Đừng nghe nhạc bằng định kiến

Mới đây, trong liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát của mình, ca sĩ dòng nhạc thính phòng Lan Anh hát lại ca khúc “Không bao giờ quên anh” với dàn nhạc giao hưởng. Một cuộc tranh luận bất tận với nhiều ý kiến trái chiều bắt đầu nổ ra… Nhiều ý kiến cho rằng việc một ca sĩ thính phòng như Lan Anh hát Bolero là đang tự làm “mất hình tượng”. Việc cô trình diễn một ca khúc Bolero với dàn nhạc giao hưởng là một hình thức lai căng, phi nghệ thuật, biến âm nhạc thành một thứ “lẩu thập cẩm” khi cố gắng kết hợp những chất liệu không liên quan lại với nhau, ở đây là dòng nhạc Giao hưởng thính phòng (Nhạc sang) với nhạc Bolero (Nhạc sến).

Có lẽ, trong buổi diễn đó, nếu như ca sĩ Lan Anh hát một ca khúc Pop hay thậm chí là Rock thì câu chuyện đã khác đi rất nhiều. Nhưng Lan Anh chọn Bolero, dòng nhạc mà với một bộ phận lớn khán giả, được mặc định là “sến”, là ủy mị, và ít nhất là “thấp kém” hơn so với dòng nhạc cổ điển thính phòng mà Lan Anh đang theo đuổi. Thậm chí với một số người, không cần nghe sản phẩm, chỉ cần nghe nói đến điều này, với họ đã là điều không thể chấp nhận được.

Những so sánh, đánh giá bằng cảm tính, cách nhìn nhận thiếu khách quan sẽ khiến cho nghệ sĩ và cả nền âm nhạc bị bó hẹp. Thói quen nghe nhạc quá nhiều định kiến đang làm mất đi giá trị đẹp đẽ vốn có của âm nhạc, khiến cho những tác phẩm âm nhạc hay những cách thể hiện mới, ít có cơ hội được nhìn nhận một cách đích đáng.

Ca sĩ Lan Anh có chất giọng cổ điển nhưng lại đậm màu trữ tình, cách hát uyển chuyển, dịu dàng rất nữ tính của Lan Anh khi kết hợp với các ca khúc “nhạc vàng” khiến cho ca khúc trở nên bay bổng, tinh tế và văn minh hơn rất nhiều.

Thực tế, tất cả các dòng nhạc đều có nguồn gốc, lịch sử và con đường hình thành, phát triển của riêng mình, với những giá trị và vẻ đẹp khác nhau. Một nền âm nhạc sẽ có nguy cơ thấp kém và thụt lùi khi cứ mãi đóng cửa và ngủ quên, không dám thể nghiệm hay bước qua giới hạn của chính mình.

Nên bớt những phán xét để tiếp nhận và thưởng thức âm nhạc một cách thực thụ bằng chính những giai điệu và ca từ đang vang lên. Vì âm nhạc hay nghệ thuật không phải là một cuộc chiến giành cao thấp, hơn thua, mà nằm ở những tác phẩm đẹp, hay và sáng tạo, đó mới là giá trị cuối cùng của nghệ thuật. Như chính ca sĩ Lan Anh cũng đã phát biểu: “Tôi cho rằng dòng nhạc nào cũng đẹp và không nên đặt vấn đề đẳng cấp. Tôi hát Bolero đơn giản vì thích dòng nhạc này, yêu thật sự”.

Và có lẽ cũng đến lúc người nghe nhạc cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, thay vì cứ mãi tranh cãi và tìm cách phân cấp âm nhạc, cố khoác lên những tấm áo hư danh cho nghệ sĩ, đặt nghệ sĩ trong một đẳng cấp “sang chảnh” và tìm cách đóng khung họ lại… Liệu đó có phải là trân trọng nghệ sĩ hay chính chúng ta đang muốn được đặt mình ở vị trí cao hơn với thẩm mỹ (được coi là) tốt hơn những khán giả còn lại?