TỔNG ĐẠO DIỄN FESTIVAL NGHỀ TRUYỀN THỐNG HUẾ 2023 LÊ QUỐC VINH:

Dùng công nghệ và sáng tạo để “làm mới” di sản

Festival nghề truyền thống Huế 2023 hứa hẹn mang đến những ứng dụng công nghệ mới trong trình diễn nghệ thuật, đồng thời có tham vọng giải bài toán đầu ra cho các sản phẩm nghề truyền thống. Tổng đạo diễn Festival Lê Quốc Vinh đã chia sẻ với Thời Nay.
0:00 / 0:00
0:00
Dùng công nghệ và sáng tạo để “làm mới” di sản

Phóng viên (PV): Đây là lần thứ hai ông đảm nhiệm vai trò này, ông có thể cho biết điểm mới của chương trình so năm 2021?

Ông Lê Quốc Vinh: Năm 2021, tôi có cơ hội được phân công làm tổng đạo diễn nhưng vì Covid nên chương trình chỉ dừng lại ở… công tác chuẩn bị. Năm nay có nhiều điểm mới, đầu tiên là thời gian diễn ra lễ hội. Các chương trình Festival trước đó được tổ chức trong vòng một tháng, nhưng từ năm nay, các kỳ Festival kéo dài cả năm được gọi là “Festival bốn mùa”.

Tâm điểm của chương trình Festival nghề truyền thống là không gian giới thiệu của các làng nghề, mọi năm được tổ chức dọc bờ sông Hương trên đường Lý Tự Trọng. Năm nay lượng các gian hàng đông hơn, được thiết kế dàn dựng độc đáo, có quy mô lớn hơn. Ngoài nhà rường, người ta còn sử dụng các tre, nứa, lá, tạo ra sự sinh động cho không gian giới thiệu làng nghề. Bên cạnh đó còn có không gian nghề truyền thống quốc tế.

Bên cạnh những chương trình mang tính nghệ thuật với sự tham gia của đông đảo diễn viên như lễ khai mạc, giao lưu nghệ thuật giữa các thành phố kết nghĩa trong và ngoài nước với thành phố Huế, cùng lễ bế mạc thì còn có những chương trình mang tính quảng bá, thu hút đầu ra cho các sản phẩm làng nghề như “Triển lãm thiết kế sáng tạo thủ công”, “Talkshow về sáng tạo để bảo tồn các sản phẩm nghề truyền thống”…

Điểm mới tiếp theo là về dàn dựng chương trình, các kỳ lễ hội trước chọn quảng trường bia Quốc học Huế, sân khấu quay lưng với đại lộ Lê Lợi. Năm nay, sân khấu sẽ kéo dài từ bia Quốc học sang đến cổng trường Quốc học, làm cho không gian sân khấu thoáng hơn. Tại đây sẽ cùng diễn ra khai mạc, bế mạc, các chương trình giao lưu văn nghệ.

PV: Ông có thể bật mí về nội dung của đêm khai mạc vào ngày 28/4 được không?

Ông Lê Quốc Vinh: Sân khấu diễn ra lễ khai mạc rộng hơn 700m2, chương trình khai mạc sẽ là màn trình diễn liên tục xuyên suốt trong chủ đề chung là “Bàn tay người thợ” được dàn dựng theo tổng thể câu chuyện kết hợp vũ đạo, ánh sáng, các hình ảnh với những góc quay toàn cảnh, chiếu thẳng xuống sân khấu, tập trung vào hình ảnh đất nước con người, nhấn mạnh đôi bàn tay người thợ làm nên những sản phẩm thủ công có giá trị. Ngày nay người ta thường tốn rất nhiều tiền vào trang trí sân khấu với các thiết bị trình chiếu hình ảnh hoành tráng, nhưng sân khấu lần này sẽ không có gì để khai thác tối đa vẻ đẹp nguyên sơ của cảnh quan bia Quốc học và Cổng trường Quốc học. Bên cạnh đó mình sẽ sử dụng các giải pháp về ánh sáng và hình chiếu xuống sân quảng trường để làm không gian đó rực rỡ và đẹp hơn.

Dùng công nghệ và sáng tạo để “làm mới” di sản ảnh 1

Phối cảnh sân khấu khai mạc Festival.

PV: Trong xu thế của sự ứng dụng công nghệ hiện đại, Festival lần này có những điểm nhấn gì mới về công nghệ? Chúng được triển khai trên nền tảng di sản, nghề truyền thống của Huế thế nào?

Ông Lê Quốc Vinh: Ngoài ứng dụng công nghệ vào trình diễn các tiết mục trong các chương trình nghệ thuật, chúng tôi còn gia tăng các hoạt động ứng dụng công nghệ số phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh hình thức kinh doanh online. Nghề truyền thống nếu có sự giúp đỡ của công nghệ thì hoạt động làm nghề trở nên dễ dàng và đơn giản hơn. Thí dụ như công nghệ cắt laser, công nghệ chuyển thể hình ảnh đồ họa sang các sản phẩm truyền thống giúp giảm thời gian làm việc của nghệ nhân mà hiệu quả mang lại cũng rất cao.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đang tập trung phát triển các kênh số để có thể linh hoạt về mặt thời gian, đồng thời giúp du khách trong và ngoài nước không thể đến trực tiếp TP Huế cũng có thể theo dõi được lễ hội trên các nền tảng số.

PV: Các kỳ Festival Huế được tập trung quảng bá giá trị di sản. Ông sẽ khai thác những điểm gì mới và khác trên nền tảng kinh tế, văn hóa của đất Cố đô?

Ông Lê Quốc Vinh: Chúng tôi tổ chức “Triển lãm thiết kế sáng tạo nghề thủ công” trong suốt thời gian diễn ra Festival. Nghề truyền thống của ta đã có những sản phẩm trau chuốt, nâng tầm lên thành ra nghệ thuật thủ công trong một hành trình rất dài. Chúng ta cần khuyến khích sự sáng tạo thiết kế mới, mẫu mã mới, tạo ra hướng đi mới cho nghề truyền thống để phù hợp cuộc sống đương đại. Cần có sự kết hợp với các nghệ sĩ, họa sĩ dựa trên tinh hoa nghề truyền thống.

Chúng tôi cũng tổ chức những talkshow hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Trước nay chúng ta chỉ trình bày, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu nghề mà chưa có sự hỗ trợ về các hoạt động thương mại kinh doanh của các làng nghề. Workshop về kinh doanh online sẽ nói về phương pháp kinh doanh online và các giải pháp kinh doanh cho các làng nghề.

Đêm giao lưu văn hóa sẽ vừa có sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống trong nước và các phần trình diễn văn hóa nước ngoài, được dàn dựng theo hình thức liên hoan nghệ thuật với trình diễn thời trang Hanbook của Hàn Quốc; nghệ thuật cà kheo của Bỉ cùng những tiết mục mang đậm màu sắc dân tộc như nghệ thuật cung đình Huế, các tiết mục dân gian vùng cao, vùng dân tộc, dân ca vùng Nam Bộ, Bắc Bộ…

PV: Từ góc độ một chuyên gia truyền thông, xin ông gợi mở một số ý tưởng cho sự phát triển, tìm đầu ra hiệu quả cho nghề truyền thống và các nghệ nhân, những người thợ trong thời gian tới?

Ông Lê Quốc Vinh: Nghề truyền thống ở Việt Nam nói chung và ở Huế nói riêng đều có giá trị rất cao về tính nghệ thuật, sự tinh tế trong từng sản phẩm. Tuy nhiên, những sản phẩm ấy phát triển mạnh mẽ và có sức sống mãnh liệt hơn nếu như nó phục vụ được cho cuộc sống đương đại, phục vụ nhiều lĩnh vực trong đời sống. Thí dụ như ngay trong chất liệu làm nên chiếc nón lá, người ta cũng đã sáng tạo ra chất liệu xương lá bàng để làm nên nó, thế nhưng chúng ta chỉ cứ tập trung làm nón thôi thì mức tiêu thụ cũng chỉ đạt mức giới hạn nhất định. Cũng cùng công nghệ ấy, nghề đan nón lá từ xương lá bàng nếu chuyển sang thành những sản phẩm như trục đèn, trang trí nội thất thì tính ứng dụng của nó sẽ rất cao và được sử dụng nhiều hơn.

Ở Huế có những nghề truyền thống giá trị rất cao như pháp lam, lâu nay người ta sử dụng phục vụ các công trình nội thất trong đền, chùa, lâu đài, lăng tẩm. Nhưng sẽ không phát triển được nếu không đưa vào các sản phẩm có tính ứng dụng cao trong đời sống. Hiện nay nghề pháp lam đã ứng dụng vào trang trí nội thất, làm đồ trang sức, thậm chí sắp tới những họa tiết cổ sẽ được đưa vào thời trang và có thể được ứng dụng nhiều hơn trong sản phẩm dân dụng như hộp quà tặng, quà lưu niệm. Đổi mới như thế thì nghề truyền thống sẽ có sức sống!

PV: Xin cảm ơn ông!