1/Ông bà hàng xóm nhà tôi là một cặp giáo viên về hưu nay đã ngoài 70 tuổi. Tôi hay cùng ông giáo thưởng trà. Cứ vào dịp 20/11, nhà ông bà vui hẳn lên. Nhà ông bà dịp này đầy hoa. Ông cũng tặng lại tôi một lẵng khá đẹp: “Ông đem về đặt cho vui mắt. Tôi cũng chỉ giữ vài lẵng, còn sẽ cho mấy cháu quanh đây có khi chúng tặng lại cô giáo. Hoa rất tươi, đỡ phải mua, tốn tiền”...
Tôi cùng ông nhẩn nha trò chuyện: “Trước hai bác dạy chuyên, có nhiều trò giải cao. Thế thì họ cũng thành đạt rồi. Chắc có nhiều người để lại nơi bác những ấn tượng đẹp?”.
Ông giáo nói: “Đúng là vợ chồng tôi từng góp phần đào tạo được một số khá đông học sinh có giải quốc gia đấy. Nhưng có hai cô học trò này, không có giải quốc gia nhưng tôi lại rất có ấn tượng. Các trò này không phải là người vượt khó để thành đạt ngoạn mục. Hai cô trò nhỏ này cách nhau sáu, bảy năm nhưng có nhiều điểm giống nhau lắm. Chúng cùng tên, cùng là con liệt sĩ, cùng có mẹ là cô giáo tiểu học, hoàn cảnh cũng khó khăn, một trò ở miền biển xác xơ cát trắng, một trò ở vùng chiêm trũng quanh năm, cùng lần lượt học lớp tôi chủ nhiệm và đặc biệt cùng quyết tâm xa nhà bám lớp, bám trường. Tôi hay chú ý động viên các trò này, quan sát và thậm chí còn rút ra bài học từ họ. Có một bạn tâm sự với tôi: “Con đi học giống như tham gia một cuộc chạy đường dài, cố gắng theo vào tốp ba, bám lưng hai người phía trước chờ cơ hội bứt phá. May thì con thắng, còn chưa may thì gắng giữ tốp ba”.
2/Từ lời tâm sự ấy mà tôi nghĩ phải làm sao cho học trò biết tự nhận ra chính mình, nhận ra năng lực của mình để phấn đấu vượt lên chính mình. Cô học trò sinh 1976 học với tôi từ lớp 9 khi được tuyển vào đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh gồm 10 bạn dự thi quốc gia do tôi phụ trách. Từ quê lên, mới 14 tuổi, bỡ ngỡ vô cùng, được Sở Giáo dục và Đào tạo bố trí ở tạm một căn phòng cấp 4 trong khu làm việc của Sở, tự lo ăn uống cùng một bạn nữa. Sau kỳ nghỉ Tết năm ấy, học sinh đội tuyển phải tập trung học từ mồng 6 âm lịch. Tối mồng 6, tôi sang xem tình hình ăn ở ra sao thì thấy hai cô trò nhỏ co ro. Hỏi mới biết chúng chưa ăn gì. Có hai cái bánh chưng thì đã ăn hết từ chiều mồng 5 và trưa mồng 6 mà hàng quán bên ngoài thì mãi mồng 10 mới mở hàng. Tôi vội đưa các con về nhà, cho ăn và vợ tôi đong cho chúng mươi lon gạo, một ít mắm tôm, cà chua... Hồi ấy nhà thầy cô cũng nghèo chẳng có thịt cá vì hết Tết là hết thực phẩm. Vẫn có cái may là nhà tôi cũng gần nơi các con ở nên không phải đi xa. Thời những năm 90 của thế kỷ trước đời sống còn khó khăn lắm! Nếu các trò này ở quê với mẹ thì dù kham khổ vẫn có thể sống được dù chật vật, nhưng ở trên tỉnh thì cái gì cũng phải mua... Cô trò nhỏ này còn gan góc trụ suốt ba năm tiếp theo bất chấp thiếu thốn để được học lớp chuyên của tỉnh… Được anh Phó Bí thư tỉnh đoàn can thiệp, em về ở tại khu làm việc của Tỉnh đoàn không mất tiền thuê nhà, tiền điện, nước, chỉ có điều điện thì rất chập chờn và rất yếu thôi!
Tự nấu ăn, nhưng không có tiền mua củi thì khắc phục bằng việc kiếm giấy báo, áp phích cũ làm củi, nấu một bữa, ăn thành hai, tranh thủ tắm giặt khi không mất nước dù nhiều hôm trời lạnh buốt... Vất vả như thế cuối cùng cũng đỗ vào Trường đại học sư phạm Hà Nội. Nhưng chưa kịp tự hào, chưa kịp mừng thì đã đối diện với bao thử thách mới về vật chất! Dù không phải đóng học phí nhưng còn tiền trọ, tiền ăn, tiền chi phí học hành..., lại là con gái đã 17, 18 tuổi, cũng cần vài bộ áo quần tươm tất... Những điều này đều vượt quá khả năng kinh tế của hai mẹ con. Cuối cùng, con có một quyết định táo bạo, xin được chuyển về học trung cấp an ninh. Học trường này thì được bao cấp 100%, có chỗ ăn, ở, có quân phục, giày, mũ, cả chút phụ cấp nữa nên có thể an tâm.
Khi vào môi trường mới, con rất quyết tâm phấn đấu và đã tốt nghiệp xuất sắc sau mấy năm miệt mài, được giữ lại trường để đào tạo tiếp, nhưng con muốn đi làm để có thể gần gũi giúp mẹ nên xin được về quê… May mắn là con được phong ngay cấp bậc Thiếu úy do thành tích học tập xuất sắc, được về công tác tại một thị trấn du lịch biển, lại được tin tưởng giao nhiệm vụ hướng dẫn và bảo vệ một lãnh đạo cao cấp của Trung ương về thị sát vùng này. Con đã xuất sắc làm tốt công tác được phân công và nhờ đó tiếp tục được cử đi học đại học và được điều về Bộ làm nhiệm vụ mới. Năm 2006, cô gái trẻ mang hàm Thượng úy đã xuất sắc phá vụ án Công ty Vedan xả thải “giết” sông Thị Vải ở Đồng Nai suốt 14 năm ròng. Khỏi phải nói, để hoàn thành nhiệm vụ này con đã phải xa nhà hằng tháng trời, mật phục, điều tra, đóng giả rất nhiều vai thâm nhập nhiều cơ sở, truy tìm manh mối và có những kết luận khiến công ty ô nhiễm môi trường tâm phục khẩu phục nhận trách nhiệm…
Một hôm tôi bất ngờ nhận cuộc gọi của con nói mời thầy cô đến vui sinh nhật nó. Con đem xe đến đón và đưa chúng tôi đến một hội trường ở phố Thụy Khuê trang hoàng lộng lẫy cờ hoa, lại có cả hai hàng tiêu binh đứng nghiêm trang, có nhiều xe sang vào ra tấp nập. Tôi nhìn thấy rất nhiều lãnh đạo, cán bộ của Nhà nước và Quốc hội cũng có mặt. Thì ra chúng tôi được đưa đến dự Lễ vinh danh 10 phụ nữ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 và cô học trò của tôi là một trong mười nhân vật được vinh danh. Tôi thật vui bởi bất ngờ này.
3/Ông giáo già kể chuyện thành công của học trò mình với một giọng khá bình thản, nhưng tôi thấy ở ông có một niềm tự hào ẩn sâu trong ánh mắt.
Cô học trò thứ hai mà tôi cũng rất trân quý, như đã nói, cũng có nhiều nét tương đồng hoàn cảnh với đàn chị. Nhưng cô bé này hồi nhỏ thể trạng ốm yếu hơn. Chắc cũng vì không được ăn uống đầy đủ nên còn bị đau dạ dày và thường xuyên phải nhập viện. May, các bạn cùng lớp với con luôn sẵn sàng giúp đỡ và con cũng quyết liệt bám lớp học hành. Cuối lớp 12, tôi hướng dẫn con thi vào một trường đại học vừa sức ở Hải Phòng. Là con liệt sĩ, con cũng được một số ưu tiên như không phải đóng học phí, được nhà trường bố trí ở ký túc xá và đặc biệt, trường cho con các buổi đầu giờ sáng giúp nhà ăn phục vụ ăn sáng cho mọi người. Làm việc này vừa có thêm chút thu nhập, vừa có bữa sáng miễn phí. Thế nhưng con còn phấn đấu hơn để từ năm học thứ hai con xin làm nhiệm vụ hướng dẫn du lịch cho một công ty du lịch đối tác của nhà trường. Con học khoa du lịch nên bước đầu chỉ xem như là một cách tiếp cận với thực tiễn. Bước chuyển mình của con có lẽ bắt đầu từ đây. Sau này, gặp tôi, con nói rằng “con tự thấy phải dám chấp nhận thử thách thầy ạ, chứ trước đây con có biết gì về Hải Phòng đâu, thế mà học mấy năm ở đó con cũng có chút vốn liếng kha khá để có thể nói về một số điểm du lịch mà con phải hướng dẫn cho khách”.
Nhờ có những tích lũy ban đầu như thế, tốt nghiệp đại học, con được chính công ty con từng làm thêm tuyển dụng chính thức ngay. Con dần xác định được vị trí, khẳng định được năng lực và thành một trong những người chủ chốt của công ty. Đến nay thì con đã là một doanh nhân thành đạt và có hẳn một công ty độc lập chuyên phục vụ du lịch ở Hải Phòng và các tỉnh vùng Đông Bắc Việt Nam.
4/Ông giáo già chậm rãi nói với tôi: “Tôi nói thế để ông biết rằng, tôi không thật sự đào tạo nên những người thành đạt, càng không dám nhận rằng họ thành đạt ngoạn mục mà do chính những người ấy tự mình phấn đấu để vươn lên. Hai cô học trò nhỏ của tôi có chút hoàn cảnh khác với các bạn cùng lứa, họ là con liệt sĩ, là con những đồng đội tôi không biết mặt. Các con đã tự vượt lên mọi khó khăn, phát hiện và tự tin vào chính bản thân mình, tiếp nối những phẩm chất tốt đẹp của cha họ, những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì sự tồn tại của các con cháu mình.
Tôi nghĩ, nên viết lại câu chuyện này để vừa biểu dương các bạn ấy, vừa cảm ơn những người thầy như ông bà giáo hàng xóm tôi nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, đặc biệt tôi muốn xem đây như một nén tâm nhang tri ân những liệt sĩ đã để lại cho đời sau những đứa con hiếu hạnh.