Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)

Bộ đội biên phòng đồng hành cùng đồng bào Rục

Từ cuối tháng 9 đến nay, tuyến đường vào 3 bản đồng bào Rục (dân tộc Chứt) nhiều lần bị ngập lụt và mỗi lần đều gây chia cắt giao thông nhiều ngày. Bản làng bị cô lập nhưng đồng hành cùng với dân bản là cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng và nhất là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng nên đời sống bà con vẫn được ổn định, tình quân dân càng thêm bền chặt.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) tặng quà, chia sẻ khó khăn với đồng bào Rục, huyện Minh Hóa sau lũ lụt.
Lãnh đạo huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) tặng quà, chia sẻ khó khăn với đồng bào Rục, huyện Minh Hóa sau lũ lụt.

1/Con đường độc đạo dẫn vào các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa xuyên qua rừng già Phong Nha-Kẻ Bàng và xuyên qua những núi đá tai mèo cao vút. Những dãy núi này vô tình làm cản dòng nước lũ nên cứ xảy ra mưa to là tuyến đường vào các bản người Rục đoạn qua thung lũng Hung Trâu bị ngập, ít thì quá đầu gối, sâu thì 3-5 m. Nhiều năm trước, lũ về ngập Hung Trâu là nỗi ám ảnh đối với đồng bào 3 bản, gồm hơn 900 người dân bởi thời gian bị chia cắt rất dài ngày, có năm kéo dài cả tháng, cuộc sống của bà con bị ảnh hưởng nặng nề. Đói ăn nên bà con phải tìm lên rừng nhổ củ sắn, tìm cây củ mài để ăn, xuống suối tìm xúc những mớ cá li ti làm thức ăn. Phía ngoài Hung Trâu, các đoàn thiện nguyện chở hàng hóa đến cứu trợ cho bà con cũng không vào được vì đường độc đạo ngập sâu, chính quyền và bộ đội biên phòng phải hỗ trợ bằng cách dỡ hàng xuống rồi tăng bo bằng thuyền, xuồng máy qua đoạn ngập sâu rồi lại dùng xe máy chở từng thùng hàng vào bản trao cho bà con. Đúng là của một đồng, công một nén!

Ba năm gần đây, với sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, những tấm lòng hảo tâm, đặc biệt là lực lượng bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn, mùa lũ về, dù Hung Trâu ngập sâu nhưng bà con vẫn yên tâm và chủ động đối phó với các tình huống, những khó khăn do mưa lũ được giảm thiểu đáng kể. Nắm bắt được đặc điểm địa hình của Hung Trâu nên trước mùa mưa lũ năm nay với những dự báo về diễn biến phức tạp của thiên tai, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng đã sẵn sàng các phương án để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho đồng bào. Huyện Minh Hóa chủ động vận chuyển 2 tấn gạo vào gửi ở trụ sở Đồn Biên phòng Cà Xèng để phòng khi nước ngập sâu, rút chậm, bà con thiếu lương thực thì bộ đội biên phòng chủ động cấp phát cho các hộ dân. Đồn cũng dự trữ một lượng gạo, các nhu yếu phẩm cần thiết như mì ăn liền, nước uống, muối, mắm... phòng khi khó khăn để hỗ trợ cho đồng bào. Các tổ công tác địa bàn bám nắm tình hình để đồng hành, hỗ trợ người dân khi cần thiết. Đơn vị đã cử lực lượng giúp bà con bản Mò O Ồ Ồ thu hoạch lúa kịp thời, tránh được mưa lũ. Bản có 85 hộ, 330 nhân khẩu, sản xuất 5,3 ha lúa nước, năng suất thu hoạch đạt gần 5 tấn/ha, tổng sản lượng vụ hè thu 2024 đạt hơn 26 tấn, là vụ lúa bội thu so với những năm trước đây. Lúa sau khi thu hoạch bà con đã tranh thủ thời tiết nắng ráo để phơi khô và cất giữ ở nơi an toàn. Đây là nguồn lương thực quan trọng mà đồng bào chủ động được từ chính bàn tay của mình, giúp họ vững lòng trước mùa mưa lũ.

Theo Trung tá Hoàng Công Hùng, Đồn trưởng Biên phòng Cà Xèng, từ đầu tháng 9 đến nay, Quảng Bình bị ảnh hưởng liên tiếp của nhiều cơn bão gây mưa lớn trên diện rộng, nhất là bão số 6 vừa qua gây lũ lớn ở nhiều nơi, đơn vị cử 4 tổ công tác về các bản để tuyên truyền, hỗ trợ đồng bào triển khai các phương án phòng, chống bão; nhắc nhở, yêu cầu bà con tuyệt đối không đi vào rừng, ra suối bắt cá, vớt củi; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở để khoanh vùng, cảnh báo, bố trí lực lượng sẵn sàng di dời người dân đến nơi an toàn là các trường học, nhà văn hóa các bản và trụ sở đồn biên phòng. Tại đây, lương thực, thực phẩm được chuẩn bị bảo đảm đáp ứng nhu cầu của bà con trong trường hợp bị cô lập do mưa lũ.

Bộ đội biên phòng đồng hành cùng đồng bào Rục ảnh 1

Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cà Xèng thăm một gia đình người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa có người thân bị ốm.

2/Chia sẻ về đời sống bà con trong những ngày bị lũ lụt chia cắt bởi thung lũng Hung Trâu ngập sâu, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ Cao Xuân Long cho biết, đường đi bị cô lập nhưng đời sống bà con vẫn ổn định. Dân bản có lúa vừa thu hoạch xong đã được phơi khô, có gạo của huyện hỗ trợ và đã chuẩn bị được nhiều thực phẩm, các loại vật dụng cần thiết nên yên tâm dù Hung Trâu nước rút rất chậm. Cuối tháng 9, đoàn thiện nguyện đến trao tặng 200 hộ của 3 bản mỗi hộ một phần quà, gồm 2 triệu đồng tiền mặt và áo mưa nên bà con càng thêm vui. Mò O Ồ Ồ cũng là bản được Tỉnh ủy Quảng Bình phân công Huyện ủy Quảng Trạch giúp đỡ trong chương trình nâng cao hiệu quả mô hình “Dân vận khéo” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, ngay khi nước lũ vừa rút, đoàn công tác của Huyện ủy Quang Trạch đã đến trao cho mỗi hộ dân trong bản một suất quà, gồm: gạo, cá khô, nước mắm, đường, dầu ăn, bột ngọt, muối. Đoàn công tác cũng đã khảo sát, nắm bắt tình hình cụ thể của bản để xây dựng kế hoạch giúp đỡ bản trong giai đoạn 2024-2027.

Cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng, đến thăm các bản người Rục trong Chương trình “Thứ bảy về bản”, hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2024, chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp của tình quân dân nơi biên giới. Tuyến đường độc đạo qua Hung Trâu đã tạnh khô và con đường bê-tông chạy dọc các bản bùn lầy đã được dọn sạch. Cờ Tổ quốc phấp phới bay trước từng ngôi nhà và trên con đường dẫn tới nhà văn hóa. Bí thư chi bộ Cao Xuân Long chia sẻ, mùa mưa lũ chưa qua nhưng cứ sau mỗi lần nước lụt rút đi là các anh bộ đội đến hỗ trợ bà con dọn dẹp vệ sinh, phong quang bản làng để ổn định cuộc sống. Thứ bảy này về bản, Đồn Biên phòng Cà Xèng thăm, tặng cho bà con 3 bản Mò O Ồ Ồ, Ón và Yên Hợp 1,5 tấn gạo, 120 thùng mì ăn liền; đồng thời hướng dẫn nhân dân vệ sinh vườn, nhà sau thời gian dài mưa lũ, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Ngày pháp luật Việt Nam năm 2024.

Trung tá Hoàng Công Hùng nhấn mạnh, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chuẩn bị sẵn sàng của đơn vị và bà con, thời gian chia cắt kéo dài 10-15 ngày, thậm chí một tháng, đời sống đồng bào và cán bộ, chiến sĩ vẫn được bảo đảm. Những ngày mưa lũ, đơn vị duy trì lực lượng tại chốt gác để hỗ trợ các trường hợp bệnh nhân cần đến bệnh viện, cán bộ, thầy, cô giáo ra vào bản và người dân có nhu cầu qua lại để mọi hoạt động của cuộc sống diễn ra bình thường.

Theo Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Mò O Ồ Ồ Cao Xuân Long, cái mà bà con người Rục còn thiếu đó là kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, bởi từ thay đổi nhận thức đến bắt tay vào làm phải cần nhiều thời gian và công sức chỉ dẫn, bà con mới làm được. Cánh đồng lúa nước Rục Làn sau 14 năm đưa vào sử dụng với biết bao công sức, mồ hôi bộ đội biên phòng mới có được hạt vàng no ấm như ngày hôm nay. Nhờ thế, giờ đây, dân bản Mò O Ồ Ồ mới biết cách điều khiển máy cày làm đất, tự ngâm ủ giống lúa để gieo trồng đúng lịch thời vụ.