Điều chỉnh sân khấu truyền hình phù hợp thực tế

Hải Phòng đã thực hiện Đề án Sân khấu truyền hình suốt gần bốn năm qua. Cuối năm 2019, nhiều người từng cho rằng, đây là cuộc… “ép duyên”.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở chèo “Mưa đỏ” - đạo diễn, NSND Thúy Mùi vừa dàn dựng tại Nhà hát Hải Phòng trong khuôn khổ Đề án Sân khấu truyền hình.
Cảnh trong vở chèo “Mưa đỏ” - đạo diễn, NSND Thúy Mùi vừa dàn dựng tại Nhà hát Hải Phòng trong khuôn khổ Đề án Sân khấu truyền hình.

Nhưng thời điểm ấy, đây được coi là “giải pháp tình thế” khi cả nước đang lây lan dịch Covid-19. Nhiều người không thể ra khỏi nhà và phương tiện hữu ích để giải trí chính là màn hình nhỏ trong mỗi gia đình.

Cho đến thời điểm hiện nay, mặc dù hoan nghênh Đề án Sân khấu truyền hình, NSƯT Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường - Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh vẫn thấy băn khoăn nếu tiếp tục kéo dài cách làm này có thể làm mất đi tính hấp dẫn trực tiếp của sân khấu với khán giả. “Những cảm thụ về thẩm mỹ, cảm xúc và nhận thức rất quan trọng để tạo nên thánh đường sân khấu. Xem qua truyền hình sẽ mất đi rất nhiều yếu tố sân khấu, như xử lý của đạo diễn, ánh sáng, tương tác về biểu diễn… bị ảnh hưởng hoặc triệt tiêu. Nên chăng trả lại đúng nghĩa của sân khấu là trực tiếp cho khán giả tại Hải Phòng xem rồi truyền hình cho khán giả cả nước cùng xem”, NSƯT Lê Nguyên Đạt đề xuất. Đồng quan điểm, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc thực hiện Đề án Sân khấu truyền hình là một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn. Tuy nhiên, “sân khấu là phải để khán giả tìm đến, còn khi đưa lên truyền hình, vô hình trung sẽ làm giảm đi giá trị của sân khấu”, NSND Trần Ngọc Giàu trăn trở.

Nhà viết kịch Hoàng Thanh Du đề xuất, muốn làm sân khấu truyền hình thì phải có phim trường để tối thiểu đạo diễn chương trình xử lý phối hợp được ngôn ngữ đặc thù của điện ảnh (lưu ý ngôn ngữ truyền hình gần với điện ảnh hơn sân khấu bởi tính liên hoàn cấu tứ của kịch bản phân cảnh với từng khuôn hình) chứ chỉ “tường thuật” sân khấu thì không thể chuyên chở được các cảnh diễn xử lý chi tiết của đạo diễn sân khấu. Vì vậy ngành văn hóa Hải Phòng nên có sự điều chỉnh phù hợp với chủ trương sân khấu truyền hình để phát huy, phát triển các thể loại sân khấu của mình.