Nâng cao tính gắn kết của cá nhân với tập thể
Du lịch MICE (Meeting Incentive Conference Event) là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện, khen thưởng của các công ty dành cho nhân viên, đối tác. Sau thời gian dài phải tạm hoãn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều tổ chức, doanh nghiệp cần nối lại các sự kiện để thúc đẩy kinh doanh, cùng với đó là nhu cầu đào tạo lại kỹ năng, tinh thần làm việc nhóm cho người lao động sau nhiều giai đoạn bị phân tán, làm việc từ xa trong đại dịch. Du lịch MICE vì thế là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn với khả năng vừa giải quyết bài toán về chuyên môn nghiệp vụ, hợp tác kinh doanh, vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao tính gắn kết, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DFT Việt Nam cho biết, hầu như năm nào công ty ông cũng cố gắng thực hiện những chuyến du lịch MICE từ một đến hai lần với sự hỗ trợ của các hãng lữ hành uy tín. "Tham gia các chuyến du lịch MICE, ngoài nhân viên công ty còn có những đối tác, khách hàng thân thiết. Với doanh nghiệp, việc tổ chức du lịch MICE không chỉ mang đến cơ hội phát huy văn hóa công ty mà còn góp phần khẳng định vị thế, nâng cao uy tín, tính chuyên nghiệp của đơn vị, từ đó kết nối và phát triển những mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng.
Bên cạnh đó, đây cũng là một loại phúc lợi mà công ty mong muốn duy trì đều đặn cho nhân viên để họ được tái tạo sức lao động sau những ngày làm việc mệt mỏi, từ đó yêu hơn, gắn bó hơn với môi trường làm việc" - ông Việt Anh chia sẻ.
Hiện nay, trong các chuyến du lịch MICE, thời gian dành cho mục đích tập huấn, hội nghị, hội thảo... của công ty thường chiếm nửa ngày đến một ngày, phần còn lại dành cho những chuyến tham quan, du lịch, tham gia các hoạt động "team building" tại điểm đến. Việc kết hợp nhiều hoạt động trong một chuyến đi bên cạnh lợi ích làm đa dạng hóa lịch trình tua còn giúp giảm đáng kể chi phí cho các doanh nghiệp so với tổ chức riêng lẻ.
Du lịch MICE vì thế là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn với khả năng vừa giải quyết bài toán về chuyên môn nghiệp vụ, hợp tác kinh doanh, vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao tính gắn kết, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp.
"Trong các hoạt động, trò chơi tập thể, ban lãnh đạo công ty luôn cố gắng tham gia cùng nhân viên. Khoảng cách giữa cấp trên-cấp dưới khi đó bị xóa nhòa, tất cả hòa làm một để chinh phục những thử thách của trò chơi. Chính điều này giúp gia tăng tính gắn kết giữa các thành viên trong doanh nghiệp, thúc đẩy hiệu quả hợp tác, làm việc nhóm cao hơn, đồng thời khiến người lao động thêm gắn bó, toàn tâm toàn ý với công việc chung của tổ chức" - ông Việt Anh nhấn mạnh.
Động lực tăng trưởng du lịch
Với lợi thế hướng đến phục vụ những khách hàng doanh nghiệp có số lượng khách đông, lưu trú dài ngày, sử dụng nhiều dịch vụ, tiện ích cao cấp và không bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ, du lịch MICE được xem là "con gà đẻ trứng vàng" của ngành công nghiệp không khói Việt Nam, nhất là trong giai đoạn du lịch nước ta đang cần tăng tốc phục hồi để nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng như trước khi diễn ra đại dịch.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, du lịch MICE có thể mang lại doanh thu cao gấp 4 đến 6 lần so với các loại hình du lịch khác. Tổ chức Du lịch thế giới cũng đưa ra dự báo đến năm 2025, riêng ngành công nghiệp du lịch MICE sẽ thu được hơn 1.400 tỷ USD, tập trung ở hai khu vực châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương.
Trong đó, Việt Nam được xác định sẽ trở thành điểm đến du lịch MICE hàng đầu khu vực với sự "lột xác" ngoạn mục về cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú du lịch ở phân khúc cao cấp những năm gần đây, đặc biệt là với danh hiệu "Điểm đến du lịch MICE tốt nhất châu Á" từng được vinh danh tại Giải thưởng Du lịch MICE thế giới 2021. Đây chính là dư địa đầy tiềm năng để du lịch MICE Việt Nam cất cánh.
Thời gian qua, đón đầu cơ hội, một số tỉnh, thành phố của nước ta đã xây dựng chiến lược riêng dành cho phát triển du lịch MICE. Tiêu biểu phải nói tới Đà Nẵng với chính sách MICE thể hiện rõ tinh thần phối hợp liên ngành gồm năm nội dung liên quan công tác chào đón; tặng quà lưu niệm; hỗ trợ truyền thông; vé tham quan; tư vấn hỗ trợ dành riêng cho các đoàn khách có quy mô từ 50 khách, 150 khách, 300 khách, 700 khách trở lên. Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết kế chính sách du lịch MICE riêng đối với các hội nghị doanh nghiệp.
Nhiều trung tâm du lịch lớn như Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt, Bà Rịa-Vũng Tàu... cũng xác định MICE sẽ là một trong những loại hình du lịch trọng điểm cần ưu tiên phát triển. Ghi nhận từ các hãng lữ hành cho thấy nhu cầu về du lịch MICE của các doanh nghiệp trong, ngoài nước đang rất lớn. Đại diện Saigontourist cho biết, khách MICE đang chiếm tới hơn nửa tổng lượng khách nội địa của công ty. Với Viettravel, chỉ trong dịp hè 2022, hãng lữ hành này đã đón hơn 1.430 đoàn MICE, tăng trưởng mạnh so với năm 2019.
Việt Nam được xác định sẽ trở thành điểm đến du lịch MICE hàng đầu khu vực với sự "lột xác" ngoạn mục về cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú du lịch ở phân khúc cao cấp những năm gần đây, đặc biệt là với danh hiệu "Điểm đến du lịch MICE tốt nhất châu Á" từng được vinh danh tại Giải thưởng Du lịch MICE thế giới 2021. Đây chính là dư địa đầy tiềm năng để du lịch MICE Việt Nam cất cánh.
Còn tại Flamingo Redtours, Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Công Hoan cho biết lượng khách MICE của đơn vị này đã tăng trưởng 500% so trước dịch. Vừa qua, Flamingo Redtours đã phục vụ đoàn khách MICE gần 2.000 người của Tổng công ty May Bắc Giang tham gia tua du lịch ba ngày hai đêm kết hợp tổng kết, team building tại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Đây là đoàn MICE có số lượng khách đến Thanh Hóa lớn nhất từ trước đến nay nên đã nhận được những hỗ trợ đặc biệt từ địa phương như: bố trí cảnh sát giao thông dẫn đường, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chào đón tặng hoa, quà..., mang đến nhiều ấn tượng về điểm đến thân thiện, mến khách.
Ông Nguyễn Công Hoan nhận định: Giống như sức bật của lò xo bị nén lại, du lịch MICE đang bùng nổ thời kỳ hậu Covid, đem đến cơ hội giúp ngành kinh tế xanh tăng tốc mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây là loại hình đòi hỏi sự chọn lọc khắt khe về điểm đến, tiêu chuẩn dịch vụ.
Cùng với sự tăng trưởng về lượng khách, quy mô và yêu cầu về chất lượng, tính sáng tạo của các đoàn MICE cũng ngày càng cao. Vì thế, để phát triển du lịch MICE một cách lâu dài, bền vững, Việt Nam phải có chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch MICE và đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá. Bên cạnh đổi mới sản phẩm, xây dựng những kịch bản du lịch MICE phù hợp tiêu chí văn hóa riêng của từng doanh nghiệp, còn cần thắt chặt sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành với địa phương, điểm đến, các nhà cung cấp dịch vụ để mang lại nhiều giá trị gia tăng thu hút khách.