Đóng góp lớn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện

Theo gia đình, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Từ Tiện sinh năm 1942 tại Thailand, quê gốc ở xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).
0:00 / 0:00
0:00
Chân dung NSNA Từ Tiện.
Chân dung NSNA Từ Tiện.

Khoảng năm 1940, cụ Từ Hồng - bố ông, một cán bộ cách mạng hoạt động ngoại tuyến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã đưa gia đình đến một vùng người Việt ở Lào sinh sống.

Năm 1961, theo lời kêu gọi kiều bào về nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Bác Hồ, cụ Từ Hồng đưa gia đình hồi hương về Việt Nam sinh sống tại quê nhà ở Hà Tĩnh. Ông Từ Tiện đã nhanh chóng hòa nhập vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta. Do có nghề nhiếp ảnh, ông được Ty Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh hồi đó nhận về công tác.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, qua thời gian đào tạo nghiệp vụ cơ bản phóng viên tại Trường Tuyên huấn Trung ương, ông đã dấn thân vào đạn lửa. Nhiều khoảnh khắc mà ông ghi lại đã trở thành những tác phẩm không chỉ minh chứng sống động về tinh thần yêu nước và sự hy sinh anh dũng của thế hệ đi trước, còn là niềm tự hào, điểm sáng trong nền nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, tác phẩm “Tấm lòng người Việt Nam” do NSNA Từ Tiện chụp ngày 19/5/1972 là bức ảnh mang ý nghĩa sâu sắc, vừa thời sự, chính trị, vừa nhân văn. Vào thời điểm đó, dân quân xã Thạch Trung, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), phối hợp với đơn vị bộ đội pháo cao xạ 233 đã kiên cường chống trả những đợt ném bom ác liệt của máy bay Mỹ. Một chiếc phản lực mang biệt hiệu “Thần sấm, con ma” của không quân Mỹ đã bị trúng đạn pháo, bốc cháy trên bầu trời. Phi công điều khiển máy bay, thiếu tá Obrinicol, buộc phải nhảy dù thoát chết nhưng bị thương ở vùng mặt. Lúc cô y tá dân quân Trần Thị Sâm đang băng bó vết thương cho Obrinicol, NSNA Từ Tiện có mặt đã chớp lấy và ghi lại khoảnh khắc một cô gái Việt Nam nhỏ bé, nét mặt nhân hậu nhưng cương nghị đang chăm sóc kẻ thù vừa mới trút bom đạn xuống mảnh đất quê hương mình. Tên giặc lái Mỹ to cao, mặt cúi gằm đau đớn như đang hối lỗi. Bức ảnh nhanh chóng lan tỏa khắp trong, ngoài nước và giúp nhân dân thế giới hiểu hơn về cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, cũng như tấm lòng cao đẹp của người Việt.

Sau này, NSNA Từ Tiện đã tập hợp các tác phẩm nhiếp ảnh của mình xuất bản hai tập sách ảnh “Một thời đạn bom, một thời hòa bình” (năm 1999) và “Một thời để nhớ” (năm 2000). Hai tập sách ảnh của ông đã mô tả lại những khoảnh khắc chân thực, sinh động của quân và dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cố Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Lê Phức khi xem những bức ảnh quý của NSNA Từ Tiện đã viết: “Những ai quen biết nhà nhiếp ảnh Từ Tiện đều ghi nhận ở anh một con người tâm huyết, say mê và tận tụy với nghề... Anh là người lao động cần mẫn và nghiêm túc... Ống kính của Từ Tiện phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống chiến đấu, sản xuất, xây dựng của một vùng đất nổi tiếng giàu truyền thống cách mạng... Đó là quê hương Nghệ Tĩnh của anh, địa danh từng gắn bó mật thiết với những thăng trầm của đất nước... Đề tài ảnh của anh rất đa dạng: y tế, lâm nghiệp, văn hóa xã hội, miền xuôi, miền núi, hải đảo… nhưng đậm nét hơn cả là mảng ảnh về đề tài chiến tranh chống Mỹ... Đó chính là tinh hoa, chắt lọc từ suốt một đời cầm máy của nghệ sĩ...”.

Với những cống hiến của mình, NSNA Từ Tiện được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba; Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và UBND tỉnh Nghệ An tặng thưởng nhiều bằng khen; năm 2003, NSNA Từ Tiện được phong tặng tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc (E.VAPA); năm 2008, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Đóng góp lớn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện ảnh 1

NSNA Từ Tiện thời trẻ.

Đóng góp lớn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện ảnh 2

Để mẹ đi đánh Mỹ (chụp năm 1968).

Đóng góp lớn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện ảnh 3

Tiểu đội 9 cô gái Kỳ Phương.

Đóng góp lớn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện ảnh 4
Đóng góp lớn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện ảnh 5

Tấm lòng Việt Nam (chụp năm 1972).

Đóng góp lớn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện ảnh 6

Anh hùng La Thị Tám (chụp năm 1970).

Đóng góp lớn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện ảnh 7

Tiểu đội nữ dân quân Anh hùng xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).