Tại gành Đá Đĩa là Không gian văn hóa Hồn Xưa với màn trình diễn nghệ thuật đàn đá tại đây của nghệ sĩ Nguyễn Minh Nghiệp (người khảo cứu và xây dựng phong cách đàn đá từ 2013). Ngoài nhạc cổ, thì giai điệu của những bài hát nổi tiếng như: “Cô gái vót chông”, “Tiếng đàn Ta lư”, “Sông Đăkrông mùa xuân về”… cũng được tái hiện qua âm thanh đàn đá để thu hút du khách. Còn tại tháp Nhạn (thành phố Tuy Hòa) thì nhóm biểu diễn là các bạn trẻ đam mê đàn đá, không phải là những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Từ các bạn trẻ, giai điệu đàn đá ngoài xoay quanh các bài hát về vùng đất Phú Yên, còn nhiều yếu tố ngẫu hứng bất ngờ, làm du khách thêm thích thú luồng âm thanh trong trẻo, du dương ngân vang lên giữa không gian trầm mặc, cổ kính của tháp Chăm.
Một sự kiện âm nhạc lớn của xứ Nghệ là Festival dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 2023 vừa được khai mạc tại thành phố Vinh, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Nghệ An tổ chức. Tỉnh Nghệ An mong muốn đưa sự kiện này thành hoạt động văn hóa, du lịch quy mô lớn, hướng tới xây dựng sản phẩm, thương hiệu văn hóa, du lịch Nghệ An trên nền tảng các giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Festival sẽ được tổ chức từ ngày 28/7 đến 5/8 tại thành phố Vinh và liên hoan cấp cụm một số huyện, thị xã ở tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh. 9 năm về trước (ngày 27/11/2014), dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chương trình năm nay chính là hướng tới việc một festival lớn 10 năm vào năm 2014, nên festival năm nay diễn tiến theo ba chương với 13 tiết mục kết hợp truyền thống và các màn biểu diễn với công nghệ hiện đại. Chương 1 mang tên “Mạch nguồn di sản” gồm các tiết mục thể hiện những dòng chảy của ví, giặm khi hình thành. Chương 2 có tên “Ân tình ví, giặm” truyền đi thông điệp diễn biến tâm hồn đẹp đẽ phong phú của con người xứ Nghệ được kết tinh trong ví, giặm. Chương 3 mang tên “Ví, giặm - Tinh hoa tỏa sáng” thể hiện sự lan tỏa và gắn kết của dân ca ví, giặm với các vùng miền, địa phương và các quốc gia.