Đừng chỉ chạy theo phong trào

Tháng 5, tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 đặt chủ đề: "Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc". Vấn đề không mới nhưng vẫn chưa được giải quyết hiệu quả trong nhiều năm.
0:00 / 0:00
0:00

Thực trạng báo động về tình hình tai nạn lao động năm 2022 được phản ánh rõ nét trong thông báo vừa được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công bố. Năm 2022 toàn quốc xảy ra 7.187 vụ tai nạn lao động, làm 568 người chết, số vụ của năm 2021 là 5.797 vụ. Tổng số tiền thiệt hại là 14.117 tỷ đồng (tăng khoảng 10.163 tỷ đồng so năm 2021). Tuy nhiên, con số này còn chưa phản ánh đúng mức độ nghiêm trọng của vấn đề trong thực tế.

Cũng năm 2022, mới chỉ có khoảng 6,77% số doanh nghiệp báo cáo về tình hình tai nạn lao động. Nhiều doanh nghiệp để xảy ra tai nạn, thay vì đền bù theo luật định thì lại đền bù theo thỏa thuận với gia đình nạn nhân rồi "ém" thông tin. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến công tác điều tra, xử lý vi phạm, dẫn đến bỏ sót vi phạm, gây "nhờn" trong thực thi quy định an toàn lao động; mà còn ảnh hưởng cả công tác điều tra, lập báo cáo, kế hoạch giảm tai nạn lao động của cơ quan chức năng.

Nguyên nhân tai nạn lao động do người sử dụng lao động khoảng 40%, khoảng 20% là do người lao động, còn lại là yếu tố khách quan. Nhiều biện pháp cũng đã được triển khai từ các cấp, song thực tế vẫn chưa kéo giảm đáng kể số vụ tai nạn lao động thương tâm.

Trước thực tế này, để triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị triển khai thực hiện tốt các nội dung chủ yếu: các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng; Bộ Y tế tăng cường triển khai hướng dẫn và đôn đốc việc thống kê tai nạn lao động tại các cơ sở khám, chữa bệnh; UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; các doanh nghiệp tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, phòng ngừa tai nạn do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập; tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động…

Như vậy, các biện pháp chủ động phòng ngừa, tăng cường kiểm tra đã được nâng lên ở mức quyết liệt hơn. Song, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, cần có các biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực; phía doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động và người lao động phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao chất lượng tuyên truyền và tập huấn về an toàn lao động để phòng ngừa, đưa doanh nghiệp phát triển bền vững. Không nên chỉ chạy theo phong trào, bảo đảm an toàn trong những đợt kiểm tra, thanh tra, tháng an toàn, vệ sinh lao động mà lơ là mất cảnh giác. Cũng đừng để thiệt hại xảy ra rồi mới "thực hiện đúng quy trình" hay "mất bò mới lo làm chuồng".