm người con, “chị Hai” Lành lấy quan họ vừa để nuôi dưỡng tâm hồn, vừa kiếm thêm thu nhập. “Chị” truyền lại các làn điệu quan họ cho các con. Dù giọng hát không bằng mẹ, nhưng sau nhiều năm được dạy dỗ từng chút một, được sống trong môi trường văn hóa của gia đình, làng xóm, các con “chị” cũng mang tâm hồn quan họ trong mình. Rồi có nhiều người gần xa đến nhà xin “chị” dạy hát. Nhiều năm giữ gìn câu hát, thuở ban đầu, “chị” chỉ tham gia các hoạt động ca hát như một khách mời hoặc thí sinh. Sau này chất liệu quan họ ngày càng nhuần nhuyễn, “chị” tham gia vào vai trò giám khảo nhiều chương trình hát dân ca do huyện, tỉnh tổ chức. Trong cảm nhận của nghệ nhân Nguyễn Thị Lành, dù có điểm chung với các môn nghệ thuật truyền thống khác với lịch sử phát triển lâu đời, nhưng quan họ lại có cách hát riêng, câu hát không quá cầu kỳ về cách nhấn nhá, nội dung trong ca từ, lời thơ cũng dễ hiểu, trang phục của quan họ kín đáo và thể hiện được tính cách, con người Bắc Ninh.
Để gìn giữ và bảo tồn quan họ được tốt nhất thì không chỉ có những lớp người cao tuổi như nghệ nhân Nguyễn Thị Lành, mà rất cần công sức của thế hệ trẻ. Lớp người đó sẽ mang quan họ đi xa hơn bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, các thành tựu của công nghệ kỹ thuật và mạng xã hội. Có điều, để thế hệ trẻ cảm nhận được trọn vẹn giá trị của những làn điệu quan họ truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Thị Lành cho rằng, các bạn cần được học hỏi từ cách đi đứng, ứng xử, học những điều nhỏ nhặt nhất trong nếp sinh hoạt quan họ. Để từ đó, lớp trẻ sẽ chiêm nghiệm ra những nét đẹp cần gìn giữ của người hát, sẽ có thêm động lực học hát và hát được chuẩn quan họ hơn.