Đường dài mới biết ngựa hay...

Việc tài trợ sản phẩm văn hóa nghệ thuật ở nước ta đã không chỉ là một xu hướng mà đang dần thành phổ biến. Lĩnh vực có sản phẩm nhận được tài trợ cũng đa dạng hơn: nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, âm nhạc hàn lâm, âm nhạc đại chúng, nghiên cứu xuất bản...
0:00 / 0:00
0:00
Hòa nhạc ra mắt Dàn nhạc trẻ VYO, tháng 9/2022.
Hòa nhạc ra mắt Dàn nhạc trẻ VYO, tháng 9/2022.

Thực tế này cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ trong nhận thức chung của xã hội về mục tiêu và tầm nhìn của hoạt động hỗ trợ về tài chính cho lĩnh vực vốn được coi là "chỉ biết tiêu tiền, khó làm ra tiền".

Từ bề nổi đến chiều sâu

Bên cạnh các tập đoàn toàn cầu, một số tổ chức kinh doanh lớn ở trong nước cũng chuyển hướng củng cố và phát triển thương hiệu của họ thông qua những sự kiện nghệ thuật quy mô, không bán vé, giới thiệu rầm rộ trên truyền thông dưới "bàn tay" đạo diễn của các công ty truyền thông lớn, có chiến thuật thực hiện tần suất tin, bài, ảnh trên mọi lĩnh vực báo chí một cách hiệu quả. Về thực chất, đó vẫn là quảng bá tiếp thị thương hiệu, tri ân khách hàng mục tiêu của các nhà kinh doanh.

Chính vì thế, nhiều mô hình sự kiện này ban đầu có thể được giới thiệu là "định kỳ", "hằng năm" - mang tính chất lâu dài nhưng hoàn toàn có thể dừng lại bất thình lình như trường hợp các chương trình hòa nhạc mang tên các thương hiệu Hennessy, Mobifone ở Việt Nam, trước đó là giải thưởng Mỹ thuật tài trợ bởi các tập đoàn Philip Morris, Nokia ở khu vực Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam...

Đến nay, học bổng này đã đến tay hơn 900 học sinh, sinh viên xuất sắc của ba học viện âm nhạc/nhạc viện ở Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh và hai trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật vùng núi phía bắc.

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam đã giúp sớm hình thành nên tầng lớp người giàu, siêu giàu, những tập đoàn kinh doanh lớn đang cố gắng vươn ra tầm thế giới, do chính người Việt thành lập và điều hành. Trong những bước đi hội nhập quốc tế như vậy, có cả việc học tập kinh nghiệm tài trợ, nhất là các quan niệm và phương thức tài trợ cho sản phẩm văn hóa nghệ thuật từ những quốc gia phát triển, có truyền thống bảo trợ/tài trợ cho hoạt động văn hóa từ nhiều trăm năm trước.

Một số công ty, tập đoàn lớn trong nước đã bắt đầu nghiên cứu mô hình lập quỹ tài trợ, trong đó có tài trợ cho hoạt động văn hóa nghệ thuật, và cố gắng thể hiện mô hình vận hành độc lập với doanh nghiệp sinh ra nó theo thông lệ quốc tế chung. Vingroup đã thành lập Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF từ năm 2018, ban đầu tập trung vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, dữ liệu lớn.

Theo Báo cáo thường niên 2021 của VinIF, đây là năm mà Quỹ khởi động chương trình Lưu trữ các giá trị văn hóa lịch sử với bốn sự kiện được tài trợ (tổng kinh phí là 300 triệu đồng) và xét chọn bốn dự án (tổng kinh phí là 8,5 tỷ đồng). Chương trình hòa nhạc Toyota do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Công ty Toyota Việt Nam cùng tổ chức đã tiến hành bán vé nhưng toàn bộ tiền thu được dành để sử dụng cho chương trình Học bổng Toyota hỗ trợ tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam, được khởi động từ năm 2009. Đến nay, học bổng này đã đến tay hơn 900 học sinh, sinh viên xuất sắc của ba học viện âm nhạc/nhạc viện ở Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh và hai trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật vùng núi phía bắc.

Tài trợ và trách nhiệm xã hội

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, vị giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, một trong bảy bảo tàng cấp quốc gia hiện nay, đã chia sẻ với chúng tôi nhiều suy ngẫm về việc tài trợ cho hoạt động/sản phẩm văn hóa nghệ thuật nói chung. Với ông, bài học quốc tế đầu tiên khi làm Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chính lại là "bài học về tiếp cận tài trợ".

Nhìn ở một góc độ rộng hơn, có thể nói, tầm nhìn và tri thức của nhiều nhà tài trợ trong nước nói riêng cho hoạt động văn hóa nghệ thuật rõ ràng đã thay đổi theo chiều hướng thực chất và tiến bộ.

"Không một bảo tàng nào hoạt động theo hướng chuyên nghiệp mà không cần đến tài trợ, trên thế giới càng như vậy"- ông Huy khẳng định. Một kỷ niệm sâu sắc với ông là chuyến tổ chức triển lãm về Việt Nam tại Mỹ, kết hợp giữa Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ, vào đầu những năm 2000.

Toàn bộ chương trình triển lãm này, từ vận chuyển, trưng bày, bảo hiểm hiện vật đến các chuyến đi lại, tập huấn cho cán bộ bảo tàng phía Việt Nam... đều dựa vào nguồn tài trợ bên ngoài ngân sách của hai bảo tàng. Một số triển lãm, trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở thời ông làm Giám đốc cũng được thực hiện nhờ tài trợ từ các nguồn trong và ngoài nước.

Trở lại với "bài học về tiếp cận tài trợ", ông Huy nhấn mạnh: Trên thế giới, mục đích của việc lập ra các quỹ, hoặc đóng góp tài chính cho các quỹ tài trợ lớn, có uy tín của các nhà tài phiệt là trả nợ lại xã hội. Trong quá trình kinh doanh, họ có lợi nhuận và mong muốn được trao lại một phần thành quả đó cho xã hội. Chính vì thế, bản chất của tài trợ phải là mối quan hệ bình đẳng giữa nhà tài trợ và bên nhận tài trợ.

Khi nhà tài trợ tìm được đúng nơi để cung cấp tài chính, nghĩa là họ hoàn thành được mục đích, tôn chỉ hoạt động của họ. Khi đối tác nhận tài trợ thực hiện tốt chương trình, dự án theo như hồ sơ ứng tuyển, sẽ vừa nâng cao vị thế, uy tín hoạt động của mình, vừa mang lại uy tín xã hội cho chính nhà tài trợ. Cuối cùng, bên hưởng lợi nhiều nhất là công chúng, xã hội bởi được thưởng thức, nhận hiểu những chương trình, sản phẩm văn hóa có chất lượng ngày càng cao.

Trên thế giới, mục đích của việc lập ra các quỹ, hoặc đóng góp tài chính cho các quỹ tài trợ lớn, có uy tín của các nhà tài phiệt là trả nợ lại xã hội. Trong quá trình kinh doanh, họ có lợi nhuận và mong muốn được trao lại một phần thành quả đó cho xã hội. Chính vì thế, bản chất của tài trợ phải là mối quan hệ bình đẳng giữa nhà tài trợ và bên nhận tài trợ.

(Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy)

Trong xu hướng tự ý thức về trách nhiệm xã hội của mình, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trong nước thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc tài trợ đúng nghĩa cho hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Bên cạnh thực tế phần lớn doanh nghiệp lớn nhỏ vẫn tiếp tục quảng cáo, tiếp cận khách hàng tiềm năng thông qua việc tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật, đã có thêm những doanh nghiệp lập quỹ nghệ thuật, tổ chức các sự kiện nghệ thuật lớn, cung cấp thông tin miễn phí về nghệ thuật cho công chúng trên internet nhưng hoàn toàn không gắn trực tiếp với tên doanh nghiệp, nhãn hàng của họ.

Có những cá nhân đã lặng lẽ tài trợ cho các chương trình nghiên cứu, dịch thuật về nhân học văn hóa, kết nối với giới nghiên cứu chuyên ngành này ở nước ngoài, hoặc cung cấp các chuyến đi châu Âu để bổ sung dữ liệu nghiên cứu bảo tàng mà hoàn toàn không màng đến việc lưu tên tuổi của mình ở đâu đó. Gần đây nhất là sự ra mắt của Dàn nhạc giao hưởng trẻ Việt Nam (VYO), dàn nhạc không chuyên gồm thanh thiếu niên từ 12 đến 22 tuổi thuộc mọi quốc tịch, ra đời từ một cam kết hợp tác chiến lược giữa Viện Âm nhạc trẻ Việt Nam (VYMI) và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, với bốn buổi trình diễn miễn phí dành cho công chúng Thủ đô (trong khoảng từ ngày 8/9 đến 2/10/2022).

Chương trình này đã nhận được tài trợ chính từ hai doanh nghiệp trong nước. Đại diện VYMI cho biết, các doanh nghiệp sẽ tài trợ cho VYO hoạt động ít nhất là trong ba năm đầu tiên, vẫn với tinh thần hoàn toàn miễn phí cho công chúng đến thưởng thức.

Nhìn ở một góc độ rộng hơn, có thể nói, tầm nhìn và tri thức của nhiều nhà tài trợ trong nước nói riêng cho hoạt động văn hóa nghệ thuật rõ ràng đã thay đổi theo chiều hướng thực chất và tiến bộ.

Nhưng cho đến nay, tất cả các hoạt động này vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí, nguyện vọng của riêng nhà tài trợ nên có thể cũng dễ dàng bị ngưng lại bất thình lình. Chính vì thế, việc hoàn thiện cơ chế chính sách của nhà nước liên quan trực tiếp đến vấn đề này: thuế và quản trị tài chính/ chống rửa tiền là yếu tố then chốt, cơ sở cho niềm tin của doanh nghiệp vào sự đồng hành của chính phủ trong việc bảo đảm đường dài tài trợ cho sản phẩm văn hóa nghệ thuật ở nước ta.

Ở Mỹ, từ năm 1917, khoản đóng góp cho các quỹ nghệ thuật phi lợi nhuận được khấu trừ thuế. Nguồn: www.americanforthearts.org.

Ở Cộng hòa Malta, từ năm 2016, Chính phủ nước này chính thức khấu trừ 50% thuế cho các khoản đóng góp cho văn hóa. Nguồn: www.artscouncilmalta.org.

Ở Malaysia, theo Thông báo Ngân sách 2020 của chính phủ nước này, hạn mức khấu trừ thuế cho khoản tài trợ các hoạt động văn hóa nghệ thuật và di sản trong nước được điều chỉnh tăng từ tối đa 700 nghìn ringgit lên tới 1 triệu ringgit (tương đương 5 tỷ đồng). Nguồn: Ban Doanh thu nội địa Malaysia, Văn bản về Giảm thuế cho tài trợ các hoạt động văn hóa nghệ thuật và di sản, xuất bản tháng 7/2021: www.hasil.gov.my/en.