Đua trần

Đua lệnh để mua cổ phiếu (CP) giá kịch trần (tăng 7% với sàn HoSE, 10% tại HNX và 15% với UPCoM) là chiến thuật mạo hiểm bậc nhất khi đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Đua trần

Sở dĩ người ta thích đua trần vì đây là cảm giác rất “hoàn hảo” khi đầu tư, CP của mình nắm giữ tăng giá tạo ra sự phấn khích. Nhưng thấy CP tăng trần thì ham, mua rồi thì lại… run, là cảm giác chung của những người đua trần CP. Phiên kế tiếp, nếu CP tiếp tục tăng trần thì áp lực được gỡ bỏ phần nào, nhưng nếu sau khi mua CP, chỉ cần giảm trở lại tham chiếu, hay tệ nhất là giảm sàn thì ngoài việc lỗ nặng (từ 15-30%) nhà đầu tư (NĐT) cũng có thể rơi vào một đợt khủng hoảng tâm lý. Người đua trần ai cũng mong CP có thể tiếp tục tăng, hoặc tốt nhất là tăng kịch trần trong nhiều phiên. Vậy nên câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao để chọn được đúng CP như kỳ vọng.

NĐT Lê Thanh Hà, với 12 năm tham gia TTCK, chia sẻ, trước khi quyết định đua trần, NĐT nên tự xác định tâm lý có khả năng mua xong thì CP giảm sàn. Để tập dượt, có lẽ NĐT nên dành một số vốn nhỏ để đua trần trước và lỡ như có rủi ro xảy đến thì hãy thử xem tâm lý của mình có chịu được hay không. Nếu vượt qua được giai đoạn này, nghĩa là đua trần xong CP giảm sàn mà vẫn thấy “bình thường” thì có thể tính đến những giải pháp đua trần sao cho hiệu quả.

“Nếu CP đi ngang trong một thời gian dài và thanh khoản ổn định hoặc có chiều hướng gia tăng thì rủi ro khi đua trần sẽ giảm xuống, lúc này NĐT có thể mạnh dạn mua vào và kỳ vọng giá cao. CP nhiều khả năng sẽ tăng tiếp”, NĐT Lê Thanh Hà nhấn mạnh.

Mô hình mà NĐT Lê Thanh Hà đưa ra thực tế cũng là mô hình tăng giá phổ biến của khoảng 60% CP, đi ngang tích lũy rồi có một phiên tăng trần, hoặc gần trần, bùng nổ về mặt khối lượng giao dịch. Một điều khá thú vị là nhiều NĐT thậm chí đã mua trước từ khá lâu, sau đó nắm giữ đến lúc chán và bán ra thì CP lại tăng trần. Lúc này họ tự rút ra kinh nghiệm “lần sau khỏi mua và đợi đến khi CP phát tín hiệu, tăng trần là nhảy vào đua lệnh”. Nhưng đến khi CP tăng thì lại… sợ đủ thứ và cuối cùng lỡ mất cơ hội. Cần nhấn mạnh, “liều lĩnh” không phải là tiêu chí để thành công với việc đua trần. Trái lại, để đua trần thành công, cần hội tụ đủ kinh nghiệm, kiến thức, sự quyết đoán và tất nhiên là cả may mắn.

Rủi ro đua trần cũng là điều cần lưu tâm. Thí dụ như sàn UPCoM, có nhiều CP với thanh khoản thấp, đôi khi chỉ cần bên mua ra một lệnh mua khối lượng bình thường cũng có thể đẩy giá CP tăng trần, nhưng sau đó lại xả hàng một loạt CP giá thấp, và đẩy giá trung bình của CP xuống thấp. Trường hợp NĐT đua trần thời gian ban đầu thì cầm chắc thua lỗ ngay trong phiên do giá tham chiếu của ngày hôm sau của UPCoM lấy theo giá trung bình của phiên này. Nếu như các CP có một giai đoạn tích lũy dài và khối lượng bùng nổ có thể cho cơ hội thắng từ 60% trở lên khi đua trần thì với những CP bỗng dưng tăng trần, không rõ nguyên nhân, nền tảng cơ bản không có, cơ hội chỉ là 50%. Thậm chí, với những CP tăng trần chỉ thuần túy mang tính đầu cơ, chất lượng của doanh nghiệp kém, làm ăn thua lỗ thì cơ hội để thắng khi đua trần chỉ tầm 20%.