Lấy hiện đại tôn di sản lên
Nổi tiếng với nghề gốm, làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) còn được biết đến là “làng trường thọ”, “làng giáo viên”... Cách trung tâm TP Huế chừng 40 km, Phước Tích hiện ra trong mắt du khách với quang cảnh đậm chất làng quê Bắc Trung Bộ. Với bến nước, con đò, nhà rường cổ kính..., Phước Tích trở thành điểm dừng chân của biết bao du khách. Trong không gian tràn ngập cây xanh, du khách tản bộ dưới con đường được đóng bằng gạch, chiêm ngưỡng nhà rường, tham quan bộ sưu tập gốm của ông Lê Trọng Diễn, trải nghiệm làm gốm, xem cây di sản Việt Nam...
“Phước Tích còn bảo lưu khá nguyên vẹn 38 ngôi nhà rường cổ. Tất cả đều trên 100 năm tuổi và được chạm khắc họa tiết hoa văn cực kỳ tinh xảo. Ngoài ra, hệ thống các công trình đình, chùa, miếu và các dấu tích văn hóa Champa được tô điểm bởi hàng chè tàu xanh mướt”, ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Giám đốc Ban quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích, cho biết.
Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích. Là ngôi làng cổ thứ hai Việt Nam được xếp hạng di tích cấp quốc gia, làng cổ Phước Tích đã được địa phương tập trung đầu tư bảo tồn và khai thác hiệu quả di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ. Địa phương đã trùng tu, tôn tạo 23 ngôi nhà rường cổ và đưa vào sử dụng, khai thác du lịch. Hiện nay, đang tiếp tục trùng tu 7 nhà rường cổ. Bên cạnh đó còn tôn tạo, chỉnh trang các điểm di tích như Miếu Cây thị, 12 Bến nước... “Làng cổ còn được đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, ngầm hóa hệ thống điện, lắp hệ thống điện chiếu sáng quanh làng, bãi đỗ xe, số hóa các di tích, tổ chức nạo vét hói nước dẫn nước từ sông Ô Lâu vào Hồ Sen để khai thác du lịch tại hồ sen nổi tiếng của làng, xây dựng điểm check-in cầu bán nguyệt thu hút hàng nghìn lượt khách đến trải nghiệm”, ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền chia sẻ.
Ông Bách cho biết, địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn truyền nghề (nghề gốm, nghề bánh) để bảo tồn nghề truyền thống và khai thác, phát triển du lịch. Xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với truyền thống văn hóa địa phương, thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm như phiên chợ quê “Hương xưa làng cổ”, giải chạy Half Marathon Hương xưa làng cổ - bước chân hạnh phúc...
Phước Tích vẫn giữ được nghề gốm đặc sắc. |
Đa dạng hóa dịch vụ tham quan, trải nghiệm
Ông Nam cho hay, Ban quản lý thường xuyên làm việc với hơn 30 công ty lữ hành du lịch, các trường học trên địa bàn có hoạt động đưa khách về tham quan và trải nghiệm ở làng cổ. Từ đó mở rộng và phát triển các tour du lịch trải nghiệm tham quan nhà rường cổ tại Phước Tích, gắn kết tham quan với làng nghề truyền thống như làng nghề Mỹ Xuyên bằng thuyền máy và xe đạp; đi thuyền và SUP trên sông Ô Lâu vào ngắm cảnh, check-in sen hồ Hà Trì; tổ chức chương trình du lịch trải nghiệm trường học gắn với di sản làng cổ Phước Tích cho học sinh, sinh viên. Loại hình du lịch homestay được tổ chức hiệu quả để khách du lịch đến tham quan, ăn ở tại nhà vườn cũng như mua sắm sản phẩm của nhà vườn và sản phẩm, đặc sản đặc trưng của huyện, trải nghiệm homestay với chủ nhà rường, giao lưu văn nghệ, thơ với người dân, thả đèn hoa đăng trên sông.
“Phước Tích hiện có 12 dịch vụ tham quan, trải nghiệm như dịch vụ tham quan nhà rường, bộ sưu tập gốm; dịch vụ quảng diễn gốm; dịch vụ quảng diễn bánh truyền thống; dịch vụ chơi cờ chòi..., với hơn 40 người tham gia, mang lại doanh thu hằng năm bình quân 100 triệu đồng”, ông Nam cho biết. Với phiên chợ “Hương xưa làng cổ”, du khách được thưởng thức các món ẩm thực dân dã của người dân, trải nghiệm và mua sắm sản phẩm gốm Phước Tích, các sản phẩm cỏ bàng, thưởng thức và mua trà sen, tham gia trò chơi dân gian truyền thống hấp dẫn gắn với tuổi thơ như bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập om...
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, có đông đảo du khách đến tham quan làng cổ. Tháng 2 vừa qua, làng cổ Phước Tích đón khoảng 1.870 khách về tham quan, trải nghiệm với tổng doanh thu đạt 135 triệu đồng. Hiện nay, có đông lượng khách đến tham quan làng cổ. Lượng khách quốc tế đã có dấu hiệu tăng trở lại bên cạnh nguồn khách nội địa. Do sắp bước vào mùa du lịch nên hằng ngày có nhiều đơn vị liên hệ để được tổ chức công tác đón đoàn. “Thời gian tới, Ban quản lý sẽ triển khai các hoạt động, tour tham quan mới như phiên chợ quê Hương xưa làng cổ; check-in các điểm quay bộ phim “Tấm Cám”; các hoạt động chuẩn bị ngày hội Hương xưa làng cổ...”, ông Nam cho hay.
Kỳ vọng nâng hạng di tích
Đầu năm 2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có tờ trình gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị thỏa thuận chủ trương nâng cấp xếp hạng di tích Làng cổ Phước Tích lên di tích quốc gia đặc biệt.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, thông tin, sau khi tỉnh gửi tờ trình xong, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ mời Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia họp, đánh giá. Nếu đáp ứng các tiêu chí và được thông qua, Bộ sẽ có văn bản trả lời cho tỉnh. Sau đó, tỉnh sẽ giao cơ quan chuyên môn tiến hành lập hồ sơ chính thức theo quy định của Luật Di sản và các thông tư, nghị định liên quan.
“Nếu làng cổ Phước Tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt sẽ tăng hiệu ứng truyền thông, quảng bá; thu hút được sự quan tâm của người dân, công chúng, khách du lịch… Làng cổ cũng sẽ được quan tâm đầu tư bảo tồn, tu bổ các hạng mục liên quan. Bên cạnh đó, sẽ là cơ sở để tỉnh, huyện đầu tư thêm cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch… bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành. Từ đó, sẽ thu hút được nhiều khách tham quan và người dân sở tại sẽ hưởng lợi từ phát triển du lịch, rất nhiều hộ dân đang tham gia trực tiếp và làng cổ đang làm rất tốt việc này”, ông Lộc nói.
Ông Nam cho biết thêm, các hoạt động xây dựng về hạ tầng nhà cửa, kiến trúc cảnh quan… ở làng cổ cũng phải tuân theo quy định Luật Di sản và các quy định liên quan của pháp luật về di sản. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan, cây cổ thụ phải theo quy định hiện hành của pháp luật để bảo vệ những giá trị đặc hữu vốn có của làng cổ Phước Tích.