Truyện ngắn

Ði về phía dòng sông

Dãy phòng trọ hướng mặt về dòng sông, trước đây là ao rau muống, khi khu công nghiệp hình thành chủ nhà lấp đất xây phòng cho thuê.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: ĐẶNG TIẾN
Minh họa: ĐẶNG TIẾN

Những căn phòng được công nhân ưa thích, ở đây mỗi chiều từ trước hiên nhà họ có thể ngắm dòng sông để tìm lại chút khung cảnh của quê nhà. Chủ nhà trọ là một thiếu phụ xinh đẹp và hòa nhã, có người thất nghiệp ở lỳ ba tháng liền, chị cũng không hỏi tiền nhà.

Bốn căn phòng đã có người đặt từ lúc mới khởi công. Khi người thuê đến ở rồi, hằng ngày vẫn có người hỏi. Ao rau muống được lấp kín, còn một khoảnh đất rộng có thể xây thêm bốn phòng nữa, Phong nghe vợ chồng chủ nhà trọ nói với những công nhân thuê nhà từ ngày anh mới dọn đến.

Bẵng đi một thời gian không thấy mặt người chồng, qua sự xì xào của công nhân anh biết ông chủ nhà trọ đã bỏ nhà đi. Một tháng, hai tháng rồi một năm trôi qua không thấy người chồng trở về, miếng đất định xây thêm nhà trọ cỏ dại mọc đầy, chúng tràn vào tận hiên nhà, xen lẫn trong đám cỏ vài ba bụi rau muống bò lan, già cỗi nở những bông hoa như loa kèn mầu tím. Sau giờ làm việc ở công ty về, Phong tìm được cây cuốc nhỏ, mòn vẹt lưỡi, rỉ sét, được dựng bên hông nhà chủ, có lẽ nó đã nằm đây từ nhiều năm trước, cỏ dại phủ lên, cán cuốc bằng cây tầm vông rắn chắc mọc rêu từ những kẽ nứt. Phong cẩn thận mài lưỡi cuốc, chêm lại cán, hai năm rồi anh chưa cầm cuốc nhưng anh không quên công việc đơn giản của một nông dân mà anh đã quen thuộc từ lúc chiều cao người anh còn ngắn hơn cán cuốc này đến vài gang tay. Ngày ấy, sau buổi học cha anh đặt vào tay anh một cây cuốc nhỏ, ông bảo:

Hãy cố lên con, quê mình nghèo cần phải rèn luyện để trở thành một người nông dân giỏi mới sống được con ạ. Ngày đất nước mới thống nhất, quê anh gặp muôn vàn khó khăn, vết thương chiến tranh làm lở loét cả đồng ruộng. Mất mùa liên miên, nắng như đổ lửa, lúa ngậm đòng chết khô ngoài ruộng, bướm trắng bay rợp trời.

Bà nội nhìn đàn bướm, đôi mắt già nua nhăn nheo của bà hướng về phía cánh đồng, bé Ba, em gái của anh ốm tong teo, da nhăn như hạt ươi rừng, khóc nhèo nhẻo, bà cất giọng khàn đục ru cháu: "À ơi! Chiều chiều bướm trắng bay vô. Ba năm trời hạn cây khô lá vàng". Lời ru buồn như buổi chiều ngợp nắng trên cánh đồng khô hạn, vàng vọt. Cả nhà anh sống nhờ đám khoai lang trên mấy gò đất, bảy tuổi anh đã biết cuốc đất vun vồng trồng khoai. Dây khoai lên đến đâu lũ cỏ gà lan đến đấy, anh bứt từng cụm với lòng hận thù sâu sắc, đôi tay chai sần đỏ tấy. Đã hai năm xa rời ruộng đồng, nhưng anh vẫn còn giữ thói quen ghét cỏ dại. Anh mài lưỡi cuốc lên cục đá xanh, lưỡi cuốc chuyển dần mầu xanh của sắt.

- Anh làm gì vậy?

Một giọng nói nhỏ nhẹ phía sau lưng, anh ngẩng lên, chị Hạnh chủ nhà trọ nhìn anh mỉm cười.

- À, tôi tính xạc đám cỏ dại trên miếng đất này, chúng làm loạn cả rồi.

Chị thở dài:

- Làm phiền anh quá, nhà không có đàn ông thật khổ!

Nói xong chị quay lưng đi, bờ vai tròn và thanh mảnh thấm đẫm nắng chiều, trông chị cô độc và mềm mại như một bông hoa muống. Phong cắn môi cắm cúi xạc, những bụi cỏ lật tung lên dưới bàn tay mạnh mẽ của anh. Anh cố giữ lại những bụi rau muống xen lẫn trong đám cỏ. Những dây muống mọc dài trên bờ sông quê nuôi anh khôn lớn, anh có cảm tình với loại rau dân dã này. Mẹ càng ngày càng già cỗi, gân guốc như dây muống dại.

Ngày mai công ty anh phát lương anh sẽ gởi về phụ cha mẹ nuôi em, hằng tháng anh vẫn dành một phần lớn số tiền lương gởi về cho gia đình, số tiền ấy bằng nửa tấn lúa. Chị Hạnh trở lại với ly nước chanh trong tay. Chị nhoẻn miệng cười với anh, nụ cười đẹp mê hồn, lâu lắm anh mới thấy chị cười, từ ngày chồng chị bỏ đi đến nay lần đầu tiên anh thấy chị cười. Anh cảm ơn, đón ly nước mát rượi, thấm tận ruột gan.

Phong nhận quyết định nghỉ việc với một thái độ trầm tĩnh, anh chào bạn bè lần cuối, trước khi rời công ty. Họ siết chặt tay anh, ánh mắt lấm lét hướng về gã quản đốc, đang quàng vai đưa Phong ra cổng. Lần đầu tiên trong công ty này có một người nghỉ việc được chính gã quản đốc đưa đi một cách thân thiện như vậy. Gã siết chặt tay và nhìn anh với ánh mắt kính nể.

Mãi sau này anh mới hiểu tại sao gã lại có thái độ lạ lùng như vậy đối với anh. Phong đưa tay rờ mặt, vết bầm đã đỡ hơn nhưng vẫn còn nhưng nhức, kể ra quả đấm của gã cũng có đẳng cấp lắm. Khi anh mang vết bầm trên gò má về nhà trọ, chị Hạnh rối rít dùng nước muối xoa mặt cho anh, bàn tay của chị mềm mại và nhẹ nhàng, lần đầu tiên trong đời anh được chăm sóc bởi bàn tay của một phụ nữ không phải mẹ anh.

Phong nhắm mắt cố kìm chế hơi thở dồn dập của mình. Hôm qua, tại sân nhà xưởng công ty đã xảy ra cuộc quyết đấu tay đôi giữa Phong và gã quản đốc. Anh hành động, ngay cả chính anh cũng thấy bất ngờ. Một công nhân làm hỏng sản phẩm, gã quản đốc gầm lên cầm chiếc giày ném vào mặt anh ta. Cú ném chính xác khiến máu mũi anh công nhân tuôn ướt cả áo. Không kiềm chế được, anh công nhân lao vào và hậu quả là anh ta lãnh trọn những cú đấm liên hoàn của gã.

Không thể khoanh tay nhìn, Phong lao vào quật gã văng ra và bảo: "Ông là một thằng hèn, nếu ông là một người có tinh thần thượng võ thì ông không được tấn công người không có khả năng tự vệ, tôi thách đấu với ông!". Sau tiếng "được" lơ lớ, gã phóng cú đá thần tốc về phía anh, Phong lòn người vừa tránh đòn vừa "nhập nội", tung một chỏ ngược ngay cằm...

Cuộc quyết đấu kéo dài chưa tới ba phút, gã đập tay xuống đất xin hàng. Những thế võ gia truyền dòng dõi võ tướng nhà Trần cộng với sự gân guốc của đôi tay "cuốc lật cày ải" trên cánh đồng khô cằn sỏi đá miền trung, Phong đã vô hiệu hóa các đòn hiểm của gã quản đốc. Công nhân hét lên: "Đánh chết mẹ nó đi!" Phong khoát tay ra hiệu cho họ lui ra. Hôm sau, gã gọi anh lên văn phòng chìa tay xin được kết bạn, gã bảo vì uy tín của gã với cả nghìn công nhân gã mong anh nghỉ việc, gã sẽ giúp cho anh một khoản tiền. Phong chấp nhận đề nghị nghỉ việc, nhưng dứt khoát không nhận tiền của gã.

Phong thả bộ dọc theo con đường chính của khu công nghiệp. Hoa điệp vàng nở rộ. Cô công nhân vệ sinh đang quét lá khô, những chiếc lá nhỏ li ti cứ rắc xuống con đường bóng lộn này như trêu chọc, thách thức sự cần mẫn của cô. Cô dừng chổi gỡ khẩu trang, mỉm cười chào anh.

Hành động của anh đã trở thành một "sự kiện" trong khu công nghiệp, anh trở nên nổi tiếng, dù chẳng vinh quang gì. Hằng ngày, anh vẫn gặp cô trong bộ quần áo công nhân rộng thùng thình với cái khẩu trang che kín gương mặt, không ngờ cô còn trẻ và rất xinh đẹp. Vài triệu bạc tiền trợ cấp thôi việc trong túi, anh sẽ phải đối đầu với khó khăn phía trước nhưng Phong cảm thấy thanh thản, anh không ân hận việc mình đã làm. Trước khi anh lên đường vào nam lập nghiệp, ông nội anh làm thịt con gà trống mà ông yêu quý nhất bắt anh đội đến nhà thờ tộc. Ông nhắc cho anh nhớ, tộc Trần có năm quan võ, bảy quan văn. Trong làn khói hương nghi ngút ông nói:

"Cần biết sống cho ra sống, đừng để người ta khinh!". Chạy vạy nhiều ngày anh mới kiếm được một chỗ làm trong cái khu công nghiệp rộng thênh thang này. Phong đã cố chịu đựng để làm thật tốt công việc. Nhưng cái câu "kiến ngãi bất vi, vô dõng dã" mà ông của anh dạy từ lúc còn học đứng tấn bất ngờ bật ra và Phong mất việc! Con đường đẹp quá vậy mà sao lâu nay anh không chú ý nhỉ? Sau giờ tan ca những gương mặt bơ phờ nhòa vào nhau, ai cũng vội vã chạy về nhà trọ để lo cho bữa cơm chiều rồi tranh thủ ngả lưng chuẩn bị sức cho ngày mai vào ca, có mấy ai chú ý những hàng điệp nở vàng rực dọc hai bên đường khu công nghiệp. Con đường này dẫn ra bờ sông, con sông lừng lẫy một thời của miền Đông Nam Bộ, đang bị lở lói bởi nạn khai thác cát nhưng nó vẫn còn mênh mông lắm.

Khác với những con sông miền trung, sông ở đây lúc nào cũng đầy ắp nước, chảy êm đềm, trầm tĩnh và từng trải. Ngày anh ra đi, ông nội mặc áo dài khăn đóng, đốt trầm hương rồi trịnh trọng nâng ba đồng bạc cổ gieo vào cái đĩa sành. Khi thanh âm phát ra từ sự va chạm khô khốc ấy, chìm vào những kèo, cột, rui, mè bằng gỗ mít đỏ au, ông lẩm bẩm: "Quẻ vị tế, chưa qua sông con ạ! Con đi lần này nhớ cố bình tĩnh giữ gìn, đừng nóng nảy hấp tấp, không có lợi. Tuy nhiên con cũng cần nhớ là chưa qua sông chứ không phải không qua sông được!"... Phong sẽ không trở về quê với hai bàn tay trắng, cứ ở tạm trong phòng trọ một thời gian, thế nào cũng phải nghĩ ra cái gì đó, chắc chắn như thế.

Mỗi căn phòng trọ mười sáu mét vuông, hai chiếc giường, bốn người ở. Ba chàng trai cùng phòng với Phong đã đi làm. Từ ngày thất nghiệp đến nay, Phong thành kẻ phụ việc cho họ. Anh nấu ăn giặt giũ, lau dọn phòng. Giờ rảnh Phong loay hoay làm những ngôi nhà nhỏ bằng tre. Cái nghề này ngày xưa ông nội dạy cho anh. Chị Hạnh vào phòng lúc Phong đang chuốt bóng những thanh tre, ngồi ghé bên mép giường, chị gợi chuyện:

- Phong làm nhà cho búp bê hả?

- Ừ làm cho vui, ngồi không làm gì.

- Nóng khiếp Phong ha!

- Ừ, mấy ngày nay nóng quá, chắc sắp có mưa giông.

Chị Hạnh cười:

- Phong cứ làm như ở miền trung quê anh không bằng, trong này làm gì có mưa giông.

- Ừ quên mất.

- Sao mấy ngày nay chẳng thấy tí gió nào ở sông thổi vào cả.

Hạnh lơ đãng nhìn về phía dòng sông, nước đục ngầu, vài khóm lục bình tả tơi lặng lờ trôi. Dòng sông lạc lõng và buồn thảm. Không rời mắt khỏi giề lục bình, chị nói với Phong:

- Bây giờ Phong tính làm gì?

- Phong sẽ làm những ngôi nhà bằng tre bán cho bọn trẻ. Ở quê Phong tre nhiều vô kể, con người sống nhờ cây tre, ông nội Phong là một "nghệ nhân tre". Ông làm được những lồng chim và những ngôi nhà tuyệt đẹp, chúng đẹp như trong chuyện cổ tích. Phong luôn mơ ước lớn lên mình sẽ làm những căn nhà thật, xinh như vậy để mà ở.

Chị Hạnh mơ màng:

- Tôi cũng thích những căn nhà như thế.

Căn nhà đầu tiên anh làm tặng cô bé con của chị Hạnh, cô bé thích quá nâng niu như báu vật. Phong nhiều lần thấy chị say mê ngắm căn nhà. Chị bảo: "Ngày xưa mình cũng ở trong căn nhà như thế này!".

Chị kể cho Phong nghe chuyện vợ chồng của chị, một câu chuyện lạ mà Phong không thể tin là có thật trong cuộc đời này.

Căn nhà đầy ắp tiện nghi mà vợ chồng chị sắm được từ ngày anh bỏ dạy đi làm phiên dịch cho công ty nước ngoài luôn đầy ắp tiếng cười. Ngày nào cắt rau, chị cũng nhặt vài bông hoa muống cắm trên bàn làm việc của anh, anh yêu hoa muống lắm, anh bảo: "Ít có loài hoa nào giản dị mà đẹp như hoa muống, mầu phớt tím của nó đã chứng minh tạo hóa là bậc thầy về phối màu".

Sau ngày cưới anh đặt một cái hòm thư bằng sắt, anh bảo: "Có chuyện gì cần tâm sự chúng mình viết ra giấy rồi bỏ vào hòm thư, không nên dùng ngôn ngữ nói, dễ xúc phạm đến nhau". Lúc nào anh cũng hấp dẫn chị bằng ý tưởng bất ngờ. Mỗi sáng thức dậy chị hồi hộp mở hòm thư và thở phào nhẹ nhõm khi đọc những dòng chữ chứa đựng sự âu yếm của anh dành cho chị. Nhưng nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm trôi qua chị bắt đầu cảm thấy buồn vì những lời thư của anh không có gì thay đổi, vẫn nồng nàn và âu yếm. Bỗng dưng chị đâm hoảng, chẳng lẽ vợ chồng mình hoàn hảo đến thế sao? Chẳng lẽ cả hai đều không có khuyết điểm nào hay sao? Mỗi lần mở hòm thư chị lại thở dài khi thấy những lời âu yếm, chị chờ đợi một lời trách mắng hay giận hờn của anh.

Sự chờ đợi của chị rồi cũng đến và đó là bức thư cuối cùng chị nhận được sau cái đêm anh dành cho chị "sự cuồng nhiệt" đến ngạc nhiên. Bức thư vẻn vẹn có mấy chữ: "Anh không thể tìm được khuyết điểm để từ bỏ em, nhưng anh đã trót yêu người khác! Hãy tha lỗi cho anh!". Anh lặng lẽ ra đi, để lại tất cả tài sản cho chị. Chị tưởng mình có thể nhảy xuống sông nhưng chị chợt nhớ ra anh có để lại cho chị một niềm hy vọng:

Anh đã đem theo chiếc chìa khóa hòm thư mà chị trao cho anh! Chị quyết định đưa hòm thư ra ngõ, chị gắn cái hòm thư nhỏ bé trên cánh cổng, chị bỏ vào đấy một lá thư và chờ đợi sự hồi âm của anh. Mỗi chiều sau giờ lên lớp, chị dẫn đứa con gái mười bốn tuổi đi dạo bờ sông, nói đúng hơn là con bé dẫn chị đi, trông họ như hai chị em. Đã ngoài ba mươi mà chị còn đẹp lắm, một nét đẹp mong manh và thuần khiết. Con gái tung tăng phía trước, còn chị nhìn đăm đắm qua bên kia sông, chân bước vô hồn.

Những lúc như vậy Phong lặng lẽ đi theo sau lưng mẹ con họ, một khoảng cách vừa đủ để anh ngắm tấm lưng thon thả của chị.

Cuộc đời có nhiều chuyện không ngờ. Phong làm những ngôi nhà nhỏ bằng tre, cột lên xe gắn máy cà tàng mới tậu chở đi bỏ mối, sản phẩm của anh làm ra không đủ bán. Đang còng lưng vượt dốc bỗng chiếc xe hơi bóng lộn thắng két trước mặt. Một người nước ngoài tiến về phía anh reo lên bằng tiếng Việt khá sõi:

- Kìa Phong! Phong phải không?

- Ô Lee! Không ngờ chúng ta còn gặp nhau! - Phong mỉm cười trả lời.

- Chúng ta là bạn mà, vào quán nghỉ chân một tí nhé!

Sau khi an vị quán bia ven đường Phong hỏi Lee:

- Sao lúc này ông nói tiếng Việt giỏi như vậy?

- Cũng nhờ bạn đấy, sau vụ chúng mình đụng độ với nhau, mình cất công tìm hiểu văn hóa và võ học Việt Nam, càng tìm hiểu mình càng khâm phục. Bây giờ mình đã cưới vợ Việt Nam và quyết tâm theo quê vợ. Lúc này mình khắc phục được tính nóng nảy và thái độ coi thường người Việt. À, anh công nhân làm hỏng sản phẩm ngày xưa, bây giờ đã là tổ trưởng.

Sau khi uống cạn chai bia, Lee hỏi thăm về cuộc sống của Phong. Anh kể vắn tắt cho Lee nghe và thổ lộ với Lee về dự định trong tương lai, anh sẽ làm những căn nhà xuất khẩu. Ngắm nghía căn nhà nhỏ của Phong đang cột trên xe, Lee gật gù bảo:

- Ngày còn nhỏ mình cũng từng mơ ước ở trong những căn nhà như thế này.

Bất ngờ, Lee đưa tay về phía Phong:

- Chúng ta hợp tác làm ăn nhé.

- Hợp tác ư? Tôi có gì đâu.

- Bạn có ý tưởng và tay nghề, tôi có vốn, bạn hãy suy nghĩ lập một đề án làm những căn nhà tre lớn để người ở hẳn hoi chứ không phải để cho búp bê. Tôi sẽ đầu tư vốn và bao tiêu sản phẩm. Những sản phẩm này sẽ xuất khẩu qua châu Âu.

Sau cuộc gặp gỡ bất ngờ với Lee, Phong suy nghĩ nhiều đêm, cuối cùng anh quyết định hợp tác. Một tháng sau công ty "Phong Việt" ra đời. Phong không ngờ sản phẩm tre nứa nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường. Những ngôi nhà tre xuất khẩu của công ty đã có mặt nhiều nơi trên thế giới. Phong vô cùng biết ơn ông nội anh, những lời dạy, cả những thế võ của ông và loại cây mộc mạc của làng quê giúp cho anh có ngày hôm nay. Như thường lệ, Phong cho cậu tài xế đi chơi để một mình anh bên quán cà-phê nhỏ hướng mặt ra sông. Kể từ ngày rời phòng trọ bên bờ sông đến nay, không ngày nào Phong không nghĩ về chị Hạnh.

Phong không thể lý giải được vì sao có nhiều cô gái trẻ vây quanh mà anh chỉ yêu một mình chị. Đôi mắt thăm thẳm của chị làm anh choáng ngợp ngay từ khi vừa đặt chân đến nhà trọ, ngày anh trả phòng trọ dọn về công ty, chị tiễn anh ra tận bờ sông và chúc anh thành công. Chị bảo: "Mọi người lần lượt bỏ tôi ra đi". Dường như đôi mắt đen láy ngấn lệ, đôi mắt ám ảnh cuộc đời anh cho đến hôm nay.

Lần này Phong trở lại với lòng quyết tâm sẽ thực hiện một việc mà anh đã chuẩn bị nhiều ngày. Bờ sông bây giờ khác, mỗi chiều chị vẫn đi dạo trên con đường mới làm dọc bờ kè bên sông. Có lẽ con gái đã vào đại học nên chị dạo một mình, mái tóc buồn hơn xưa, bay rối cả hoàng hôn! Phong ngắm chị từ xa, từ bờ sông quay về chị ngập ngừng nhìn hòm thư han rỉ, rồi cúi đầu bước qua vòm cổng sắt cũ kỹ.

Chị vào nhà, Phong thở dài đứng lên trả tiền nước. Nhưng lần này anh sẽ không trở về cùng với tiếng thở dài! Phong đưa tay sờ túi, cái phong bì mỏng manh anh chuẩn bị công phu hơn những căn nhà tre xuất khẩu mà anh đã tạo ra, anh viết đi viết lại nhiều lần về mối tình đơn phương anh ấp ủ nhiều năm qua. Anh cũng sẽ không dám thổ lộ tình cảm của mình nếu như không tìm hiểu và được biết chồng chị đã định cư ở nước ngoài cùng với một cô gái khác.

Mặt trời khuất dần sau những ống khói của khu công nghiệp bên kia sông, dòng sông lấp lóa ánh đèn cao áp hai bên bờ rọi xuống. Chị chậm chạp quay về, ngập ngừng, cúi đầu bước qua cổng. Phong rảo bước, thu hết can đảm cho tay vào túi lấy phong bì mầu xanh trịnh trọng bỏ vào hòm thư! Hẳn chị sẽ rất bất ngờ với lá thư của Phong. Phong sẽ trở lại khi chị bình tĩnh. Lòng thanh thản và đầy tự tin vào tương lai Phong chậm rãi đi về phía dòng sông.