Phóng viên (PV): Là người dân tộc Nùng, việc nghiên cứu về dân tộc mình là một lợi thế cho các công trình của anh?
TS Lý Viết Trường: Không ai nghiên cứu về người Nùng, Tày tốt hơn chính những người Nùng, Tày bởi họ hiểu được căn tính tộc người, được sống trong không gian văn hóa, nói được ngôn ngữ và có chung suy nghĩ. Tôi chọn nghiên cứu về các vấn đề này, bởi thấy cần có trách nhiệm nghiên cứu về dân tộc của mình, có trách nhiệm nối tiếp các thế hệ đi trước như nhà dân tộc học Lã Văn Lô, GS Bế Viết Đẳng, GS, TS Hoàng Nam, PGS, TS Vương Toàn. Đây cũng là cách để trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, bản sắc văn hóa dân tộc của tôi không bị hòa tan.
Bên cạnh những nghiên cứu tập trung vào khía cạnh di sản Nùng và Tày, tôi còn đam mê nghiên cứu, so sánh văn hóa giữa người Nùng và Tày ở Việt Nam với người Choang ở Trung Quốc. Các dân tộc Nùng, Tày, Choang vốn là những dân tộc có nhiều điểm tương đồng về mặt văn hóa. Trong bối cảnh hai dân tộc sống ở hai vùng biên giới Việt - Trung, việc nghiên cứu này mang ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển hòa bình, hữu nghị của mối quan hệ láng giềng Việt Nam - Trung Quốc.
PV: Nghiên cứu khoa học không thể tránh được những thất bại ban đầu, anh có thể chia sẻ về thất bại đầu tiên?
TS Lý Viết Trường: Tôi bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm 2012 tức từ năm nhất đại học dưới sự chỉ bảo, hướng dẫn tận tình của các thầy PGS, TS Hoàng Văn Khoán, GS, TS Hoàng Nam, TS Đặng Thị Vân Chi, TS Lê Minh Anh, TS Đinh Đức Tiến... Cứ thế từng bước một, mỗi năm kinh nghiệm nghiên cứu của tôi được tăng thêm và cho đến nay, chặng đường nghiên cứu đã trải qua hơn 10 năm. Trong hành trình ấy, tôi đã phải trải qua rất nhiều vất vả, từ việc học hành, đọc sách, điền dã, viết bài và công bố.
Tôi vẫn nhớ như in bài nghiên cứu khoa học đầu tiên viết năm nhất khi mang bản thảo nộp cho thầy Hoàng Văn Khoán trong lòng lúc đó tràn đầy tự tin vì đã đọc và viết được mấy chục trang. Thế nhưng, khi nhận bản thảo, thầy đọc một lượt, rồi đưa ánh mắt buồn nhìn về phía tôi. Thầy bảo em đang đi chép lại của người khác, chứ không phải là nghiên cứu, nghiên cứu là phải tìm ra cái mới chứ không phải đi chép và tổng hợp lại. Lúc ấy trong tôi trào dâng nỗi buồn, sự thất vọng không nói nên lời.
Ngay sau đó thầy ân cần chỉ dạy, hướng dẫn cho cách viết, cách triển khai bài nghiên cứu, rồi cứ thế mỗi lần gặp các thầy là một lần trưởng thành trong khoa học. Hành trình nghiên cứu khoa học của tôi vẫn đang tiếp tục, bây giờ mới chỉ là điểm khởi đầu, giải thưởng này sẽ là động lực để tôi cố gắng hơn trên con đường khoa học gian truân phía trước.
PV: Tại sao trong rất nhiều công việc, anh lại chọn nghiên cứu về văn hóa dân tộc?
TS Lý Viết Trường: Tôi đến với nghiên cứu khoa học rất tình cờ, đó là việc tôi thích thi vào Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội rồi được gặp gỡ, học hỏi từ các thầy, đặc biệt là GS, TS Hoàng Nam, một nhà dân tộc học người Nùng đồng hương với tôi. Chính thầy là người đã khơi lên niềm đam mê nghiên cứu văn hóa Nùng và Tày, thầy dạy cho biết phải có trách nhiệm với việc bảo vệ bản sắc văn hóa “cần rầu” (dân tộc của mình).
PV: Xin cảm ơn và chúc con đường nghiên cứu khoa học phía trước của anh ngày càng thành công!