Nguyễn Thu Hương (Quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội)
Gần đây, trào lưu cosplay tại Việt Nam đã phát triển nhanh chóng từ sở thích cá nhân thành một cộng đồng thu hút đông đảo người tham gia. Thậm chí, bộ môn này còn được tích hợp vào các lĩnh vực nghệ thuật khác, tuy nhiên đã xuất hiện những dấu hiệu biến tướng đáng lo ngại.
Cuối tuần qua, tại phố đi bộ hồ Gươm, đã diễn ra một sự kiện khá lớn với sự tham gia của hàng trăm bạn trẻ đam mê cổ phục Việt Nam. Sẽ không có gì đáng nói nếu không xuất hiện một nhóm nhỏ mặc cổ phục Việt với những bộ tóc đủ mầu từ bạch kim, vàng chói rồi xanh, đỏ, tím... kèm nhiều phụ kiện khó hiểu như tai nhọn, sừng… Không cần phải là một người am hiểu về cosplay, cũng dễ dàng nhận ra các bộ trang phục này mang đậm hơi hướng văn hóa nước ngoài.
Bất ngờ trước sự “chế tạo” khó hiểu trên, tôi đã hỏi chuyện một bạn trẻ mặc Việt phục triều Nguyễn kèm theo đôi cánh bướm sặc sỡ cùng bộ tóc giả xanh lá cây thì nhận được câu trả lời đơn giản là vì… sở thích. Tương tự, các thành viên còn lại trong nhóm diễu hành cũng một mực khẳng định đây là sự sáng tạo. Không rõ việc phổ biến văn hóa dân tộc thông qua những nét văn hóa lai căng lẫn lộn này có được các cơ quan chức năng thông qua không!
Trong bối cảnh đất nước hội nhập, việc sáng tạo là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, không thể mang những điều mang hồn cốt dân tộc để pha trộn một cách cẩu thả, tùy hứng rồi tự hào đó là sự sáng tạo. Nếu muốn sáng tạo, hãy tổ chức những chương trình riêng biệt, đừng để lẫn lộn!