Tuy nhiên, nâng cao chất lượng tổ chức bao nhiêu, dường như hội Lim càng phải lưu tâm bảo tồn, lưu giữ những nét đặc sắc bấy nhiêu. Một vẻ đẹp tiêu biểu của hội Lim là tiếng hát, giọng ca, là nghệ thuật ca hát. Nhưng những năm qua, và đến năm nay, tiếng hát trên đồi Lim lại càng bị lu mờ bởi chính sự lạm dụng thiết bị âm thanh và tiếng nhạc. Tham gia hát trên đồi có các trại của các CLB quan họ xã Đại Đồng, Hoàn Sơn, Tri Phương, làng Diềm và Hoài Thị, CLB quan họ người cao tuổi huyện Tiên Du. Âm thanh nhiều chỗ được mở quá to, vọng từ trại quan họ này sang trại quan họ bên cạnh, đối diện vốn cũng đang “phát thanh” to không kém, làm giảm hiệu quả tiếng hát, giai điệu, giảm chất lượng biểu diễn, giao lưu.
Bên cạnh đó, việc tổ chức không gian biểu diễn cũng tái lặp lại sự lấn chiếm của hàng ăn quán nhậu chung quanh điểm hát trên thuyền ven đình Lim, vốn là nơi tập trung rất đông người nghe. Khán giả gặp nhiều khó khăn khi di chuyển, tập trung nghe hát. Bao quanh hồ nước, lẽ ra phải là nơi dành cho người nghe, nhưng lại bị các hàng quán “thầu” mất, khiến cho ai muốn nghe hát, đương nhiên phải ngồi vào và sử dụng dịch vụ.
Tiếng hát lẫn trong sự va đập của âm thanh. Tiếng hát được “quyện” mùi khói nướng, mùi đồ ăn thức uống. Đó là nốt trầm của hội Lim không chỉ năm 2018. Đã từ lâu, nhiều khách mộ điệu vẫn chia sẻ, muốn nghe hát cho trọn vẹn, hãy về từ tối 12 tháng Giêng, để vào các gia đình có tổ chức hát canh ở một số làng xã thuộc thị trấn Lim, chứ đừng… lên đồi! Có lẽ, hát canh tối được duy trì những năm qua là điểm cộng, kéo lại cho hội Lim ít nhiều phong vị. Nhưng làm sao để hát trên đồi, hát trên thuyền, ngoài trời trong ngày 12, 13 tháng Giêng, cũng giữ được vẻ đẹp như thế?