Du lịch xanh, sạch tưởng khó mà dễ

Du lịch đang ngày càng trở nên một trong những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hiện đại. Đây là điểm mừng cho đời sống tinh thần của xã hội. Nhưng bên cạnh đó cũng phải thừa nhận hệ lụy của tình trạng du lịch đám đông. Đó chính là một lượng rác thải khổng lồ bị ném vào môi trường sau mỗi chuyến du lịch.

Một góc trạm nghỉ trên đường cao tốc vào giờ chuẩn bị ăn trưa tại Pháp.
Một góc trạm nghỉ trên đường cao tốc vào giờ chuẩn bị ăn trưa tại Pháp.

1/Theo thống kê của Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng - Bộ Công thương), hằng năm, lượng rác được thải ra tại Việt Nam là rất lớn, trung bình mỗi ngày có gần 35 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34 nghìn tấn chất thải sinh hoạt nông thôn thải ra. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000-8.000 tấn rác thải, phần lớn là rác thải nhựa đưa Việt Nam vào tốp 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới (Theo số liệu đăng trên tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2021). Chỉ cần đọc sơ qua những con số, chúng ta cũng có thể hiểu rất rõ thực trạng của môi trường thường ngày, chúng ta đang sống cùng với rác thải. 

Đặc biệt trong giai đoạn đỉnh cao của các kỳ du lịch, lễ hội, du khách có xu hướng thải ra nhiều rác hơn do việc phải di chuyển khỏi môi trường sống thân thuộc. Theo đó, người tiêu dùng thường ưu tiên đồ dùng tưởng như gọn nhẹ có thể ném đi ngay khi dùng xong. Nhưng trên thực tế những đồ dùng đó vô cùng phiền phức vì những lớp giấy bọc khiến cho hành lý của các đoàn du khách thêm cồng kềnh và vô hình trung mỗi cuộc di chuyển góp phần vào việc tác động tiêu cực vào môi trường sống của chính con người. 

2/Làm thế nào để vừa du lịch vừa bảo vệ môi trường? Đó là một thách thức không chỉ với người Việt Nam mà với tất cả mọi công dân trên thế giới. Đất nước và văn hóa có biên giới nhưng môi trường thì không dừng lại ở bất cứ đường biên nào. Ngược lại, đó là vốn tài sản vô giá mà thế hệ đi trước để lại cho những thế hệ đi sau. Nhiều người có dịp đến châu Âu du lịch, đã thừa nhận, người dân châu Âu đang xây dựng rất tốt ý thức hạn chế rác thải, nhất là khi họ tham gia vào những hoạt động bên ngoài ngôi nhà của mình. Chỉ cần quan sát ở bất cứ một trạm nghỉ nào trên đường cao tốc vào những ngày du lịch cao điểm và vào giờ ăn trưa. Dù bãi đậu xe chật kín, nơi nào còn chỗ có thể ngồi được, sẽ có người đặt đồ xuống, lôi ra đủ loại thức ăn, sandwich, mì trộn, bánh ngọt, salades… Hàng trăm con người với hàng trăm những món ăn nhưng tuyệt nhiên khi họ đứng lên, bãi cỏ vẫn sạch sẽ, không một “bóng” rác thải. Họ làm thế nào để không thải rác?

Câu trả lời rất đơn giản, du khách, người dân đi dã ngoại sử dụng những đồ dùng “bền vững”. Tức là những đồ dùng dành riêng cho du lịch nhưng có thể sử dụng lại trong cuộc sống hằng ngày. Đơn giản như chiếc bánh sandwich, thay vì mua sẵn, phần lớn người châu Âu sẽ chuẩn bị trước ở nhà và bọc chúng trong những chiếc hộp gọn nhẹ. Nước lọc cũng được cho vào chai chuyên dụng, salades hay bất kể đồ ăn thức uống khác cũng được cho vào hộp thay vì dùng túi bóng. Vì một lý do nào đó, nếu phải dùng đồ ăn sẵn hay nước đóng chai nhựa, rất tự nhiên lúc ăn xong, trước khi đứng lên người ta sẽ thu dọn và ném vào thùng rác trước khi rời đi. Dọn rác đã trở thành hành động tự nhiên ngay cả khi thùng rác công cộng không ở gần. Tất cả rác thải sẽ được gom lại cho vào túi xách để sau đó sẽ mang đến nơi quy định, thậm chí là mang về nhà mình. Vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong giới trẻ, những người yêu thích cuộc sống di động, người ta ý thức ngày càng cao về nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Rất nhiều người chọn cách nói không với rác thải sinh hoạt.

3/Dạo qua các chợ sinh hoạt ở châu Âu, rất dễ để nhận ra sự quay trở lại của chợ truyền thống nơi mỗi mặt hàng mua, bán đều không cần dùng đến túi bóng hay vỏ bọc, ngay cả những mặt hàng tưởng chừng như không thể không bán nếu không có bao bì như sữa tắm, dầu gội đầu hay xà phòng giặt… Trong những trường hợp này, người mua tự mang theo đồ chứa và có thể tùy ý đong đếm số lượng đủ với nhu cầu sử dụng cá nhân. Đây là cách hạn chế rác thải hữu hiệu nhất và cũng là phương pháp hạn chế sự lãng phí. Hành lý du lịch nhờ đó mà cũng nhẹ hơn và rẻ hơn rất nhiều. Cùng với đó, việc tăng số lượng những thùng rác công cộng có phân loại (rác hữu cơ và rác tái chế) cũng giúp hạn chế tối đa hành động ném rác bừa bãi, giúp ích cho việc phân loại, tái chế những thứ rác thải đó về lâu dài.

Những biện pháp trên thực ra rất dễ dàng. Cộng thêm ý thức của khách du lịch, sẽ không khó để có những khoảng không gian xanh và sạch giúp cho những cuộc du ngoạn thêm thú vị và dễ chịu. Du lịch xanh, sạch, tưởng là khó mà lại rất dễ!